Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều chỉ tiêu khó hoàn thành

Thứ tư, 26/09/2012 - 06:39

(Thanh tra)- Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT, gọi tắt là Đề án 1956), sau gần 3 năm triển khai, đang có nhiều vướng mắc như đào tạo chạy theo số lượng, chất lượng thấp, nhiều ngành nghề đầu tư đào tạo chưa đúng, chưa chuyên sâu…

9 tháng của năm 2012, kết quả thực hiện Đề án 1965 thấp, nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ chưa đạt. Cụ thể, việc dạy nghề cho 500.000 LĐNT đào tạo, bồi dưỡng 100.000 cán bộ, công chức cấp xã trong năm 2012 có nhiều khả năng không thực hiện được. Việc tổ chức, tuyên truyền cho LĐNT chưa sát thực tế. Công tác tổ chức, chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, chưa phù hợp với đặc điểm vùng, ngành kinh tế. Kết quả chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho biết: “Ngay như Hà Nội, sau khi mở rộng địa bàn các huyện ngoại thành, đa số LĐNT chưa qua đào tạo. Vì vậy, nhu cầu học nghề là rất lớn. Ngành nghề đưa vào giảng dạy cũng khá đa dạng, tập trung vào hai nhóm nông nghiệp chiếm 34,7% và phi nông nghiệp 65,3%. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề đạt 70% trở lên”.

Tuy nhiên, chỉ với 3 tháng học nghề, chất lượng tay nghề khó có thể tinh xảo, nên để đáp ứng 1 nghề chuyên sâu, tay nghề khá, không phải là việc dễ dàng. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành thiếu chặt chẽ, còn có sự chồng chéo giữa các Sở: LĐ-TB&XH, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Chưa kể, chỉ có 12,3% người dân tại các địa phương bị thu hồi đất được học nghề.

Về tiến độ đào tạo nghề năm 2012 của cả nước hiện chỉ đạt trên 27%. Trước mắt ở những huyện chưa bố trí được biên chế, yêu cầu trưởng hoặc phó phòng phải thực hiện kiêm nhiệm phụ trách theo dõi về dạy nghề trên địa bàn cho tới khi sắp xếp được biên chế. Hoàn thành việc bố trí các ban chỉ đạo tại các xã và biên chế cán bộ phụ trách theo dõi dạy nghề cấp huyện trước ngày 30/10/2012.

Việc đào tạo nghề cho LĐNT cần bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không nên chạy theo số lượng. Tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề triển khai nhân rộng, hướng dẫn các địa phương triển khai tổng kết, từ đó tiếp tục xây dựng tiêu chí, kế hoạch trong 3 năm 2013 - 2015.

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành, địa phương đang phấn đấu đến hết năm 2012 sẽ có 100% cấp huyện ít nhất có 1 cơ sở dạy nghề công lập đóng vai trò nòng cốt để thực hiện dạy nghề cho LĐNT. Các địa phương tổ chức tổng kết dạy nghề cho LĐNT tháng 2/2013, tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 sẽ được tổ chức vào tháng 3/2013.

Được biết, gần 3 năm triển khai Đề án 1956, đã có 889.000 LĐNT được học nghề, trong đó gần 650.000 người có việc làm đúng với nghề đào tạo. Lao động kiếm được việc làm đã giúp trên 23.500 hộ thoát nghèo, hơn 15.600 hộ trở thành hộ khá. Đáng ghi nhận là, các tỉnh, thành đã chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trên 9.600 cán bộ công chức cấp xã, nâng tổng số cán bộ công chức được đào tạo, bồi dưỡng ở 51 địa phương khi thực hiện đề án lên hơn 80.000 người.


Mai Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm