Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao kỹ năng nghề - cần giải pháp mang tính hệ thống

Thứ sáu, 02/12/2011 - 16:41

(Thanh tra) - Kỹ năng nghề; năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước phát triển; nhiều ngành nghề các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh nhưng các trường, cơ sở dạy nghề chưa đào tạo; Kinh nghiệm đào tạo nghề từ Nhật Bản… đó là những vấn đề được đề cập đến tại Hội thảo Cơ chế và Xu hướng mới trong đào tạo nghề tại Việt Nam, diễn ra ngày 2/12 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo

Chú trọng đào tạo kỹ năng công nghệ tại chỗ - Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Nói về xu hướng mới trong công tác dạy nghề tại Nhật Bản, ông Nobuo Matsubara, Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) cho biết, đối mặt với sự sụt giảm dân số, Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực lần thứ 8. Mục tiêu của kế hoạch là hướng đến việc thay đổi cấu trúc đang tồn tại đằng sau những vấn đề liên quan đến sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp của cá nhân và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Những định hướng chính cho việc thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực là hỗ trợ việc học tập suốt đời cho cá nhân; cung cấp cơ hội nâng cao kỹ năng cho tất cả mọi người; thực hiện giáo dục và đào tạo nghề theo nhu cầu; củng cố năng lực tại nơi sản xuất và nâng cao hợp tác công - tư.

Người sử dụng lao động có thể được trợ cấp phát triển nghề nghiệp bằng 1/4 chi phí cần thiết cho đào tạo và tiền lương được trả trong thời gian đào tạo (1/3 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Về hệ thống đánh giá kỹ năng nghề nghiệp, ngoài hệ thống thi kỹ năng nghề nghiệp quốc gia còn có hệ thống thi kỹ năng nghề nghiệp tại chỗ được công nhận. Đó là hệ thống đánh giá kỹ năng làm việc chuyên biệt cho từng công ty. Những bài thi kỹ năng này được Chính phủ công nhận.

Việc xúc tiến chế độ phát triển nguồn nhân lực trên thực tế gắn liền với đào tạo tại cơ quan. Công ty mong muốn bồi dưỡng các lao động trẻ sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi phê duyệt kế hoạch thực hiện đào tạo. Sau quá trình phỏng vấn và tuyển dụng sẽ thực hiện đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt, đào tạo tại chỗ, đào tạo trong cơ quan với thời gian từ 6 tháng đến 2 năm, có đánh giá kỹ năng để bảo đảm đội ngũ lao động lành nghề nòng cốt tại nơi làm việc. Chú trọng đào tạo kỹ năng công nghệ tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho những người lao động lành nghề có thể làm việc với công nghệ và kỹ năng đổi mới, bồi dưỡng thợ cơ khí có thể phát huy tối đa công suất của các thiết bị…

Để phát triển nguồn nhân lực, cần hướng tới cam kết tích cực và có hệ thống của các đối tác xã hội trong việc xây dựng hệ thống phát triển kỹ năng.

Đào tạo nghề thị trường cần

Theo định hướng phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55% (ở nông thôn là 35%). Khoảng 6 triệu người được đánh giá để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nhận định thực trạng hoạt động dạy nghề hiện nay tại Việt Nam, ông Đặng Xuân Thức, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chất lượng đào tạo nghề còn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm… Kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nhận xét, lao động đã được học nghề vẫn mang nặng tính lý thuyết, thực hành ít, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Tác phong lao động luộm thuộm, chưa chuyên nghiệp, chưa tâm huyết, tính kỷ luật không cao, sẵn sàng nghỉ việc khi chưa đáp ứng được nhu cầu cá nhân.

Bà Thùy cũng cho biết, hiện nay nhiều nghề các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh nhưng các trường, cơ sở dạy nghề chưa đào tạo như:Sản xuất gốm sứ, dệt len, lụa, thêu tay, chế biến các loại thực phẩm (rượu, đồ hộp, đồ nguội…), da giầy, bao bì, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, các trường, trung tâm và cơ sở dạy nghề phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đào tạo các nghề phù hợp, chất lượng đồng thời phải phối hợp tạo điều kiện cho học viên về thực tập tại các doanh nghiệp (thời gian đào tạo lý thuyết 20%, thực hành 80%). Đào tạo nghề cần gắn với kỹ năng sống, quyền và nghĩa vụ, ý thức, tác phong, tính kỷ luật trong lao động cho học viên.

Các doanh nghiệp tham dự hội thảo đề nghị Tổng cục Dạy nghề hỗ trợ nguồn kinh phí trực tiếp để tuyển dụng lao động, đào tạo tại doanh nghiệp. Đổi lại, các doanh nghiệp cam kết sẽ tiếp nhận 100% lao động sau khi được đào tạo làm việc với mức thu nhập ổn định.


ĐD

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm