Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 10/10/2013 - 07:31
(Thanh tra)- Được thiên nhiên ban tặng nhiều mỏ vàng sa khoáng, Kon Tum trở thành "thiên đường" của những người muốn hiện thực hóa giấc mơ đổi đời. Vì giấc mơ vàng, không biết bao người đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn vùi thân vào nơi suối sâu, rừng thẳm. Thế nhưng, đổi đời đâu chưa thấy, nhiều “phu vàng” đã gánh chịu những hệ lụy đắng cay.
Khai thác vàng sa khoáng tràn lan khiến sông, suối ở huyện biên giới Đắk Glei lở lói, biến dạng. Ảnh: Trung Đức
"Vàng mắt" vì vàng
Huyện biên giới Đắk Glei là địa bàn nóng bỏng nhất của tỉnh Kon Tum về nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép. Bãi vàng nằm ở phía thượng nguồn trên dòng Pô Kô, nơi diễn ra hoạt động khai thác trái phép từ nhiều năm qua.
Tại xã Đắk Nhoong, hệ lụy của "cơn lốc vàng" là con suối bị biến dạng, nham nhở đất đá, từng vạt nương, thửa ruộng bị khoét sâu hoắm, trông rất hoang tàn. Không xa nơi đó là bản làng của hàng trăm hộ dân người dân tộc thiểu số... những người từng bỏ bê nhà cửa, ruộng nương chạy theo "giấc mơ vàng".
Một số người dân ở đây cho biết, các bưởng vàng (cai thầu) thuê ruộng của dân rồi huy động máy móc khai thác triệt để. Trên thực tế, không ít người dân vì túng quẫn cũng đã tính chuyện đào vàng. Họ "hoa mắt" vì vàng, đào bới tìm kiếm cầu mong đổi đời, nhưng vàng chẳng thấy đâu lại phải tốn công sức để san lấp mặt bằng, phục hồi lại ruộng vườn để cày cấy, bệnh tật đeo bám. Làng quê vốn đã nghèo nay lại càng tiêu điều hơn.
Được sự tận tình giúp đỡ của A Luynh, chúng tôi tìm đến nhà anh A Nhin, ở xã Đắk Nhoong, người đàn ông Giẻ Triêng từng một thời tham gia vào đội quân đào đãi vàng. Trong ngôi nhà cũ kỹ, ẩm thấp không có một vật dụng gì đáng giá, A Nhin tiếp đón chúng tôi với gương mặt nhàu nhĩ: Nhà báo muốn tìm hiểu về nghề đào đãi vàng ư? Nhìn tôi đây này, vàng làm tôi trở thành thế đấy!
Nhìn A Nhin, chúng tôi không thể nào tin nổi năm nay anh chưa đầy 30 tuổi. Trông anh già cỗi, xác xơ như người ngoài 50, với thân thể gầy còm, nước da vàng vọt. Đó là hệ lụy của căn bệnh sốt rét rừng mà A Nhin mắc phải trong những ngày làm “phu vàng”.
Trước đây, cả gia đình 5 người của A Nhin sống dựa vào cây sắn, cây lúa trên 3 sào đất được cha mẹ chia. Mặc dù quần quật làm lụng nhưng chưa bao giờ A Nhin dám mơ có ngày cuộc sống của gia đình sẽ đầy đủ, sung túc.
“Cơn lốc vàng” tràn qua, cũng như nhiều trai làng khác, A Nhin bỏ ruộng, rẫy cho vợ con để tham gia vào đội quân đào đãi vàng với giấc mộng đổi đời. Công việc nặng nhọc, hàng ngày phải đục đẽo, dầm mình dưới nước đào đãi từng hạt vàng cám, không biết từ bao giờ thân thể của A Nhin trở nên rệu rã. Trầy trật qua ngày, bữa đói bữa no, đôi lúc A Nhin đã nghĩ đến chuyện quay về, nhưng rồi lại tự động viên “cố gắng lên, biết đâu...”.
Vít một hơi rượu cần, A Nhin chua chát nói: “Ăn lộc” của rừng không dễ đâu. Để được 1 phân vàng cám, những người đào đãi vàng đã phải mất bao công sức, thậm chí mang bệnh tật vào người. Công việc nặng nhọc mà bữa ăn chỉ toàn là mắm muối, cá khô. Không có chất tươi nên ai cũng gầy gò, ốm yếu. Chủ bưởng mỗi tháng mang gạo, thuốc lá và một ít cá khô lên tiếp ứng, thi thoảng mới có thịt tươi!Ngành chức năng tỉnh Kon Tum thừa nhận tình trạng khai thác vàng trái phép ở các huyện Đắk Glei, Ngọc Hồi, TP Kon Tum... rất khó giải quyết dứt điểm. Cứ truy quét mạnh thì họ rút lui, sau thời gian "lắng”, lại tiếp tục khai thác làm ăn. Có doanh nghiệp chỉ mới được phép khảo sát đã đưa hàng chục phương tiện xe máy, máy đào, sà lan, máy hút, máy bơm vào khai thác.
Hỏi về thu nhập, A Nhin lắc đầu quầy quậy: Trong những ngày làm vàng, lâu lâu chúng tôi nghe người ta đồn người này, người kia trúng vàng nhưng thực hư thế nào chẳng ai rõ. Riêng tôi, gần 2 năm đào đãi vàng chẳng thu được cái gì ngoài bệnh tật đầy mình. Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để cùng vợ con lên rẫy làm cây ngô, cây sắn thôi.
Trong mấy năm làm “phu vàng”, A Nhin đã chứng kiến nhiều số phận bi thảm của anh em trong cùng bãi khai thác. Đa số “phu vàng” có gốc gác là nông dân, mang trên vai gánh nặng gia đình nên đã lên bãi vàng để tìm đường mưu sinh. Có người tận ngoài Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình vào, nhưng cũng có nhiều người từ trong Nam ra. Thổ nhưỡng và khí hậu không hợp, rừng thiêng nước độc ngấm vào người, chế độ ăn uống kham khổ, nên nhiều người không chịu nổi đã đổ bệnh. Mà đổ bệnh trên những ngọn núi này thì chỉ có trông chờ vào may rủi mà thôi.
"Phận “phu vàng” là thế đấy. Khi đến bãi vàng, ai cũng mang khát vọng giàu sang, nhưng có mấy người được đâu. Công việc nặng nhọc nơi rừng sâu nước độc, cuộc sống với trăm ngàn khổ cực đã khiến những “phu vàng” chúng tôi trở nên bầm dập, xơ xác, giấc mơ vàng vì thế cũng tan tành theo mây khói. Ngày trở về lại trở thành gánh nặng cho vợ con", A Nhin buồn bã thổ lộ.
Hệ lụy
Tham gia đội quân đào đãi vàng, ngoài những “phu vàng” là đàn ông còn có cả những "bóng hồng" và trẻ em. Nguyễn Thị Yến, một nữ “phu vàng” ở bãi vàng Đắk Brót, xã Đắk Kroong cho biết: "Gia đình tui ở tận ngoài Nghệ An lận, vì khổ quá nên vợ chồng tui mới dắt díu nhau vào đây gần 1 năm nay. Một, hai tháng đầu, ông chủ bãi trả tiền công sòng phẳng, nhưng mấy tháng sau thì không trả nữa. Họ nói khi nào đãi xong bãi vàng mới trả tiền. Gần đây, chính quyền địa phương làm gắt quá nên bãi vàng tạm ngưng hoạt động, vì thế vợ chồng tôi cũng chưa nhận được tiền lương. Làm “phu vàng” cơ cực chẳng khác nào khổ sai. Mở mắt ra là làm quần quật từ sáng đến tối. Cả tháng chẳng biết tin tức gì ở bên ngoài, bữa cơm chỉ toàn mắm và cá khô. Mấy lần vợ chồng tôi toan tính trở về nhưng không có tiền. Thôi cứ ở lại đây một thời gian nữa xem sao”.
Trong quá trình tác nghiệp, không ít lần tận mắt chứng kiến cảnh những người phụ nữ gồng gánh đồ đạc hay ngâm mình dưới dòng nước đục ngầu với “giấc mơ vàng”, chúng tôi mới hiểu được nỗi khổ của những nữ “phu vàng”.
Vì cái lợi trước mắt, người lớn bỏ nương rẫy để làm phu đã đành, ngay cả học sinh cũng đi làm cửu vạn, đào đãi vàng. Mặc dù thời gian qua chính quyền địa phương tuần tra ráo riết nhưng tại bãi vàng Đắk Brot vẫn có hàng chục lao động trẻ em. Phần lớn đều đang ở tuổi đến trường nhưng những “phu nhí” này làm việc không kém người trưởng thành nào.
Vừa đãi vàng, Nguyễn Văn Tình - “phu nhí” đến từ tỉnh Thái Bình vừa kể: “Bố mẹ cháu chia tay nhau nên anh em cháu phải sống cùng bà ngoại. Họ hàng nội ngoại của cháu ở quê ai cũng nghèo nên không ai giúp được cho mấy bà cháu. Khổ quá nên cháu theo mấy chú ở quê vào đây. Ở đây, ngoài cháu còn có nhiều bạn khác nữa. Tất cả đều làm thuê cho chủ nậu. Có dạo, nhiều bạn ở đây bị các chủ nậu cho ăn nhậu và cả hút hít ma túy để lệ thuộc. Cứ thế, bao nhiêu tiền làm ra đều bị đốt hết. Cháu thì chưa mắc nghiện nhưng nếu ở đây lâu dài thì không biết thế nào nữa”!
Từng ngày, từng đêm, vì mưu sinh và cũng vì lòng tham, núi rừng đã bị những “phu vàng” đào xới, lật tung lên. Tài nguyên quốc gia bị bòn rút, môi trường bị huỷ hoại, hậu quả khôn lường đã hiển hiện trước mắt, đó là lũ quét, lũ ống dồn dập; là sự xuất hiện của dịch bệnh khi những con suối, con sông bị hoá chất làm cho ô nhiễm. Những vết thương của đại ngàn Trường Sơn cứ lở loét dần ra dưới bàn tay của con người. Vàng kiếm được bao nhiêu thì chưa biết, nhưng cái giá đổi lại sẽ là rất đắt và đã hiển hiện ngay trước mắt.
Trao đổi với chúng tôi, bà Y Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Kroong cho biết: “Địa phương đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức tuần tra. Khi chúng tôi đến thì họ chấp hành, thu gom máy rồi che bạt phủ, rồi hứa là sẽ đưa máy về. Khi chúng tôi về họ lại tiếp tục. Cũng có khi một số người khiêng máy trốn vào rừng, mà núi rừng thì bao la hiểm trở, còn lực lượng chức năng thì mỏng, không có quân để truy đuổi".
Cũng theo bà Y Loan, thời gian qua, UBND huyện Đắk Glei đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các xã, thị trấn tăng cường truy quét, báo cáo tình hình hàng tuần cho UBND huyện để kịp thời chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động, truy quét, xử phạt, tịch thu các phương tiện khai thác nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng đào đãi vàng trái phép.
Trung Đức
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hà Nội sẽ hạn chế hoặc cấm lưu thông với nhiều phương tiện chạy bằng xăng dầu gây ô nhiễm cao vào vùng phát thải thấp. Thí điểm trước tiên ở 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
Hải Hà
12:08 12/12/2024(Thanh tra) - Sáng nay (12/12), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 24.
Trần Lê
10:32 12/12/2024Thu Nga
21:26 11/12/2024Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài
Thái Hải