Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Thứ năm, 02/06/2011 - 08:26

(Thanh tra)- Điều kiện sống của người lao động (NLĐ) nước ta trong các doanh nghiệp (DN) những năm gần đây có nhiều khó khăn, chưa bảo đảm. Những vấn đề về tiền lương, thu nhập, bữa ăn giữa ca, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhà ở… đang thực sự là nỗi bức xúc hiện nay trong đội ngũ công nhân, lao động tại các DN, đặc biệt là DN liên doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài cần được giải quyết.

Ảnh minh họa: Thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động và đình công

Kết quả khảo sát về lý do vì sao 10 năm qua trong DN mà NLĐ đang làm việc có tranh chấp lao động và đình công thuộc đề tài cấp Nhà nước “Tranh chấp lao động và đình công trong các Cty liên doanh và Cty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam” do Viện Tâm lý học thực hiện năm 2010 tại 7 tỉnh, TP: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh bằng câu hỏi mở cho thấy, lý do “lương chưa thỏa đáng” được NLĐ đưa ra có tỷ lệ cao nhất: 82,5%.


Ý kiến “lương chưa thoả đáng” mà NLĐ đưa ra, theo chúng tôi, thực sự là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tranh chấp lao động và đình công trong những năm qua tại các DN liên doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta. Lương chưa thoả đáng đồng nghĩa với việc đồng tiền mà NLĐ nhận được chưa tương xứng với công sức lao động và thời gian đã bỏ ra cho DN. Chính điều đó đã tạo nên những bức xúc tâm lý cho NLĐ, khiến họ bùng lên đấu tranh đòi tăng lương, tăng thưởng và các quyền lợi phúc lợi khác. Kết quả là, đã xảy ra tranh chấp lao động và đình công. Ngoài ra, DN chưa đáp ứng về phúc lợi (18,5%) và DN ép buộc thời gian làm việc (16,7%) cũng là 2 nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động và đình công trong các DN đã khảo sát. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây chưa phải là những nguyên nhân có tính quyết định trong việc tranh chấp lao động và đình công của NLĐ những năm qua.

Xem xét mức thu nhập và chi tiêu hàng tháng của NLĐ, kết quả khảo sát năm 2010 của chúng tôi cho thấy: Tổng thu nhập trung bình hàng tháng của NLĐ là 2.050.000 đồng. Trong khi đó, tiền thuê nhà trung bình hàng tháng là 465.037 đồng; tiền ăn trung bình 947.926 đồng; tiền tiết kiệm trung bình 234.292 đồng. Điều đáng quan tâm là, tỷ lệ NLĐ hoàn toàn không có tiền tiết kiệm chiếm 51,5% (nam công nhân là 42,7% và nữ công nhân là 54,7%). Rõ ràng, với mức thu nhập như vậy thì cuộc sống sinh hoạt của NLĐ sẽ rất khó khăn, chưa nói gì đến mua sắm hay tích lũy, tiết kiệm để gửi về giúp gia đình.

Kết quả khảo sát thu được về thu nhập của NLĐ theo tiêu chí thâm niên làm việc tại DN được thể hiện trong bảng 2 như sau:

Kết quả trên cho thấy, số năm làm việc trong DN càng nhiều thì thu nhập hàng tháng càng được nâng lên. Điều đó về mặt lý thuyết là hoàn toàn phù hợp vì trong những năm làm việc, NLĐ sẽ được nâng lương và các khoản khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, số người được lên lương khi đến thời hạn quy định ghi trong hợp đồng lao động như thế nào và mức tăng lên bao nhiêu ở các loại hình DN và các đối tác đầu tư thì cần phải có nghiên cứu chi tiết, cụ thể mới kết luận được vì, cũng theo kết quả trên, tỷ lệ người có mức thu nhập trên 2 triệu đồng mà đã có thâm niên làm việc trên 3 năm mới chỉ chiếm non nửa (43,9%) mà thôi. Vậy số còn lại cũng có thời gian làm việc trên 3 năm thì việc nâng lương và các khoản phụ cấp khác của họ sẽ như thế nào? Đây phải chăng là những chứng cứ tạo nên những bức xúc, sự bất đồng, sự không hài lòng của NLĐ với những người sử dụng lao động và là ngòi nổ cho các vụ tranh chấp lao động và đình công những năm qua.

Kết quả khảo sát thu được trong bảng 3 (dưới đây) cho thấy, tỷ lệ NLĐ có mức thu nhập từ 1,6 - 2 triệu đồng cao nhất là làm việc trong các DN của Hồng Công - Trung Quốc (44,8%), kế đến là các DN Hàn Quốc (38,9%), thứ ba là DN Nhật Bản (37,5%), thấp nhất là NLĐ trong các DN Việt Nam (14,3%). Tỷ lệ NLĐ có mức thu nhập 1,6 triệu đồng trở xuống cao nhất là ở các DN Đài Loan. Có lẽ vì vậy, trong 10 năm qua, số vụ đình công cao nhất thuộc về các DN Đài Loan - 824 vụ, chiếm 37,8% số vụ đình công ở các Cty có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, có thể nói, thu nhập thấp, mức lương không bảo đảm cuộc sống và chi tiêu tối thiểu hàng ngày của NLĐ sẽ là nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động và đình công trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua ở nước ta.

Khi được hỏi: Mức thu nhập có đủ chi tiêu hàng tháng không? Chúng tôi thu được kết quả sau: Trong số NLĐ được hỏi, trừ 5,1% không trả lời, 31,5% cho biết đủ chi tiêu và 68,5%  trả lời không đủ. So sánh giữa nam và nữ, chúng tôi thấy có sự khác biệt không lớn. Có 61,8% công nhân nam cho biết thu nhập của họ không đủ chi tiêu trong tháng, tỷ lệ của công nhân nữ là 71%. So sánh theo tiêu chí thâm niên chúng tôi cũng không thấy có sự khác biệt rõ rệt.

Cũng theo khảo sát, những NLĐ ở tỉnh Bình Dương có tỷ lệ thu nhập đủ chi tiêu trong tháng cao nhất và chiếm 53,7%. Tỷ lệ này ở Khánh Hòa quá thấp (11,8%) so với các tỉnh, TP còn lại. Nhìn một cách tổng thể, tỷ lệ NLĐ có mức thu nhập không đủ chi tiêu hàng tháng là khá cao ở hầu hết các tỉnh, TP đã khảo sát. Với thực tế giá cả ngày một leo thang mà mức lương không nhúc nhích là một bất lợi cho NLĐ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày chứ chưa nói gì đến nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của họ. Chính đời sống khó khăn như vậy nên việc phát sinh các cuộc đình công và cả những cuộc đình công mang tính dây chuyền có dấu hiệu là sự tích tụ những bức xúc.

Kết quả thu được trong bảng 4 cho thấy, NLĐ thuộc các DN Đài Loan có mức thu nhập không đủ chi tiêu cao nhất (82,4%), tiếp theo là DN của Nhật Bản và Hồng Công - Trung Quốc. Điều này được minh chứng trong kết quả điều tra của chúng tôi về sự diễn ra tranh chấp lao động và đình công tại DN trong 10 năm qua thì đối tác Đài Loan có tỷ lệ đánh giá của NLĐ cao nhất là có đình công với tỷ lệ 52,4%, sau đó là các DN Nhật Bản (22,3%). Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu khác mà TS Lê Thanh Hà, Viện Nghiên cứu Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dẫn số liệu trong báo cáo Vấn đề tranh chấp lao động và đình công ở Việt Nam trong 10 năm qua (2000 - 2010). Theo số liệu mà TS Lê Thanh Hà đã dẫn, trong 10 năm qua, tỷ lệ số vụ đình công diễn ra ở các Cty Đài Loan là cao nhất (37,8%), tiếp đó là ở các đối tác khác (32,9%) và Hàn Quốc (29,3%). Như vậy, trong 10 năm qua, đình công xảy ra chủ yếu tập trung ở DN của các nhà đầu tư châu Á.  

Rõ ràng, lương không thỏa đáng, thu nhập thấp, không đủ chi tiêu dẫn đến điều kiện sống khó khăn là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tranh chấp lao động và đình công các năm qua tại DN.

Muốn giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công cần có nhiều giải pháp, biện pháp khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là bảo đảm cho NLĐ có tiền lương, tiền thưởng, thu nhập đủ trang trải cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và có một phần tích luỹ. Ngoài ra, các chủ DN cần quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho NLĐ như: Nhà ở cho NLĐ, hỗ trợ tiền đi lại, trả tiền nghỉ phép năm, tăng chất lượng bữa ăn trưa (hay ăn giữa ca), đời sống văn hoá tinh thần... Có như vậy, NLĐ mới có đủ sức khoẻ và trạng thái tâm lý tốt nhất để yên tâm cống hiến cho DN với chất lượng lao động tốt nhất.

Mai Thanh Thế 
Viện Tâm lý học 

Tài liệu tham khảo
1. Viện Tâm lý học, Số liệu đề tài cấp Nhà nước “Tranh chấp lao động và đình công trong các Cty liên doanh và Cty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam”, năm 2010.
2. TS Lê Thanh Hà, Viện Nghiên cứu Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chuyên đề Vấn đề tranh chấp lao động và đình công ở Việt Nam trong 10 năm qua (2000 - 2010).
3. Báo Lao động, ngày 14/11/2008: Quan hệ lao động - “Phủi trách nhiệm với NLĐ”



Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm