Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 30/07/2021 - 06:38
(Thanh tra)- Năm 2019, sau chuyến “Thăm lại chiến trường xưa nước bạn Lào”, ông Đường Công Ngụ như người trở chứng. Nhiều đêm, ông lững thững ra vườn đồi phía sau nhà, cạnh mép hồ Khe Lang. Dưới ánh trăng bàng bạc, dãy rừng trồng phía Tây đổ bóng xuống mặt hồ tăng thêm vẻ thâm u. Khung cảnh gợi nhớ đến nôn nao trong ông những cánh rừng cây săng lẻ xứ hoa chăm pa, nơi 6 năm ông gắn bó.
Ông Đường Công Ngụ giới thiệu giống bưởi quả to, ruột đỏ thơm ngon. Ảnh: Thế Lữ
Trở về với thương tật ¾, ông có một gia đình yên ấm… nhưng đồng đội ông, vẫn có người chưa tìm được hài cốt. Mỗi lần như vậy, khóe mắt ông cay cay… đó là câu chuyện khởi nguồn thôi thúc ông làm kinh tế trang trại, khi tuổi đời đã 65.
Muộn rồi, bố ơi!
Trước năm 2000, hưởng ứng phong trào giãn dân, khai hoang của xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, gần trăm hộ dân của xã đã chuyển vào vùng đất đồi quanh hồ Khe Lang để lập nơi ở mới. Hầu hết mỗi nhà đều khai phá từ vài héc-ta đất trở lên để canh tác và làm nhà ở. Nhờ đất rộng, các hộ đã trồng keo, bạch đàn, cây ăn quả, chăn nuôi... Sau vài năm, họ đã thoát nghèo, nhiều nhà kinh tế khá, có nhà vươn lên làm giàu, trong đó có gia đình ông Ngụ.
Nhờ chăm chỉ, học hỏi kinh nghiệm làm vườn, ông Ngụ có một khu vườn trù phú, nguồn thu đã nuôi 4 người con ăn học thành đạt, dựng vợ gả chồng “môn đăng, hộ đối”, trong đó có 4 người (cả con đẻ và con rể) là cán bộ công an. Những tưởng, với gia cảnh đề huề, vợ chồng ông đã đủ điều kiện để nghỉ ngơi, vui thú điền viên tuổi già.
Nhưng, đời ông đã có một bước ngoặt lớn. Năm 2019, ông Ngụ tham gia đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, chuyến đi đã thay đổi lớn trong đời ông. Được trở lại vùng đất Thượng Lào, nhìn lại những phum, sóc (bản, làng) thân quen một thuở, được thắp nén hương nơi các đồng đội mình hy sinh… ông càng cảm thấy trân quý cuộc sống hiện tại và nghĩ mình phải làm gì để xứng đáng với đồng đội. Điều đó đã thôi thúc ông lập trang trại gia đình.
Khi đưa ý tưởng làm trang trại để cùng gia đình bàn bạc, vợ và các con ông phản đối. Cậu trai cả hạ một câu như dội gáo nước lạnh:“Muộn rồi, bố ơi!”. Tiếp theo là vợ và các con ông đều bảo vệ ý kiến cậu cả!
Lý do họ phản đối: Bố mẹ đã quá vất vả, tuổi đã cao. Bố là thương binh, nắng gió trở trời vết thương lại đau. Hơn nữa, kinh tế ổn, các con đã trưởng thành, bố mẹ cần nghỉ ngơi.
Tiếp nữa, làm trang trại vất vả là đương nhiên, nhưng giải quyết các vấn đề sau không đơn giản: “Đầu tư - Từ đâu ?”, vấn đề “Đầu tiên - Tiền đâu ?”, trong khi gia đình chưa dư giả gì. Sản phẩm làm ra bán cho ai, khi nguồn cung tại địa phương rất dồi dào? Kinh nghiệm của gia đình có được trong thời gian qua chưa phải là nhiều. Lợi nhuận về cơ bản dừng ở mức “lấy công làm lãi”…
Bị cả gia đình vây “đánh hội đồng”, ông Ngụ bức xúc xòe hai bàn tay: “Tiền đây! Sức đây! Kinh nghiệm đây!”.
Muộn còn hơn không làm!
Biết không thể lay chuyển được ý chí của ông, ngay đêm đó, vợ và các con đã “bí mật” bàn bạc rồi thông báo cho ông biết… sự đồng thuận cao của cả gia đình.
Cậu cả bố trí đưa ông thăm một số trang trại quy mô “nhỏ và vừa” ở miền Trung để tham khảo. Ngày làm việc ngoài thị xã Hồng Lĩnh, đêm cậu cả tranh thủ về bên ông trao đổi, đóng vai trò trợ lý… Thế là toàn bộ tiền bạc của vợ chồng ông và các con, dâu, rể tích góp bấy lâu được huy động hết. Ông và gia đình đã chọn mô hình “hợp tác xã” để đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh. Thương hiệu được đăng ký là: Hợp tác xã Đường Gia Trang. Ông Ngụ giải thích ý nghĩa thương hiệu: Trang trại gia đình họ Đường. Thương hiệu đó gửi gắm niềm tin về sự phát triển ổn định, bền vững của gia đình họ Đường tại xã Thường Nga.
Để mua thêm đất mở rộng quy mô lên 7ha, gia đình ông đã phải xót xa bán khu vườn và ngôi nhà thân thuộc ở ngoài quê, nơi thờ tự, tổ ấm của gia đình, bao nhiêu kỷ niệm các con ông đã từng gắn bó từ thuở lọt lòng... Ông Ngụ xác định: Để có sức cạnh tranh, được khách hàng tin dùng, sản phẩm của Hợp tác xã Đường Gia Trang phải được sản xuất theo một tiêu chí sạch. Nếu không bám tiêu chí đó thì chắc chắn thất bại!
Sau 3 năm xây dựng, đến nay, trang trại thường xuyên có số lượng gia súc, gia cầm gối vụ: 4.000 con gà thịt, 200 gà đẻ trứng, 2.000 vịt và ngan, 200 chim bồ câu, 18 con trâu. bò, 3 chục con lợn… Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên số lượng gia súc, gia cầm đã giảm gần 20% so với trước đây. Con giống được tuyển chọn từ nguồn tốt ở nhiều nơi khắp cả nước, nên thịt và trứng thơm ngon. Về cây ăn quả: 12.000 gốc thanh long, 600 gốc ổi. Riêng giống bưởi Phúc Trạch và cam Thượng Lộc. mỗi năm thu vài tấn quả. Nhờ vị trí đắc địa, trang trại liền kề hồ Khe Lang, nên nguồn nước luôn đáp ứng, vì vậy, giữa mùa gió Lào khô nóng, cây cối trong Đường Gia Trang vẫn luôn xanh mát. Khai thác lợi thế ven hồ, ông Ngụ đã thực hiện đào 6.000m2 ao thả cá thịt và nhân giống cá bột để cung cấp cho tỉnh nhà theo dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để vận hành ngần ấy công việc, ngoài người nhà, hợp tác xã của ông còn ký hợp đồng làm việc với 6 lao động thường xuyên, vào mùa vụ thì số lao động được huy động thêm.
Với khối lượng chất thải lớn hàng ngày từ chăn nuôi, nhưng nhờ hệ thống bể bioga và các bể thu gom phân chuồng đạt chuẩn, đã đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng, đặc biệt trang trại sử dụng dưới mức cho phép các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, các loại quả cũng như gia súc, gia cầm của trang trại được người dân trong vùng đến tận nơi thu mua khối lượng lớn để phục vụ các đám hỷ, đám hiếu, hoặc chuyển ra Hà Nội, gửi vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… làm quà cho người thân. Để thuận lợi cho khách hàng gửi thực phẩm, hoa quả cho người thân ở tỉnh xa và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở nơi đông dân cư, Hợp tác xã Đường Gia Trang đã mở cửa hàng bán sản phẩm tại thị xã Hồng Lĩnh, cách trang trại hơn 12km.
Cam kết về chất lượng sản phẩm của hợp tác xã, ông Đường Công Ngụ cho biết: “Vì quy mô của chúng tôi vẫn nằm trong giới hạn gia đình, chưa vươn tới quy mô thật sự hoành tráng, do vậy, chúng tôi chưa làm hồ sơ đăng ký sản xuất theo tiêu chí Viet GAP, nhưng sản phẩm đang hướng tới tiếp cận tiêu chí, đó là nguồn thực phẩm tin cậy, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng’’.
Khi được hỏi về những khó khăn mà hợp tác xã đang đối mặt, bà Trần Thị Thúy (vợ ông Ngụ) cho biết: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, trang trại của chúng tôi không nằm ngoài tác động tiêu cực đó. Mức tiêu thụ sản phẩm chậm hơn so với năm trước, trong khi thức ăn gia súc lại tăng giá… Nhưng chúng tôi tin sẽ vượt qua”.
Nói về mô hình hợp tác xã trang trại gia đình của ông Đường Công Ngụ, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh cho biết “Liên minh Hợp tác xã đã khảo sát, đánh giá tiềm lực và sẽ có sự hỗ trợ về vốn vay, tư vấn tổ chức hoạt động để hợp tác xã phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế”.
Thế Lữ
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương