Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hồng Sâm
Thứ hai, 14/11/2022 - 09:02
(Thanh tra) - Cách đây 3 năm, phát biểu tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ III, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, khi đó là Chủ tịch MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh: Nếu không có giải pháp đột phá, không có quyết tâm chính trị cao thì đến một thời điểm nào đó, có thể hộ nghèo sẽ chỉ còn lại là người DTTS.
Mô hình trồng cam chất lượng cao của đồng bào ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN
Qủa thật, nếu không có những giải pháp “gỡ nút thắt” thực sự quyết liệt và cấp bách, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn cứ là vùng "lõi nghèo" của cả nước.
Vùng DTTS, miền núi: Vẫn chiếm trên 57% số hộ nghèo của cả nước
Với rất nhiều nỗ lực, bức tranh kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những bước chuyển biển tích cực. Tuy nhiên, đến nay vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn cứ là vùng “lõi nghèo”, vùng khó khăn nhất của cả nước.
Báo cáo của Ủy ban Dân tộc tại cuộc họp Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thẩm tra kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2021 cho biết, thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số là người DTTS chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 57,16 % tổng số hộ nghèo của cả nước.
Trước đó, năm 2020, điều tra của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ hộ DTTS nghèo và cận nghèo ở khu vực biên giới cao gấp 1,5 lần khu vực khác; ở khu vực nông thôn cao xấp xỉ 4 lần khu vực thành thị. Gần một nửa số hộ DTTS ở các xã vùng DTTS khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là hộ nghèo và cận nghèo. Dân tộc Co, Xinh Mun, La Hủ, Chứt, Mảng, Pà Thẻn lại có số hộ nghèo và cận nghèo lên tới 70%. Đặc biệt dân tộc Chứt có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến 89,3%, nghĩa là cứ 10 hộ dân tộc Chứt thì có đến 9 hộ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Ngoài ra, trên cả nước vẫn còn 21 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, trong đó có dân tộc Mông - một trong những dân tộc có dân số đông (trên 1 triệu người) nhưng số hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 2/3 (65,5%).
Cả nước còn 20,8% hộ DTTS đang sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của các hộ DTTS là 16,9m2/người, thấp hơn 6,3m2/người so với bình quân chung cả nước.
Điều đáng chú ý là khoảng cách từ nhà của hộ DTTS đến các cơ sở hạ tầng gần nhất bao gồm trường học, bệnh viện, chợ hoặc trung tâm thương mại còn xa. Đơn cử như khoảng cách trung bình từ nhà đến chợ của hộ DTTS hiện là 8,9km, từ nhà đến bệnh viện gần nhất là 14,7 km; từ nhà đến trường tiểu học và trung học cơ sở gần nhất là 2,2 và 3,7km, tới trường trung học phổ thông ới 10,9km… Đó thực sự là rào cản lớn ngăn trở các hộ DTTS tiếp cận với giáo dục, y tế, giao thương… - những bàn đạp, bệ đỡ cho sự phát triển.
Rõ ràng, như tổng kết của Ủy ban Dân tộc, vùng DTTS và miền núi đến nay vẫn là địa bàn khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng tăng lên.
Chương trình MTQG phát triển vùng DTTS: Vẫn là những kỳ vọng
Rõ ràng, vùng DTTS đang ngày càng bị tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước. Việc hộ nghèo dần chỉ còn là người DTTS không còn là nguy cơ nữa mà đã là thực tế hiện hữu. Những khó khăn này đang từng ngày, từng giờ tác động tới cuộc sống của các gia đình người DTTS. Và nếu không có ngay những giải pháp hiệu quả, việc vùng DTTS và miền núi bị bỏ lại phía sau là điều hoàn toàn có thể xảy đến.
Từ thực tế cấp bách đó, rất nhiều giải pháp đã được đặt ra. Trong đó, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), bao gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được nhắc tới như là những “chìa khóa” gỡ khó cho vùng “lõi nghèo” này.
Có ý kiến cho rằng nên đặt 3 chương trình này cài xen nhau hợp lý, phát huy tốt nhất hiệu quả của các nguồn lực… 3 chương trình MTQG cần rà soát về đối tượng giảm nghèo, tránh tình trạng dàn trải. Chú trọng địa bàn khi áp dụng chuẩn nghèo mới. Các chỉ tiêu phải đảm bảo tính khả thi, từ đó phân bổ hợp phần phù hợp. Cơ chế thực hiện đảm bảo tính thống nhất, cần phân cấp cho địa phương để giảm chồng chéo; linh hoạt trong cơ chế sử dụng vốn. Có cơ chế điều hành, tiêu chí phân bổ cụ thể, đảm bảo tính hợp lý của các chương trình….
Tuy nhiên, từ kỳ vọng, mong muốn đến thực tế vẫn là khoảng cách. Đơn cử, thực tế triển khai Chương trình MTQG phát triển vùng DTTS. Ngày 3/10/2022 vừa qua, tại cuộc họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chỉ rõ việc triển khai giai đoạn 1 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 rất chậm. Điều này làm ảnh hưởng đến niềm tin, sự kỳ vọng của đông bào DTTS và miền núi đối với một chương trình có ý nghĩa lịch sử và nhân văn. Trong đó việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho chương trình đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đề ra.
Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị cần có giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn; khuyến khích các địa phương tự cân đối ngân sách có kế hoạch ưu tiên để bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị thực hiện chương trình còn có độ vênh so với hành động thực tế. Do vậy cần chỉ rõ trách nhiệm thuộc bộ, ngành, địa phương nào, vướng mắc ở đâu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS và miền núi: Những hướng đi hiệu quả
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm hiện được nhiều địa phương xem là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS, từ đó, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Đơn cử tại Hà Giang, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, huyện Đồng Văn, đang tiên phong trong công tác đào tạo nghề cho thành viên, người lao động là phụ nữ DTTS. Với việc trồng lanh và phát triển các sản phẩm lanh trắng, hàng trăm phụ nữ DTTS được tiếp cận với các chương trình dạy nghề, từ đó giúp nhiều chị em có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Chị Sùng Thị Sy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho biết, hiện nay, thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX dao động từ 5,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trước khi chị em tham gia HTX.
Hay như Hòa Bình, việc phát triển giáo dục và đào tạo nghề nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS, miền núi được chú trọng. Tại huyện Kim Bôi, HTX Dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm cho người dân địa phương. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề may công nghiệp, các học viên sẽ được nhận vào làm việc tại xưởng may gia công của HTX. Mức lương tối thiểu của công nhân tại xưởng đạt 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng.
Ở Lai Châu, nhiều chính quyền địa phương đã xác định đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, định hướng nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững, giảm dần việc sống phụ thuộc vào rừng. Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, người dân có thể phát triển các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã phù hợp với quy định của pháp luật để góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống, đẩy lùi hoạt động săn bắt động vật hoang dã.
Cách làm của Cao Bằng có lẽ cũng là hướng đi để nhiều địa phương tham khảo. Từ nhiều năm qua, Cao Bằng đã xác định bốn vấn đề cần quan tâm ở vùng DTTS, trong đó có vùng đồng bào Mông đó là: Hạ tầng thiết yếu và giao thông, điện nước sinh hoạt; vấn đề cán bộ người Mông trong hệ thống chính trị; hoạt động của "đạo lạ", hiện tượng tôn giáo mới; đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững. Tỉnh xác định cần đẩy mạnh giải quyết sinh kế cho người dân vùng đồng bào DTTS, trong đó quan tâm đến việc xây nhà ở, cấp đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn sản xuất cho đồng bào. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy về các tập quán lạc hậu như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, du canh du cư; nhân rộng mô hình xây dựng kinh tế hiệu quả của đồng bào DTTS.
Nỗ lực tạo động lực cho đồng bào DTTS thoát nghèo nhanh và bền vững của Thanh Hóa cũng là một hướng đi đáng học hỏi. Thanh Hóa là 1 trong 8 tỉnh được Chính phủ chọn để thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020. Với mục tiêu thoát nghèo nhanh và bền vững, công tác giảm nghèo đã được cả hệ thống chính trị ở tỉnh đặc biệt quan tâm vào cuộc, tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS có động lực vươn lên thoát nghèo.
Với quan điểm, “trao cần câu không trao con cá”, huyện miền núi Bá Thước chủ trương muốn giảm nghèo phải tập trung giải quyết những vấn đề đang gây trở ngại trong đồng bào, như: Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu việc làm.
UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn, mạnh dạn cho bà con vay vốn phát triển sản xuất theo hình thức tín chấp.
Địa phương đã căn cứ vào nhu cầu thực tế, khả năng phát triển kinh tế của các hộ gia đình để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hộ cho phù hợp... do vậy được bà con đồng thuận, phấn khởi sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học - kỹ thuật được tập huấn trong sản xuất. Nhờ đó, sản lượng,chất lượng cây trồng vật nuôi tăng cao, thu nhập cũng từ đó tăng lên. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Bá Thước giảm nhanh, từ 25,31% xuống 2,26% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 4,61%. Trước năm 2020, huyện Bá Thước còn 8 xã đặc biệt khó khăn, thì đến nay nhờ sự triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, huyện chỉ còn 1 xã đặc biệt khó khăn. Bá Thước đang phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo trong một vài năm tới đây.
Chia sẻ về kết quả công tác giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, ông Tạ Hồng Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến cuối năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn thành. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm giảm 4,62%; trong đó đối với 100 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã giảm được 6,84%/năm; hộ nghèo DTTS giảm 5,82%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa đang thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, với mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,67%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 3%/năm trở lên. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn này là 20.120 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 15.718 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 4.305 tỷ đồng; ngân sách huyện và các nguồn hợp pháp khác 97 tỷ đồng). Trong đó, địa phương sẽ tập trung vào nhiều hạng mục quan trọng như: Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tạo sinh kế bền vững...
Đúng như lời người xưa có câu, “việc làm quan trọng hơn lời nói”, để nỗ lực xóa “lõi nghèo” cho vùng DTTS và miền núi thành công, trước hết hãy bằng những hành động, giải pháp cụ thể, thiết thực và nỗ lực tự thân, từng quá trông chờ vào bệ đỡ Nhà nước.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024(Thanh tra) - Sáng 22/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất. Các tác phẩm tham dự Giải được đăng trong thời gian từ ngày 1/5/2023 đến ngày 30/5/2025 trên các loại hình báo in và báo điện tử của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; thời hạn nhận bài từ ngày 24/11/2024 đến hết ngày 10/6/2025.
Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu
Hương Giang
Trần Trung
Thái Hải
Hương Giang
Ngọc Phó
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương