Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nơm nớp mối lo “độc tửu”

Chủ nhật, 19/01/2014 - 15:20

Vụ “rượu nếp 29 Hà Nội” pha bằng cồn công nghiệp làm 6 người chết vừa qua ở Quảng Ninh đã lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người dân nói chung và “ma men” nói riêng về mức độ an toàn của nhiều loại rượu đang trôi nổi trên thị trường.

Vì lòng tham mà Nguyễn Duy Vường sẵn sàng pha cồn công nghiệp vào hơn 6.300 chai rượu nếp Hà Nội, gây tử vong cho 6 nạn nhân ở Quảng Ninh

Giờ đây, không chỉ những can rượu quê tự nấu kiểu “cuốc lủi” mà ngay cả một số loại rượu đóng mác doanh nghiệp Nhà nước cũng có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng khi có thể bị làm nhái hay pha chế kiểu tạp nham như trường hợp của Rượu nếp 29 Hà Nội chẳng hạn… Áp tết, nhu cầu rượu, bia tăng mạnh, các loại rượu rởm cũng thừa cơ tung hoành khiến người tiêu dùng vừa uống, lại vừa lo ngay ngáy.

Cồn công nghiệp + nước lã = rượu

Mới đây, dư luận rất bức xúc vì hành vi kinh doanh phi nghĩa mà Nguyễn Duy Vường, nguyên Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội đã thực hiện khi y dùng 15.300 lít cồn công nghiệp loại dùng làm vécni để pha chế rượu nếp 29 Hà Nội lô sản xuất ngày 12/10/2013. Hậu quả là khiến cho 6 người tiêu dùng xấu số ở Cẩm Phả và Hạ Long (Quảng Ninh) thiệt mạng do trót mua phải loại rượu đểu này để chung vui “chén chú, chén anh”.

Điều đáng nói là loại rượu nếp 29 Hà Nội có cách chế biến với công thức 1 lít rượu = 30% cồn + 70% nước + hương liệu trộn đều rồi đóng chai, gắn nhãn mác công ty để công khai bán ra thị trường.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, Vường khai nhận rằng, những lô hàng sản xuất trước đây, lượng cồn thực phẩm dùng để pha chế được nhập của các công ty lớn trong nước như Công ty Bia rượu Đồng Xuân Hà Nội, Bình Tây, Vi Gơ... có thương hiệu và uy tín, nhưng do mùa phục vụ tết đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ rượu trên thị trường tăng mạnh nên đã lấy thêm 18.000 lít cồn công nghiệp của Lưu Thị Thu Hà (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để sản xuất phục vụ kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.

Hậu quả là 6.300 chai với tổng cộng 10.000 lít núp bóng “rượu công ty” bị tung ra thị trường khiến cho 6 người thiệt mạng, hàng trăm người vẫn đang lo lắng lỡ uống nhầm rượu độc với cái tên khá kêu là “Rượu nếp 29 Hà Nội” này.

Mặc dù cơ quan chức năng đang cố gắng thu hồi nhanh nhất lô rượu độc hại đã xuất xưởng kia, thế nhưng có một điều chắc chắn rằng đó là một chuyện gần như là bất khả thi và chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng” khi hàng ngày có biết bao lít rượu loại này được bán ra thị trường ở đủ mọi vùng miền. Một điều đáng lo nữa là, trước thông tin công bố rộng rãi, nhiều người đã lỡ mua buôn rượu này về với tâm lý tiếc của khiến cho họ có thể xé hay thay nhãn mác hoặc chuyển sang loại chai khác để tiếp tục bán ra ngoài, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, gây hậu họa khôn lường.

“Vì lợi nhuận mà bất chấp sinh mạng của người khác khiến tôi thực sự căm hận công ty rượu này. Tôi đề nghị Cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ thêm chân tướng để xử lý nghiêm công ty này theo pháp luật. Đồng thời yêu cầu công ty này phải có trách nhiệm bồi thường cho những sinh mạng họ đã hại chết”, bà Trần Thị Thanh Hoa (trú tại xóm 8, thôn Trắc Dương, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) - mẹ của nạn nhân Trần Mạnh Linh (26 tuổi) thiệt mạng trong vụ ngộ độc “Rượu nếp 29 Hà Nội” đã bức xúc lên tiếng.

Rượu “nhà máy” mà còn có loại gây chết người như thế thì các loại rượu quê với nguyên liệu pha tạp, cách thức chế biến thô sơ và khâu kiểm tra lỏng lẻo ngấm ngầm hay trực tiếp gây hại cho người sử dụng, đặc biệt là trong các dịp lễ tết cũng là điều dễ hiểu.

Một số loại “rượu nhà máy” bình dân thông dụng hiện nay như Vodka Hà Nội hay Vodka Men cũng đã thấy xuất hiện những sản phẩm hàng nhái, hàng rởm len lỏi trên thị trường đe dọa sức khỏe người tiêu dùng hằng ngày.

Rượu tây cũng giả

Trong dịp tết, nhu cầu về rượu, đặc biệt là rượu Tây nhằm mục đích biếu, tặng tăng mạnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trên thị trường tràn lan các loại rượu ngoại thuộc đủ mọi dòng như vang, whisky, vodka hay cognac… với giá cả và chất lượng khó kiểm định. Anh Nguyễn Trọng Nghĩa (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tết đến, tôi cũng muốn mua một chai rượu ngoại xịn để biếu sếp. Thế nhưng, bây giờ ra cửa hàng với siêu thị nhiều loại quá, tôi chỉ sợ chọn phải rượu rởm đem biếu thì đúng là… họa.

Vậy khi đi mua rượu Tây cần có người am hiểu đi cùng để tư vấn, chứ chỉ căn cứ vào nơi bán là siêu thị, shop rượu hay các quầy đại lý bánh kẹo thì cũng không ổn vì các nơi đó cũng chỉ là đơn vị phân phối, người bán nhập từ đâu, giả hay thật họ cũng không biết. Cùng lắm người mua chỉ có được cam kết “rượu chính hãng” của người bán. Cam kết này không phải là tiêu chí để khẳng định đó là rượu ngoại chính hãng. Rượu nếp 29 Hà Nội cũng là rượu… chính hãng đấy thôi?!”.

Công đoạn chế biến rượu Tây giả cũng công phu không kém. Anh Nguyễn Hùng Dũng - một người kinh doanh rượu ngoại lâu năm ở quận Thanh Xuân bật mí: “Chai rượu ngoại đều là chai thật được mua gom từ các nhà hàng, quán ăn lớn với giá 10.000-30.000 đồng/chai tùy loại. Nhãn mác, tem nhập khẩu được in bằng máy chuyên dụng, cao cấp nên rất khó phát hiện. Đó là vỏ, ruột thì đơn giản hơn, hoặc pha từ rượu trắng với màu thực phẩm và hương liệu rượu của Trung Quốc hoặc mua các loại rượu vodka rồi thêm 20-50% rượu thật ngoại chính hãng và hương liệu... Với loại rượu ngoại có bi ở nút chai thì cầu kỳ hơn, người sản xuất rượu lậu phải đặt mua bi từ Trung Quốc hoặc từ các nhà hàng rồi dùng máy đóng nắp chai đóng xuống.

Ngoài ra, một số người còn sử dụng kế “kim thiền thoát xác” để sản xuất rượu giả. Họ rút lõi rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Cách này khá công phu nhưng khiến cả những người nhiều kinh nghiệm nhất cũng không thể phát hiện được rượu giả. Hầu hết người mua rượu Tây là để tặng, biếu chứ có mấy ai bỏ hàng triệu đồng để mua rượu về uống đâu. Nếu người uống có tinh tường phát hiện ra rượu giả thì cũng đành ấm ức chịu trận chứ không lẽ gọi điện trách người biếu “cho rượu rởm”…

Nói tóm lại, rượu ngoại mua tùy tiện cũng không an toàn, đừng dại mà mua rượu độc tặng người thân. Nếu cần mua rượu xịn, phải căn cứ vào uy tín của người bán. Trên thực tế, nhiều khách hàng VIP chỉ uống rượu từ các cửa hàng miễn thuế”. Khác với “rượu quê” hay “rượu nội của các nhà máy trong nước sản xuất”, rượu ngoại có giá cả đắt hơn nhiều lần, tuy vậy, chất lượng cũng không được hoàn toàn đảm bảo nên không ít người bày tỏ sự hoang mang khi muốn chọn mua hay uống loại rượu này trong dịp tết.

Chọn rượu phải tinh

Tính bình quân, mỗi người dân nước ta mỗi năm tiêu thụ 32 lít bia và hơn 4 lít rượu. Ðiều đáng nói là không thể thống kê chính xác số lượng cơ sở sản xuất rượu, vì có những vùng quê như Trương Xá, Làng Vân, Bầu Đá, Kim Long, Gò Đen… nhà nhà nấu rượu, do đó cũng không thể kiểm soát được chất lượng rượu. Ðồ uống có cồn được bày bán khắp nơi mà không cần cấp phép. Trong hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu có đăng ký ở nước ta, chỉ khoảng 10% công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Rất nhiều loại rượu “vô danh” có hàm lượng độc tố aldehyde, methanol khá cao vẫn bày bán công khai. Có lẽ đã đến lúc cần phải đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, quản lý vấn đề sản xuất, kinh doanh bia rượu và xử lý những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực rượu bia.

Nhưng trước hết, những người tiêu dùng nên trang bị cho mình kiến thức vững vàng để không bị “say” trước “men rượu đểu”. Đối tượng tiêu thụ rượu chính lại là cánh đàn ông - những người vốn được coi là “trụ cột trong gia đình”, chuyên làm công to việc lớn, thậm chí họ còn vận vào lý do của các cụ là “Nam vô tửu như kỳ vô phong” hay “Làm trai cho đáng nên trai / Chai thì một lít, chai thì sáu lăm” để uống rượu như uống nước lã.

Hậu quả là “rượu vào, lời ra” khiến bao gia đình tan cửa, nát nhà chỉ vì người uống không làm chủ được mình, bị con ma men sai khiến, đến khi hối lại thì có thể đã muộn.

PGS.TS Phạm Duệ Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết: “Trong dịp gần tết và ra tết, nhiều thanh niên phải nhập viện vì rượu. Thường vào cuối năm nhiều người gặp gỡ nhau uống rượu liên hoan chia tay, đầu năm thì rượu chè gặp gỡ. Những bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong những ngày đó thường là ngộ độc nặng, biểu hiện như hôn mê, nôn mửa do uống quá nhiều hoặc rượu rởm.

Những trường hợp ngộ độc rượu cấp tính đều do uống quá nhiều. Nếu được xử lý kịp thời thì sẽ không để lại di chứng. Còn đối với những trường hợp nghiện rượu mãn tính, di chứng hết sức nặng nề như trí nhớ kém hoặc nhớ không chính xác, thay đổi hành vi, sa sút trí tuệ, hoang tưởng, viêm gan, xơ gan, bụng to không ăn uống và dẫn tới tử vong”.

Rượu thật uống nhiều đã không tốt, rượu rởm uống nhiều lại càng nguy hại hơn. Trường hợp 6 nạn nhân ở Quảng Ninh tử vong đau lòng vì uống phải rượu pha cồn đánh vécni vừa qua đã lại một lần nữa cảnh tỉnh mọi người dân, đặc biệt là những người hay uống rượu về ý thức “uống có trách nhiệm”. Chúng ta nên chọn mua hay uống những loại rượu do doanh nghiệp Nhà nước uy tín sản xuất; hạn chế uống hay biếu tặng những loại rượu không rõ xuất xứ nguồn gốc như rượu quê tự nấu, rượu ngâm các loại động, thực vật lạ…

Với rượu ngoại thì tốt nhất khi mua nên đi cùng người sành uống loại rượu đó, kiểm tra kỹ tem chống hàng giả, nhãn mác, xuất xứ, thương hiệu, hạn sử dụng… và nên mua ở những cửa hàng miễn thuế để tránh mua phải hàng nhái, hàng rởm. Trong bữa cơm hằng ngày và đặc biệt, trong các dịp trọng đại, tụ tập đông người như dịp tết cổ truyền Giáp Ngọ sắp tới, chúng ta chỉ nên nhâm nhi chút chút để tránh tình trạng say xỉn vì chỉ khi đầu óc tỉnh táo thì tâm hồn mới tươi đẹp và sức khỏe mới đảm bảo, niềm vui xuân mới mới trọn vẹn.

Theo Petrotimes

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm