Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh
Thứ hai, 18/10/2021 - 23:02
(Thanh tra) - Bản Bút, xã Nam Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có 106 hộ, 465 khẩu với hai dân tộc cùng chung sống là dân tộc Thái và dân tộc Kinh, trong đó dân tộc Thái chiếm 98% và có nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lưu truyền qua nhiều đời nay.
Nghề dệt thổ cẩm là tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: VT
Con gái Thái lên 8 lên 9 tuổi đã được truyền nghề dệt
Theo đồng bào Thái ở bản Bút, xã Nam Xuân, trong cuộc sống hằng ngày, từ khi là những cô bé 8 đến 9 tuổi, các bà, các mẹ đã dạy cho con học cách nhuộm vải, se tơ, thêu thùa, dệt thổ cẩm… Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái Thái.
Từ những bàn tay khéo léo ấy đã làm ra mọi vật dụng trong gia đình như váy, khăn của các thành viên, chăn, màn, gối, đệm… đều được may bằng vải thổ cẩm. Vì thế, đồng bào dân tộc Thái ở đây đã lưu truyền những câu thơ rất hay về nghề dệt thổ cẩm: “Em se sợi thành vóc hoa dâu/Em dệt cửi thành gấm vân chéo/Em dệt tơ thành đóa hoa vàng/Người các bản, các mường muốn khóc/Đều ước ao được em tặng thêu khăn”.
Nghề dệt thổ cẩm tại bản Bút, xã Nam Xuân đã có từ rất lâu đời. Trước đây khi kinh tế chưa phát triển, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng, một phần để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình. Người dân thường tranh thủ dệt làm khi nông nhàn, hoặc thắp đèn, đốt lửa để dệt ban đêm. Sau này, các sản phẩm từ dệt được trao đổi mua bán với người dân quanh vùng nhằm kiếm thêm thu nhập.
Để hình thành được sản phẩm, dệt thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn, như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt. Sản phẩm dệt chủ yếu là mặt gối, vỏ chăn, mặt địu, túi xách, quần áo... với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng một sản phẩm. Các họa tiết được người Thái đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, chủ yếu là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hằng ngày.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về mặt vật chất và tinh thần để bản Bút duy trì nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trong đó tập trung chủ yếu vào phát triển nghề dệt gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn, giải quyết nhu cầu lao động, tạo việc làm tại chỗ, từng bước nâng cao đời sống của người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ngày nay, đồng bào Thái bản Bút đã tiếp thu thêm các kiến thức có lợi cho việc phát triển nghề của mình bằng cách chắt lọc, áp dụng những tinh hoa của cuộc sống đời thường để đưa vào các sản phẩm thổ cẩm, gìn giữ được bản sắc văn hóa, đáp ứng được nhu cầu khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ngày nay, nếu ai lên vùng cao Quan Hóa vào các dịp lễ hội, sẽ được tận mắt chứng kiến, chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những cô gái Thái mặc các bộ trang phục váy thổ cẩm sặc sỡ sắc màu, hòa cùng các lời hát, điệu múa, toát lên vẽ đẹp duyên dáng, thuần khiết của người phụ nữ dân tộc Thái. Những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống luôn được coi như là tinh hoa, linh hồn của văn hóa đồng bào dân tộc Thái vì sản phẩm được làm từ đôi bàn tay, khối óc, sự lao động vất vả, sáng tạo, khéo léo của đồng bào Thái.
Sản phẩm thổ cẩm là tinh hoa và linh hồn người Thái
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về nghề dệt thổ cẩm ở bản Bút, xã Nam Xuân, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa Lương Thị Hồng Nhung cho biết: Để nghề dệt thổ cẩm ở bản Bút duy trì, phát triển, bay cao, vươn xa, giúp đồng bào Thái ổn định cuộc sống, chính quyền huyện đang làm các hồ sơ, thủ tục gửi các cơ quan chức năng thẩm định, công nhận làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Bút.
Hiện nay huyện định hướng cho đồng bào phát triển làng nghề truyền thống phải theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, trong đó chú trọng những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống đặc trưng của địa phương. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, bản Bút phải đạt từ 45 - 50% thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm; hằng năm giải quyết thêm từ 50 - 100 lao động có việc làm ổn định; thiết lập mạng lưới phân phối ở các khu vực trong huyện, trong tỉnh, thông qua các đại lý, các quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến việc đưa các sản phẩm từ thổ cẩm vào các trung tâm thương mại. Tăng cường tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm; đẩy mạnh thương mại điện tử, triển khai xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm từ dệt thổ cẩm.
“Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao trình độ tay nghề của người lao động kết hợp với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào một số công đoạn của quá trình sản xuất. Tổ chức các lớp đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, kèm cặp tại nơi sản xuất cho người lao động chưa có nghề. Thường xuyên mở các khóa bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề, khả năng sáng tạo và nhận thức của người lao động theo hình thức tập huấn ngắn ngày cho những lao động đã có tay nghề nhằm phát triển mạnh mẽ nghề dệt thổ cẩm”, Trưởng phòng Văn hóa Lương Thị Hồng Nhung nói.
Để làng nghề và nghề dệt thổ cẩm ở bản Bút tiếp tục phát triển, chính quyền địa phương đang tập trung cải tạo hệ thống đường giao thông đồng bộ, tạo sự liên hoàn thông suốt giữa các tuyến đường trong bản; nâng cấp, mở rộng và hiện đại hoá mạng lưới cung cấp điện bảo đảm an toàn, ổn định, chất lượng đến tận các hộ sản xuất và các doanh nghiệp tại làng nghề nhằm phục vụ sản xuất cho nghề dệt thổ cẩm phát triển ổn định.
Tăng cường đưa công nghệ thông tin về các tổ nghề, có chính sách đào tạo hướng dẫn khai thác và sử dụng dịch vụ hiệu quả, tiết kiệm trong từng khâu của nghề dệt thổ cẩm. Phát triển làng nghề, nghề dệt thổ cẩm gắn với thiết chế văn hoá cơ sở; nâng cấp, bảo tồn các di sản văn hóa lịch sử, xây dựng thiết chế văn hoá phù hợp với nghề truyền thống của địa phương. Xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm để giới thiệu về những truyền tích, giai thoại về các vị tổ sư, những người thợ cùng với kinh nghiệm kết tinh trí tuệ nét đẹp văn hóa của nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái.
Ngoài ra, huyện còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ du lịch tại chỗ theo hai hướng quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại các tổ nghề; huy động cộng đồng dân cư tại tổ nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch.
Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn ngắn và dài hạn nâng cao trình độ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn viên để đồng bào có thể mang đến cho du khách những giá trị văn hóa truyền thống và nguồn gốc hình thành phát triển của nghề, ý nghĩa của sản phẩm chứa đựng những giá trị lịch sử, nhân văn và nét đặc trưng của địa phương.
Đi đôi với việc phát triển nghề dệt thổ cẩm, huyện Quan Hóa cũng chú trọng đến công tác bảo tồn, trùng tu và phát triển các di tích văn hóa, lịch sử, các hoạt động lễ hội truyền thống, góp phần làm phong phú thêm nội dung của các tour du lịch cộng đồng. Liên kết xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch của tỉnh và các địa phương khác để xây dựng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin và có nguồn du khách đến tham quan ổn định.
Về lâu dài, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở bản Bút, các cấp, chính quyền cần tạo cơ chế riêng cho làng nghề tiếp cận các chính sách của Nhà nước về vốn, hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ sản xuất, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ làng nghề phát triển một số sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa chương trình quảng bá sản phẩm cụ thể, hỗ trợ kinh phí cho tổ nghề, các loại hình sản xuất trong tổ nghề đăng ký tham gia hội trợ triển lãm, tổ chức các tuyến du lịch.
Để thực hiện được điều này, ngoài sự phấn đấu vươn lên của mỗi đồng bào dân tộc Thái bản Bút, xã Nam Xuân thì rất cần có sự chung tay góp sức, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để có những chính sách phù hợp, nhằm đưa sản phẩm thổ cẩm bay cao, vươn ra khắp các thị trường trong nước và quốc tế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương