Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ninh Thuận: Đẩy mạnh phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025

Mỹ Anh

Thứ ba, 21/09/2021 - 10:06

(Thanh tra) - Ban Dân tộc tỉnh có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát các cơ chế, chính sách đang triển khai thực hiện; kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh.

Huyện Ninh Phước trên đường phát triển. Ảnh (2018): S.N/http://baoninhthuan.com.vn

Ngày 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh đã ký ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn với mục tiêu tổng quát là triển khai thực hiện Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng của tỉnh, miền trong cả nước; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh.

Kế hoạch đề ra 2 yêu cầu: Phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh bảo đảm phù hợp với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh; hài hoà giữa các khu vực trong tỉnh; phát huy lợi thế so sánh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phát triển nhanh, bền vững các loại hình thương mại du lịch, hạ tầng thương mại - dịch vụ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng đặc trưng, tiềm năng và lợi thế

 Xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hoá phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng, bao gồm điểm bán hàng vật tư, nông cụ, thiết bị phục vụ sản xuất; hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, thông qua Chương trình “Tự hào hàng Việt Nam”.

Xây dựng mô hình điểm bán các mặt hàng đặc sản, đặc trưng của địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa bao gồm các điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù.

Xây dựng và tổ chức mô hình phân phối chủ lực để kết nối cung và cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển phân phối vừa và nhỏ phù hợp với thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của địa phương

Khuyến khích đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với hàng hoá là lợi thế phát triển trên địa bàn huyện; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm trên địa bàn huyện Ninh Phước.

Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là lợi thế phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân truy xuất trực tuyến nguồn gốc nông sản từ đầu vào đến khâu lưu thông, phân phối nông sản.

Triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất những mặt hàng tiềm năng, lợi thế khu vực miềm núi, vùng sâu, vùng xa.

Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh hàng hóa tại miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp cận, trao đổi, thỏa thuận, hợp tác với hệ thống phân phối hàng hóa trên cả nước để xây dựng một quy trình ổn định cung cấp hàng hóa từ vùng sản xuất đến các cơ sở bán buôn và bán lẻ. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nông sản, kết nối giao thương, kết nối cung cầu để đưa nông sản của khu vực tiêu thụ ổn định, bền vững tại hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài nước; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn huyện.

Lễ hội Kate diễn ra ở đền tháp Po Rome thuộc làng Hậu Sanh, huyện Ninh Phước. Ảnh: https://mytour.vn

Mục tiêu cụ thể

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 10 - 12%.

Phát triển các sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu để tiêu thụ tại chỗ phục vụ khách du lịch và đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Khuyến khích phát triển thương nhân, doanh nghiệp có có năng lực tham gia hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; mỗi năm tăng trung bình 8% - 10% trong giai đoạn 2021-2025.

Phát triển thương mại - du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Chăm; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, kêu gọi đầu tư phát triển các chợ trên địa bàn huyện Ninh Phước.

Xây dựng hệ thống phân phối hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo chuỗi; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá trên thị trường trong khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn, đảm bảo 100% cán bộ quản lý thương mại thuộc đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển thương mại.

Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Phát triển thương mại hàng hoá và dịch vụ gắn với du lịch

Xây dựng các chương trình, hoạt động du lịch gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá đặc sản, đặc trưng, lợi thế trên địa bàn huyện để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Kết nối du lịch - điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương - mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn

Hướng dẫn, khuyến khích người dân địa phương đăng ký thành lập doanh nghiệp và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Thúc đẩy, hỗ trợ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo liên kết bền vững trong sản xuất kinh doanh; khuyến khích, vận động thương nhân, doanh nghiệp lớn liên kết, hợp tác với doanh nghiệp khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh để thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tạo điều kiện để thương nhân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh nâng cao năng lực, tiếp cận và kết nối thị trường trong và ngoài nước.

Phát triển dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa

Xây dựng và phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng các loại hình dịch vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phụ vụ phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, tham gia các sàn thương mại điện tử, trên nền thiết bị di động, các giải pháp marketing để hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiềm năng, lợi thế và mở rộng tiêu thụ trong nước; thực hiện việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Phát triển các mô hình doanh nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết giữa thương mại - dịch vụ gắn với sản xuất, chế biến với lưu thông, phân phối hàng hoá; tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ đầu vào, thu mua nguyên liệu tổ chức chế biến và phân phối hàng hoá.

Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ, doanh nghiệp, thương nhân làm công tác phát triển thương mại

Tổ chức các chương trình, hội nghị, hội thảo… để nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về quản lý, phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý và phát triển thương mại cho cán bộ, công chức, thương nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó chú trọng đến thương mại điện tử, giải pháp marketing trực tuyến, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc điện tử.

Thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa

Thông tin, tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm, doanh nghiệp, cơ sở, hoạt động thương mại khu vực miền núi trên phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở; trên tạp chí, ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, bản tin về xúc tiến thương mại; trang thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương.

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hoá của khu vực miền núi trong các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh, của địa phương.

Cập nhật thông tin về sản phẩm khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh trên các sàn thương mại, cổng thông tin điện tử để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của địa phương.

Để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Ninh Phước (theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 và số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ), lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan như: UBND huyện Ninh Phước; Sở Công Thương; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông...

Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát các cơ chế, chính sách đang triển khai thực hiện; kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển thương mại miền núi nhằm nâng cao nhận thức và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đề nghị các cơ quan báo, đài tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng chuyên mục/chuyên đề để cập nhật thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm