Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thanh Thanh

Thứ sáu, 23/04/2021 - 06:36

(Thanh tra) - Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.

Cảnh giác với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: Thanh Lương

Các cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được xây dựng khá đồng bộ, hầu hết các ngành đều số hóa cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thủ tục hành chính.

Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng ngày càng gia tăng

 Bên cạnh những thành tựu, sự phát triển của Internet và không gian mạng cũng tạo điều kiện lý tưởng cho tội phạm sử dụng công nghệ cao phát triển với nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm, nổi lên là các loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng ngày càng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân.

Người bị hại đa phần thiếu ý thức cảnh giác, không có kiến thức về bảo mật thông tin. Trong khi đó, các đối tượng phạm tội hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội.

Thủ đoạn phạm tội bằng cách chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại để chiếm đoạt tài sản.

Thông qua hoạt động thương mại điện tử như bán hàng online, kết bạn qua mạng xã hội, xây dựng tình cảm và hứa hẹn gửi quà có giá trị, sau đó yêu cầu chuyển tiền nộp thuế hoặc thông quan, nhằm chiếm đoạt tiền. Gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber... thông báo trúng thưởng lớn, đề nghị nạp tiền lệ phí nhận thưởng.

Thông qua hình thức kinh doanh đa cấp, qua các sàn giao dịch “ảo” như sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản để lôi kéo khách hàng giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư.

Tấn công, chiếm quyền điều khiển email của doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với nước ngoài để thay đổi số tài khoản thụ hưởng; giả mạo thư điện tử có đính kèm tệp tin hoặc liên kết gắn mã độc lấy cắp thông tin tài khoản và rút tiền; giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng...

Đặc biệt, thời gian qua, thủ đoạn lừa đảo sử dụng dịch vụ VoIP mạo danh công an, viện kiểm sát, thanh tra... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, với nhiều phương thức tinh vi khiến hàng nghìn người bị lừa, gây thiệt hại lớn.

Loại tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng tiếp tục được phát hiện thông qua một số hình thức như trò chơi trực tuyến, giải đấu thể thao điện tử, lượng người tham gia trò chơi trực tuyến có tính chất cờ bạc gia tăng. Hoạt động quảng cáo cờ bạc chủ yếu thông qua mạng xã hội và sử dụng dịch vụ iMessage của Apple để gửi tin nhắn đồng loạt cho người dùng.

Hoạt động “tín dụng đen” qua mạng cũng diễn biến phức tạp, nổi lên là hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending), lãi suất lên tới 90-100%/tháng. Các đối tượng lợi dụng danh nghĩa cho vay ngang hàng để tổ chức cho vay trên không gian mạng. Hoạt động cho vay này tiềm ẩn rủi ro về an ninh mạng, có nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân của người dùng. Đặc biệt, các đối tượng hoạt động phạm tội núp bóng P2P Lending để hoạt động đánh bạc qua mạng, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc huy động tài chính đa cấp.

So với các loại tội phạm trên thì tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục hoạt động mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, các đối tượng tạo các ứng dụng thanh toán di động như Viettelpay, kêu gọi người dân tham gia giúp đỡ, ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để lấy cắp thông tin cá nhân, sau đó sử dụng các thông tin chiếm đoạt được để chuyển khoản, rút tiền, đăng ký vay online... nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tình trạng sàn thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo trong hoạt động mua bán, giao nhận hàng hóa… cũng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Các đường dây mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ma túy, chất gây nghiện, giấy tờ, bằng cấp giả vẫn diễn ra công khai, chủ yếu thông qua mạng xã hội. Các đối tượng triệt để lợi dụng đặc tính ẩn danh trên các trang mạng xã hội để quảng cáo, giao dịch mua bán, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Tình trạng truyền bá, phát tán ấn phẩm đồi trụy trên không gian mạng xuất hiện thủ đoạn mới là lập hội, nhóm kín trên Zalo, Facebook, Twitter... để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy dưới nhiều hình thức với hàng nghìn thành viên tham gia.

Hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng diễn biến phức tạp với nhiều loại hình khác nhau. Các đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận quần chúng nhân dân để huy động tiền đầu tư vào các dự án được chúng thổi phồng giá trị. Gắn mác sử dụng công nghệ 4.0, giới thiệu sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn khi tham gia. Nhưng hầu hết hoạt động kinh doanh đa cấp trên không gian mạng đều không có hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu hoạt động theo mô hình lấy tiền của nhà đầu tư sau để trả cho người tham gia trước. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng chi trả; đồng thời, đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được hoặc mở ra các công ty mới hoạt động với mô hình tương tự nhằm che giấu hoạt động, trốn tránh các cơ quan chức năng.

Về hoạt động bất hợp pháp của các sàn vàng, ngoại hối, chứng khoán quốc tế và sàn giao dịch tiền ảo, phát triển mạnh với gần 1 triệu người Việt Nam tham gia, số vốn huy động lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng, trong đó sàn Remitano là sàn tiền ảo hỗ trợ thanh khoản lớn nhất tại Việt Nam, khối lượng giao dịch hàng ngày khoảng 70 đến 100 tỷ đồng, cao điểm có thể lên tới 300 đến 400 tỷ đồng/ngày. Các đối tượng thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm, đưa ra lợi nhuận lên tới hàng trăm % để thu hút nhà đầu tư; sau đó tác động vào hệ thống làm thay đổi tỉ lệ chênh lệch giữa lệnh mua và bán nhằm chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Trong khi đó, các sàn tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối hầu hết của nước ngoài, không đăng ký pháp nhân, không có người đại diện pháp luật hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam và không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động nên khi xảy ra lừa đảo, cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để bảo vệ cho người bị hại.

Ngăn chặn các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao

Trong thời gian tới, với chủ trương thực hiện chuyển dịch số, xây dựng nền kinh tế số, các hoạt động kinh tế trên không gian mạng ở nước ta sẽ ngày càng phát triển và đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân.

Theo đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao được dự báo là cũng sẽ gia tăng, sẽ sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, các công nghệ hiện đại hơn để phạm tội.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện đã đề xuất một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho người dân trước các hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao thông qua các phương tiện thông tin tuyên truyền.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực thông tin và truyền thông, ngân hàng, thanh toán trực tuyến, giao dịch tiền ảo, tiền điện tử và ngoại hối; kịp thời khắc phục những sơ hở mà tội phạm có thể lợi dụng cũng như các bất cập trong phân công, phân cấp, gây khó khăn cho công tác phối hợp cũng như triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng, an ninh thông tin, truyền thông, ngân hàng, thương mại điện tử. Tiếp tục xử lý triệt để “rác” viễn thông; siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước, hoạt động thanh toán trực tuyến.

Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức tốt công tác phòng ngừa; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh mạng, Bộ Công an, điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao theo đúng quy định của pháp luật.

Đến cuối năm 2020, Việt Nam có 68,17 triệu người sử dụng Internet, chiếm 70% dân số; 65 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó: 96% người sử dụng Youtube và 95% người có tài khoản Facebook; 25% người dân tham gia mua hàng trực tuyến; trung bình người Việt dành 3 giờ 15 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(Thanh tra) - Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhờ tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nam Dũng

21:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm