Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mùa khát

Thứ tư, 17/06/2015 - 06:30

(Thanh tra) - Giữa trưa, trong cái nắng như thiêu như đốt, trên con đường xuống suối, dân bản vùng tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) vẫn âm thầm cõng nước để dùng cho sinh hoạt. Mỗi người phụ nữ, trên lưng thường gùi 1 đến 2 can nhựa (loại 20 lít), tay còn xách thêm 1 can (loại 10 lít). Vượt qua mấy cái dốc, ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, dây gùi kéo oằn cả vai và trán.

Phụ nữ bản Xiềng Lằm cõng nước suối giữa trưa. Ảnh: Hải Thư

Đó là thực trạng mùa khát hơn 1 tháng nay của bà con nơi đây, nhất là ở các bản Kim Hồng, Xiềng Lằm…

Theo ông Quang Văn Phăn - Trưởng bản Kim Hồng, bản có 105 hộ, nhưng chỉ có 24 hộ có giếng (13 giếng khoan, 11 giếng khơi) tính bình quân chưa đầy 1/4 số hộ trong bản có giếng, đồng nghĩa với phần lớn các hộ dân quanh năm phải đi xin nước sạch về dùng.

Qua tìm hiểu được biết, hệ thống nước tự chảy phục vụ cho các bản tái định cư chỉ hoạt động được trong một thời gian ngắn, sau đó do đường ống dưới suối bị lũ cuốn trôi nên bể chứa đầu nguồn, các bể và nhà tắm công cộng xây dựng khắp các bản đã trở thành hoang phế. Người dân phải tự tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt bằng cách đào, khoan giếng hoặc lấy nước dưới khe.

Những năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí cho dân các bản làm giếng; mỗi giếng khoan là 4 triệu đồng, riêng giếng đào, mỗi mét chiều sâu là 300 nghìn đồng, tuy vậy số lượng giếng ở Kim Hồng vẫn còn khiêm tốn. Dân bản đã khoan giếng trong vườn, nhưng không phải vị trí nào cũng có nước, có nơi sâu 40m, vẫn chưa thấy nước. Do vậy, không làm giếng được, nhiều nhà quanh năm phải đi xin nước, trừ những lúc mưa to.

Giếng ít nên nhiều hộ phải dùng chung, có giếng hơn 10 hộ cùng nhau lấy nước. Thời tiết khắc nghiệt, hầu hết các giếng đã cạn, cuộc sống của bà con trở nên vất vả hơn, nhiều gia đình phải đi hàng cây số mới xin được nước về ăn. Già bản Chướng Xuân Tình (73 tuổi) cho biết: “Vùng tôi ở có 8 nhà, giếng không có nước. Hàng ngày phải đi xa gần 2 km, qua mấy cái dốc, để xin nước. Nay 7 nhà đã về lại quê cũ (Tương Dương), tôi và vợ thì khoá nhà trên đó, xuống dưới chân núi này ở với con”. Các hộ Kha Văn Tuốn, Kha Văn Phùng… đều là những hộ thiếu nước trầm trọng; ông Tuốn cũng rời nhà cũ trên cao, để xuống ở dưới thấp; hộ ông Phùng thì vẫn kiên trì đi xin nước 6 năm nay.

Bà Vang Thị Thuyên (vợ ông Phùng) chia sẻ, nhà tôi xuống đây từ năm 2009, khoan giếng nhiều lần nhưng không được, mấy năm qua, lúc thì hứng nước mưa, lúc thì xin trong bản. Mới đây, đào được cái giếng dưới suối, thì đội làm cầu Kim Hồng đã lấp mất rồi.

Bể nước và nhà tắm cộng cộng ở xã Ngọc Lâm, từ lâu đã thành hoang phế. Ảnh: Hải Thư

Giếng cạn, khe, suối cũng lởm chởm đá, điều đáng buồn hơn là nước suối trong vùng đã bị ô nhiễm nặng bởi rác thải, nước thải sinh hoạt và chăn nuôi, nhất là các trang trại chăn nuôi đầu nguồn. Bà con ở đây cho biết, nhìn nước trong veo, nhưng tắm cũng sợ chứ chưa nói đến ăn. Hóa ra, nguồn nước giếng cùng với số lượng giếng ít ỏi hiện nay mới là nguồn nước sạch của bà con.

Ở bản Xiềng Lằm, nước sinh hoạt cũng rất khó khăn, đặc biệt là ở khu tái định cư 12a (quần cư trên dốc cao), tại đây có 22 hộ dân, đang thiếu nước trầm trọng. Những ngày nắng nóng vừa qua, các giếng trong vùng đã cạn, giếng khoan còn nhiều nước nhất, bơm cả buổi cũng chỉ được 3 can nhựa (loại 20 lít). Các hộ dân đã tích cực nạo vét giếng cũ, nhưng kết quả không được là bao. Vì vậy, bà con phải đi suối cõng nước về dùng, dẫu biết rằng “nước suối không sạch lắm”. Đến nhà ông Lương Chính Nghĩa (57 tuổi), thấy thùng nhựa, can to, can nhỏ để la liệt khắp gian bếp, có cả can đang ở trong gùi, mới hiểu chuyện “khát” đang cấp bách như thế nào đối với người dân nơi đây. Ông Nghĩa giải thích thêm: “Giếng nhà tôi cũng khô rồi, phải chuẩn bị can nhiều để đi suối lấy nước hàng ngày. Mùa hè năm nào cũng thiếu nước cả”.

Chị Lương Thị Tím (38 tuổi) đang nghỉ lấy sức vì cõng nước vượt qua mấy con dốc cho hay: “Nhà tôi cũng có giếng nhưng mùa hè đều cạn cả, phải chờ nước mưa và nước suối. Trời không mưa thì phải đi suối lấy nước về ăn, nấu rượu, tắm cho lợn…”.

Già bản Kim Hồng, cụ Chướng Xuân Tình rất chí lý khi cho rằng: “Mấy lâu, Nhà nước hỗ trợ dân bản đào và khoan giếng, nhưng giếng có nước rồi, cấp trên mới đến nghiệm thu và cấp tiền. Điều này chỉ thuận lợi cho những nhà mà vườn của họ có thể khoan và đào giếng được, còn những nhà khoan thử không có nước, không làm được giếng, chẳng nhẽ họ cứ phải đi xin nước cả đời. Vì vậy, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các gia đình này, để họ hợp tác với nhà có giếng, mua máy hút, đường ống, hoặc xây bể dự trữ nước mưa…”.

Mới đầu mùa hè mà chuyện nước sạch của dân bản vùng tái định cư đã “nóng” lên trông thấy. Thời gian tới, khi nắng hạn vẫn tiếp tục kéo dài, thì người dân nơi đây sẽ còn phải đối mặt với bao khó khăn, chật vật hơn.

Hải Thư

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm