Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Hiệp
Chủ nhật, 12/01/2025 - 20:21
(Thanh tra) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội không chỉ là sân chơi của người lớn mà đang dần len lỏi vào cuộc sống của trẻ em. Việc tiếp cận sớm mang đến không ít lợi ích, nhưng song song đó là những rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ.
Mạng xã hội trở thành một phương tiện giao tiếp giúp trẻ kết nối với bạn bè, giải trí và giảm bớt căng thẳng. Ảnh: Hoàng Hiệp
Những rủi ro tâm lý
Mạng xã hội mở ra một thế giới đầy màu sắc và thú vị, nơi trẻ em có thể kết nối, giải trí và học hỏi. Tuy nhiên, theo khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam 12-13 tuổi sử dụng internet hàng ngày.
Đáng chú ý, theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5-7 giờ mỗi ngày. Con số này cho thấy xu hướng trẻ em tiếp xúc và phụ thuộc vào mạng xã hội đang ngày một gia tăng, kéo theo những hệ lụy không thể xem nhẹ.
Việc trẻ em sử dụng mạng xã hội sớm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một phần do môi trường xung quanh khi cha mẹ, người thân đều sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội trong sinh hoạt hàng ngày. Việc trẻ bắt chước và tò mò là điều dễ hiểu.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, học trực tuyến đang trở thành một xu hướng, kéo theo đó là việc trẻ em tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. Tuy nhiên, khi không được kiểm soát, thói quen này có thể nhanh chóng biến thành sự lệ thuộc, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và hành vi của trẻ.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng mạng xã hội là công cụ giúp con học hỏi và phát triển. Điều này không sai, bởi các nền tảng như YouTube hay TikTok chứa nhiều nội dung giáo dục hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo và tư duy của trẻ. Qua các video hướng dẫn, các em có thể học ngoại ngữ, kỹ năng sống hay tham gia các khóa học trực tuyến. Mạng xã hội cũng là nơi trẻ tìm hiểu về thế giới, mở rộng hiểu biết và hình thành các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, lợi ích luôn song hành với rủi ro. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất chính là việc trẻ bị cuốn vào các nội dung tiêu cực, không phù hợp với độ tuổi. Nhiều trẻ em dành hàng giờ đồng hồ để lướt video ngắn, tham gia các thử thách nguy hiểm trên TikTok hoặc tiếp xúc với nội dung bạo lực, phản cảm.
Nhiều chuyên gia tâm lý cũng đã cảnh báo, việc tiếp xúc sớm với mạng xã hội có thể khiến trẻ phát triển lệch lạc về nhận thức. Trẻ nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hình mẫu trên mạng xã hội. Các em có xu hướng bắt chước hành vi của người khác mà chưa đủ khả năng phân biệt đúng sai.
Không dừng lại ở đó, mạng xã hội còn khiến trẻ em dễ rơi vào tình trạng “nghiện”. Việc dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử khiến các em mất tập trung vào việc học, giảm khả năng tương tác xã hội thực tế. Một số trẻ có biểu hiện lo lắng, trầm cảm khi không được sử dụng điện thoại.
Nghiên cứu đăng trên American Journal of Preventive Medicine cho thấy, thanh thiếu niên 12-15 tuổi sử dụng mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày, có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần cao gấp đôi so với những người không sử dụng.
Nhiều bậc cha mẹ cũng bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu đáng báo động. Chị Minh Hằng (38 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng con gái chị 12 tuổi, thường xuyên thức khuya để lướt TikTok và đã nhiều lần đi học muộn vì ngủ quên. Khi kiểm tra điện thoại của con, chị phát hiện con tham gia các nhóm kín trên Facebook với nội dung tiêu cực. Tình trạng này khiến chị vô cùng lo lắng và bối rối trong việc quản lý con.
Độ tuổi hợp lý để trẻ sử dụng mạng xã hội là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Các chuyên gia khuyến nghị trẻ em dưới 13 tuổi không nên sử dụng mạng xã hội hoặc nếu có thì phải có sự giám sát chặt chẽ từ gia đình. Một số nền tảng đã đặt ra giới hạn độ tuổi để tạo tài khoản, nhưng trên thực tế, việc trẻ em khai gian tuổi để tham gia là rất phổ biến. Điều này đòi hỏi phụ huynh cần nâng cao nhận thức và đồng hành cùng con trong quá trình tiếp cận môi trường số.
Vai trò của các bậc phụ huynh
Để giảm thiểu những rủi ro trên, cha mẹ nên thiết lập các quy tắc rõ ràng về thời gian và nội dung mà trẻ được phép xem. Bên cạnh đó, cần dành thời gian để trò chuyện, giải thích cho con hiểu về những mặt trái của mạng xã hội và hướng dẫn con sử dụng một cách lành mạnh. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật cũng cần được khuyến khích nhằm giúp trẻ cân bằng giữa thế giới ảo và thực tế.
Việc giáo dục trẻ về an toàn mạng là yếu tố then chốt trong quá trình này. Cha mẹ cần dạy trẻ cách bảo mật thông tin cá nhân, tránh kết bạn với người lạ và không chia sẻ những nội dung nhạy cảm. Đồng thời, việc thường xuyên kiểm tra và cập nhật các công cụ kiểm soát của phụ huynh trên thiết bị điện tử là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro.
Mạng xã hội đôi khi là một con dao hai lưỡi. Nền tảng này mang đến nhiều cơ hội phát triển cho trẻ em nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Để trẻ em có thể sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và lành mạnh, sự đồng hành và định hướng từ cha mẹ là điều không thể thiếu. Trong bối cảnh công nghệ tiếp tục bùng nổ, việc tạo ra một môi trường mạng xã hội an toàn cho trẻ là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn của toàn xã hội.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội không chỉ là sân chơi của người lớn mà đang dần len lỏi vào cuộc sống của trẻ em. Việc tiếp cận sớm mang đến không ít lợi ích, nhưng song song đó là những rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ.
Hoàng Hiệp
(Thanh tra) - Gió bấc về, Câu lạc bộ (CLB) Hành trình Nhiệt huyết lại tiếp tục thực hiện chương trình thường niên "Đông ấm" cho các em nhỏ và bà con vùng cao.
Vũ Trần
Kim Thành
Trung Hà
Trung Hà
Đông Hà
Hương Giang
Hoàng Hiệp
Đông Hà
PV
Thu Huyền
Đông Hà
Vũ Trần
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Hương Giang
Kim Thành
Hương Giang