Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhọc nhằn nữ cửu vạn đất Hà Thành

Thứ năm, 06/06/2013 - 15:23

(Thanh tra) - Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ với những gánh hàng nặng trĩu trên vai. Họ đến từ các miền quê nghèo khó tìm đến chợ với nghề cửu vạn, mong có thêm chút thu nhập cho gia đình.

Gánh hàng nặng trĩu trên vai nữ cửu vạn. Ảnh: Việt Trinh

Gánh nặng cơm áo gạo tiền...

2 giờ đêm, khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ, những chuyến hàng được chở về chợ Long Biên, rồi lại từ cổng chợ phía đường Trần Nhật Duật tỏa đi khắp nơi. Đó cũng là thời điểm các nữ cửu vạn bắt đầu công việc của mình.

Chiếc xe tải chở hàng nặng tới vài trăm kg lầm lũi chạy vào bãi đỗ rộng thênh thang. Đám đông cửu vạn đã trực chờ sẵn từ tờ mờ sáng. Những kiện hàng vuông vắn đầu tiên được chuyển xuống chiếc xe kéo. 10 cửu vạn thì lạ thay, có đến 9 người là phụ nữ, nhưng ở đây dường như không ai để ý đến chuyện ấy bởi cửu vạn nữ, nhưng sức khỏe của họ không hề thua kém đàn ông. Họ có thể vác cả kiện hàng nặng mấy chục cân là chuyện bình thường nhưng tiền công chỉ được tính với giá từ 6.000 đến 8.000 đồng/chuyến.

Trung bình 1 đêm, 1 nữ cửu vạn phải vận chuyển hàng tấn hàng khi trọng lượng cơ thể chỉ trên 40kg. Người khỏe có thể tự mình kéo hoặc đẩy xe hàng nhưng khi xe hàng quá nặng phải cần đến vài người giúp sức. Ẩy là những trường hợp may mắn, bởi trong số mấy trăm nhân công tại đây, còn rất nhiều chị em phải nai lưng gánh hàng theo cách thủ công. Và tất nhiên, số lượt vận chuyển trong 1 đêm không thể nào đếm xuể. Những chị em kém may mắn nhất, không có người thuê thường ngồi tụ tập một góc, không nỡ cất bước ra về. Họ ngồi như thế đến hết đêm chờ mong "vận may".

Những nữ cửu vạn này đến từ các tỉnh, thành phố lân cận như: Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng... Tất cả họ đều có chung hoàn cảnh gia đình khó khăn, túng bấn.

“Bao nhiêu khoản phải chi tiêu hàng tháng. Cái gì cũng ngày càng đắt đỏ. Ngay cả tiền ăn học cho con cũng phải “chạy” từng tháng”, chị Nguyễn Thị Mai, quê Bắc Ninh, tâm sự. “Vào vụ mùa, chúng tôi tranh thủ về quê cấy gặt, rồi quay lại chợ tiếp tục công việc. Chỉ tính riêng làng tôi đã có đến cả chục người làm cửu vạn ở khu chợ Long Biên này” - chị Mai kể.

Chị Mai lên Hà Nội làm cửu vạn đã được hơn chục năm. Mới 30 tuổi, nhưng trông nét mặt khắc khổ, đôi mắt hằn sâu nhiều nếp nhăn, đôi bàn tay gân guốc, gầy guộc... Bằng đấy năm sống nơi “gầm cầu xó chợ”, chị thấm thía nỗi khổ cực của những người phụ nữ làm nghề cửu vạn.

Chị Trần Thị Bình, quê Nam Định, một cửu vạn làm lâu dài cho chủ buôn hoa quả tại chợ Long Biên bộc bạch: “Bình thường mỗi tháng chủ trả lương 1,5 triệu đồng, cộng cơm trưa. Những dịp nhiều hàng, có tăng thêm vài ba trăm nghìn. Được tăng thêm lương đồng nghĩa với việc số lượng hàng hoá phải đảm trách lại nhiều hơn”.

Không may mắn được trả “lương cứng” như chị Bình, chị Nguyễn Thị Hải, người Hải Phòng ra đây làm cửu vạn thuê, đi làm tính theo buổi, ai thuê thì làm, chứ không làm riêng cho chủ hàng nào cả. Chị Bình tâm sự: “Ngày nào cũng phải dậy từ 2 giờ sáng, ngồi trực sẵn ở bãi xe hoặc cổng chợ, chờ xe hàng đến. Người ta gọi mình, không thì mình phải tự hỏi”.

Công việc của cửu vạn bận rộn nhất là vào lúc sáng sớm nên ai cũng phải tranh thủ làm cật lực. Người gánh, người vác, người đẩy, đến 6, 7 giờ sáng mới nghỉ. Thế nhưng, bốc hàng xong, có chủ buôn nào thuê đẩy hàng, bê hàng là lại làm tiếp để kiếm thêm chút ít. Tối về, họ quây quần ở những khu trọ dành cho người nghèo. Mỗi phòng khoảng 15m2 đủ trải 3 cái chiếu cho 5 người nghỉ ngơi lấy sức.

Theo Ban Quản lý chợ Long Biên, chợ Long Biên là đầu mối trung chuyển hàng hóa khá sôi động tại miền Bắc với lượng hàng lớn từ Trung Quốc và các tỉnh thành trên cả nước đổ về, trong mấy năm về trước tỉ lệ lao động là nam giới chiếm gần 100%, thì hiện nay, với số lượng nhân công dao động từ 200 - 400 người, lại có tới 2/3 là lao động nữ. Họ đến từ khắp các tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Nghề lắm gian truân

Đi làm ai cũng luôn mong mình có công việc nhàn nhã, ngồi trong văn phòng với máy lạnh còn những người cửu vạn cơ cực nơi đây lại sợ cái cảnh "ngồi mát". “Làm nghề này thà vất vả một tý còn có cái mà ăn, chứ nhàn thì... bó miệng” - một nữ cửu vạn cho biết. 

Mỗi ngày chị Hải (Hải Phòng) gánh hai, ba chục chuyến hàng to, nhỏ; nặng, nhẹ có cả. Chị chỉ mong yên ổn làm ăn, kiếm về cho gia đình chút tiền. Nhưng, nhiều khi tủi phận lắm, không may gánh đổ mà hỏng hàng thì phải đền; gánh va vào người khác thì bị chửi mắng thậm tệ. Những người chủ hàng tốt bụng thì còn gọi là “chị cửu vạn, chị bốc vác”, không thì họ khinh miệt gọi “con gánh”. Chị tâm sự: “Dù tiền công giờ có cao hơn trước, việc nhiều hơn trước nhưng để lo đủ cuộc sống thì còn nhiều khó khăn lắm. Chúng tôi đều là phụ nữ lo toan kinh tế gia đình, bao nhiêu thứ tiền phải tính hàng ngày, nhưng bốc vác mãi mà cũng không để ra được đồng nào”.

Những khi ốm đau, các chị cũng không dám nghỉ việc vì tiền thuốc men, tiền trọ chẳng ai cho không. Cả ngày làm việc nặng nhọc, buổi trưa tranh thủ tiện đâu ngồi đấy. Nhiều khi đêm về không ngủ được vì lo nghĩ cho ngày mai. Hầu hết các chị em đều bị ho và tức ngực, do làm việc quá sức và bốc dỡ hàng hóa bụi bặm. Tuy vậy, họ vẫn phải bám chặt lấy cái chợ, bám chặt những chiếc xe kéo, bám chặt những con đường dài bằng đôi giày bata cũ nát để mưu sinh. Đời nữ cửu vạn còn dài, dài những nhọc nhằn, dài những gian truân.


Việt Trinh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024
Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

(Thanh tra) - Hưởng ứng lời kêu gọi “Mỗi cơ quan, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và với tinh thần tương thân tương ái, Điện lực Bát Xát (thuộc Công ty Điện lực Lào Cai) đã có một nghĩa cử cao đẹp khi nhận nuôi và hỗ trợ em Lý Thanh Chiêu (sinh năm 2015), một trẻ mồ côi cha do hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua.

Theo EVNNPC

21:11 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm