Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh động vật

Hoàng Nam

Thứ hai, 26/06/2023 - 22:40

(Thanh tra)- Theo Cục Thú y, đa số các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ có nhân lực đủ để kiểm soát được khoảng 30% trong tổng số 27.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Nguy cơ giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm là rất lớn.

Cả nước hiện có 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, so với năm 2015, số lượng này đã giảm khoảng 5.000 cơ sở. Ảnh: dms.gov.vn

So với năm 2021, tình hình dịch bệnh năm 2022 đã được ngành Thú y kiểm soát tốt hơn khi số ổ dịch cúm gia cầm giảm 60%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 78%; số ca mắc bệnh viêm da nổi cục giảm trên 75%; đặc biệt số ổ dịch giảm gần 95% và số gia súc mắc bệnh giảm gần 99%; số ổ dịch tả lợn châu Phi giảm 60%, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 80%; số tỉnh bị dịch bệnh lở mồm long móng giảm 55,55%, số ổ dịch giảm 79,77%, số gia súc mắc bệnh giảm 83,26%; không để tái phát bệnh trên cá và một số bệnh trên tôm hùm, ngao/nghêu... 

Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, cả nước mới có 18 địa phương (chiếm 28,6%) ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung. Tức là, còn 71,4% các tỉnh, thành phố chưa tổ chức thực hiện quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và các văn bản thi hành các luật.

Luật Thú y năm 2015 quy định, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gồm Cục Thú y (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trạm Thú y (thuộc Chi cục Thú y) đặt tại các huyện, quận, thị xã. Tùy vào nguồn lực và yêu cầu hoạt động thú y của mỗi địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị HĐND cùng cấp xem xét, quyết định bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn.

Theo Cục Thú y, đến hết tháng 5/2023, có 13 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác. 33 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Trạm Thú y cấp huyện với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp/Phòng Kinh tế do UBND cấp huyện quản lý. 1 tỉnh đã thành lập lại Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp tỉnh. 5 tỉnh thành lập lại Trạm Chăn nuôi, Thú y/Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp huyện. 9 tỉnh có đề án thành lập lại Trạm Chăn nuôi, Thú y/Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp huyện. 

Hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã đã bị thay đổi nhiều khi các trạm thú y cấp huyện bị sáp nhập với các đơn vị khác, nhiều nơi không bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn, dẫn đến việc thiếu nhân viên thú y để tham mưu, tổ chức phòng, chống dịch tại địa bàn; công tác tiếp nhận thông tin, giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ, thậm chí nhiều nơi không thực hiện. Do các cơ quan thú y địa phương không nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh động vật xảy ra trên địa bàn, nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thiếu đồng bộ và không nhất quán. 

Trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, các địa phương đều thiếu nhiều kiểm dịch viên động vật nên ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, gây mất an toàn thực phẩm và gia tăng nguy cơ dịch bệnh. Thậm chí, khi xảy ra dịch bệnh, các chốt kiểm dịch liên ngành phải huy động cán bộ thú y ở các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tham gia, nhưng khi gặp trường hợp vi phạm lại không xử lý được vì cán bộ trung tâm không phải là kiểm dịch viên. 

Trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, các chi cục chăn nuôi và thú y tại địa phương cũng kêu khó vì không thể uỷ quyền thực hiện kiểm soát giết mổ cho các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, bởi các trung tâm này không thuộc quản lý trực tiếp của chi cục. 

Cục Thú y cho rằng, hệ thống quản lý nhà nước về thú y tại cấp huyện đang bị bỏ trống, thiếu tính đồng bộ giữa thực tiễn và hệ thống văn bản pháp luật khi tất cả các địa phương đã thực hiện việc sáp nhập Trạm Thú y với các cơ quan khác thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện nhưng không ban hành văn bản quy định rõ chức năng, nhiệm vụ về công tác thú y theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật. 

Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp/Phòng Kinh tế không được bổ sung các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y, không có công chức có chuyên môn về thú y để tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thú y. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm