Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Chủ nhật, 11/08/2024 - 07:00
(Thanh tra) - Trên mỗi đường làng, ngõ xóm, nước đã rút, người dân ở "rốn lũ" Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội, đã trở về nhà sau những ngày sơ tán, họ chung tay, hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả sau ngập lụt...
Người dân "rốn lũ" Nam Phương Tiến chung tay khắc phục hậu quả sau ngập lụt. Ảnh: HH
Trở về nhà sau lũ
Sau hơn nửa tháng chìm trong “biển nước”, các thôn, xóm thuộc vùng “rốn lũ” của xã Nam Phương Tiến đã hết ngập. 100% hộ dân của xóm Đồng Rạch - nơi ngập sâu nhất của thôn Nhân Lý đã trở về nhà.
"Bùn vẫn còn ngập ngoài cổng" - ông Đỗ Văn Thắng, xóm Đồng Rạch vừa hì hụi lùa những đợt bùn trong cổng ra ngoài đường vừa nói.
Ông chia sẻ: "Gà, vịt 200 con, chết gần hết, gia đình đã cố gắng đưa lên cao, nhưng nước ngập sâu nửa tháng nay, làm sao chống chọi nổi. Giường tủ, bàn nghế hư hỏng cả. May tivi kê lên cao nên vẫn còn xem được”.
“Đêm 23, rạng sáng 24/7, nước trên sông Bùi tràn qua đê, nhà tôi và các hộ lân cận bị ngập sâu. Nước dâng quá đầu người, chừng 1,8 mét. Chúng tôi chỉ biết cố gắng di dời đồ đạc lên các vị trí cao hơn, trước khi đi sơ tán để bảo đảm an toàn”, ông Thắng nhớ lại.
Ba, bốn hôm nay, khi nước rút, gia đình ông Thắng đã trở về nhà để dọn dẹp nhà cửa. Ngày về, xung quanh rất nhiều rác. Phía dưới nền sân, nhà, bùn đọng lại thành lớp sóng sánh. Nước cạn tới đâu, gia đình ông lại cặm cụi đẩy rác, bùn ra ngoài tới đó. Đến nay, nước đã rút, nhưng bùn vẫn còn ngoài cổng.
Mấy hôm nay trời nắng, nhưng do trong nhà nước ngập sâu, bùn đất lâu ngày, nên vẫn còn mùi hôi tanh. Khổ nhất là nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, xã, thôn đã cung cấp thuốc khử khuẩn, nhưng ông Thắng mới chỉ tắm giặt tạm, không dám ăn uống.
Xóm có 32 hộ gia đình thì cả 100% hộ đều ngập sâu, hiện còn gần 10 hộ vẫn phải sống chung với bùn đất. Ông Thắng nói: “Các gia đình đang tập trung dọn dẹp, để dần ổn định cuộc sống”.
Điều ông lo lắng nhất lúc này là nguy cơ phát sinh dịch bệnh sau ngập lụt bởi súc vật chết, nước hôi tanh, nhà ông lại ở giữa cánh đồng, bị gió thổi thẳng mùi hôi thối vào nhà.
"Lội nước nhiều ngày nay, chân, tay tôi bị ghẻ nước, lúc nào cũng ngứa, gãi, tối nào cũng phải bôi thuốc. May là được đoàn của thôn về phát thuốc bôi nên không phải đến trạm xá", ông Thắng bày tỏ.
Ngày 8/8, lực lượng quân đội, công an đã về hỗ trợ rắc muối bột và phun thuốc sát khuẩn quanh đường làng. Ngày 9/8, cả thôn huy động người dân ra dọn dẹp ở ao làng. Đến 10/8, nước đã rút hết, ao làng cũng đã được dọn sạch.
Do là khu vực trũng nhất của xã Nam Phương Tiến, nên thôn Nhân Lý chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt ngập kéo dài. Anh Phạm Văn Hoàn, thôn Nhân Lý chia sẻ, thôn vẫn còn rơi rớt của ngập lụt và bị ảnh hưởng bởi rác thải.
“Gia đình tôi đi sơ tán đã trở về nhà được mấy hôm để dọn dẹp nhà cửa. May mắn là nhà cao, đồ đạc kê lên kịp thời nên không bị thiệt hại nhiều, nhưng 7 - 8 sào ao cá thì mất trắng”, anh Hoàn chia sẻ.
Anh cho biết, do ở vùng trũng của xã Nam Phương Tiến nên người dân trong thôn đã quen với việc "sống chung với ngập lụt". Khi nước đã rút hết, người dân trở về nhà, bảo ban nhau dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm.
Hiện bị ảnh hưởng nhiều nhất là nguồn nước do ở trong thôn bà con vẫn dùng giếng khơi, nước ngập tràn qua miệng giếng nên giờ bắt buộc phải tát cạn, vệ sinh sạch sẽ mới dùng được…
Phòng chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất
Trời đã nắng ấm, nước cũng đã rút hết, điều mà người dân lo lắng lúc này là công tác phòng, chống dịch bệnh ra sao và khôi phục sản xuất thế nào để đảm bảo cuộc sống?
Chia sẻ lo lắng của người dân, ông Dương Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết: Ngay sau khi nước rút, để xử lý vệ sinh môi trường, đơn vị đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt phục vụ công tác xử lý nguồn nước, môi trường và sẽ tiếp tục cung cấp bổ sung cho các đơn vị khi có nhu cầu.
Việc khám, chữa bệnh được đảm bảo 24/24h. Trung tâm cũng đã chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ như viêm kết mạc, tiêu chảy cấp, các bệnh ngoài da… để cấp miễn phí cho người dân trong vùng ngập úng.
Ông Hùng cho biết thêm, các ca bệnh viêm kết mạc, tiêu chảy, bệnh ngoài da… chỉ xuất hiện rải rác tại các xã. Người dân đã được khám và cấp thuốc điều trị kịp thời, các ca bệnh không tập trung một chỗ, nên hiện tại chưa có dấu hiệu gây bùng phát thành dịch.
Công tác thu gom rác thải và xử lý môi trường, được các xã đặc biệt quan tâm. Nước rút đến đâu thu gom, xử lý môi trường đến đó.
Tại xã Nam Phương Tiến - “rốn lũ” của huyện Chương Mỹ, ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các lực lượng chức năng sử dụng các phương tiện chuyên dụng dọn vệ sinh, thu gom rác thải, xử lý môi trường, phun khử khuẩn tại các hộ gia đình, đường làng ngõ xóm, các khu vực công cộng ở các thôn bị ngập sâu như Hạnh Côn, Hạnh Bồ, Nam Hài, Nhân Lý.
Thời gian tới, ông Hùng cho biết, sẽ tiếp tục đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân 24/24h. Đồng thời, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân sau mưa lũ, trọng tâm vào những dịch bệnh đường tiêu hóa, sởi, sốt xuất huyết, ngoài da, đau mắt đỏ… cũng như đảm bảo đủ thuốc, hoá chất Cloramin B để khử khuẩn xử lý ô nhiễm môi trường các nơi bị lụt, bão, úng.
Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết thêm, công tác đảm bảo y tế được địa phương đặc biệt quan tâm. Xã đã di chuyển trạm y tế về trụ sở bưu điện để tránh ngập lụt, bố trí mỗi thôn có 1 nhân viên y tế.
Đối chiếu danh sách lưu tại trạm y tế, những người dân có bệnh nền sẽ được nhân viên y tế mang thuốc tới tận nhà thay vì phải lội nước đi lấy. Cùng với đó, các loại thuốc thông thường cũng được nhân viên y tế cấp phát tới tay người dân để phòng, chống dịch bệnh. Nhờ chuẩn bị chu đáo, đến nay, chưa phát hiện dịch bệnh trên địa bàn xã.
Cùng với chăm lo sức khoẻ cho người dân, xã quan tâm triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất. Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã có 70ha lúa, 135ha thủy sản, hơn 100 nghìn con gia cầm bị ảnh hưởng...
Để khôi phục sản xuất sau ngập, ông Thắng cho biết, trước mắt, người dân chưa thể trồng trọt. Dự kiến, nếu tình hình thuận lợi, ngày 15/8 sẽ có khoảng 20ha diện tích nông nghiệp ở những nơi cao có thể sản xuất được.
Tuy nhiên, việc tái sản xuất còn phụ thuộc vào thời vụ. Vụ Đông chưa đến mà vụ mùa đã qua nên người dân chỉ có thể trồng các loại cây rau như dưa chuột, rau ăn lá và các loại rau ngắn ngày.
“Chúng tôi động viên người dân tái đàn gia súc, gia cầm. Xã đã đề xuất huyện hỗ trợ 90ha ngô, 90ha thủy sản, 30ha rau cho người dân sớm quay trở lại sản xuất ngay khi thời tiết ổn định”, ông Thắng nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương