Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làng may cờ Tổ quốc

Hải Hà

Chủ nhật, 22/01/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Từ địa đầu Tổ quốc cho đến mũi Cà Mau, đâu đâu trên dải đất hình chữ S cũng có những cột cờ thiêng liêng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Những sắc cờ đỏ tung bay, đầy kiêu hãnh đó có một phần được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Từ Vân - ngôi làng nhỏ bé có gần 8 thập kỷ gắn bó với nghề may cờ Tổ quốc - nằm trên địa bàn xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội.

Lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) được may từ bàn tay khéo léo của người thợ làng nghề Từ Vân. Ảnh: hagiang.gov.vn

Tự hào sắc cờ đỏ

Theo các cụ cao niên làng Từ Vân kể lại, từ xa xưa, vùng đất này nổi tiếng bởi các sản phẩm thêu, dệt truyền thống. Tháng 8/1945, các nghệ nhân trong làng được Ủy ban Kháng chiến kêu gọi thêu cờ Tổ quốc, chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Cũng từ đó, may cờ trở thành nghề truyền thống của làng Từ Vân.

Người dân làng Từ Vân rất đỗi tự hào, vì trong dòng người náo nức đến Quảng trường Ba Đình nghe Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập vào mùa Thu lịch sử có hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng được may từ làng Từ Vân. Từ ngôi làng nhỏ lưu dấu lịch sử cách mạng, đến nay, hàng triệu lá cờ vẫn hàng ngày được gửi tới mọi miền đất nước.

Trong số những gia đình có truyền thống nhiều đời may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Phục - gia đình có 4 thế hệ may cờ Tổ quốc.

Tiếng máy khâu dồn dập, tiếng cắt vải xoèn xoẹt - những âm thanh đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân quanh năm rợp bóng cờ hoa.

Tiếp chúng tôi, anh Phục chậm rãi kể: Từ khi còn nhỏ, tôi đã học làm cờ, theo ông nội rồi đến bố. Ngày đó, những đứa trẻ trong làng khi đến tuổi đi học cũng là lúc bắt đầu thực hiện các công việc xỏ chỉ, xâu kim, phụ giúp bố mẹ. Giai đoạn khi chưa có điện, vào ban đêm, mọi người còn phải làm việc dưới ngọn đèn dầu. Với tình yêu Tổ quốc, cũng như nhiều gia đình khác trong làng Từ Vân, gia đình tôi tiếp tục giữ gìn nghề làm cờ cho tới ngày nay.

Theo anh Phục, trước kia, cả làng Từ Vân may cờ, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 10 nhà giữ nghề. Để thích ứng nhu cầu thị trường, gia đình anh tiên phong ứng dụng máy móc hiện đại vào làm cờ, lá cờ được làm ra đẹp và chính xác, năng suất cao hơn.

Anh chia sẻ: Trước đây, một lá cờ làm hoàn toàn thủ công nên mất nhiều thời gian, có khi nửa ngày mới may xong, nếu là cờ thêu tay thì có khi mất vài ngày. Nay có máy móc hỗ trợ thì nhanh hơn rất nhiều. Để có được một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu vá... khâu nào cũng phải cẩn trọng, nâng niu để lá cờ phẳng phiu, đường kim mũi chỉ gọn gàng, ngăn nắp.

Theo anh Phục, để có được lá cờ đẹp, khâu nào cũng phải cẩn trọng, nâng niu để lá cờ phẳng phiu, đường kim mũi chỉ gọn gàng, ngăn nắp... Ảnh: HH

Bao đời gắn bó với nghề may cờ, hàng ngày, cơ sở của anh Phục có thể sản xuất ra vài nghìn cờ các loại, nhưng cảm giác tự hào, xúc động nhất với anh Phục là khi được tỉnh Hà Giang đặt may cờ Tổ quốc để treo trên cột cờ Lũng Cú. Lá cờ rộng 54m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Khi tham dự buổi lễ, nhìn lá Quốc kỳ tự tay mình làm ra tung bay đầy kiêu hãnh trong không gian bao la nơi địa đầu Tổ quốc, thì niềm tự hào về chủ quyền lãnh thổ trong trái tim anh lại được nhân lên gấp bội.

Dành cả đời gắn bó

Ở làng Từ Vân, có những bà, những mẹ đã gắn bó với lá cờ, với nghề may cờ gần cả đời người. Với hơn 40 năm kinh nghiệm và cũng là người tự tay thêu nên những lá cờ tung bay tại Lăng Bác, bà Nguyễn Thị Thiết (71 tuổi) chia sẻ: Công đoạn tạo hình ngôi sao năm cánh trên lá cờ là khâu đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất. Làm thế nào để ngôi sao nằm chính giữa của miếng vải và sự chuẩn chỉnh tuyệt đối từ các mũi kim chỉ khi may hoặc thêu là việc không hề đơn giản, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật tay nghề cao.

Bà Thiết tiết lộ, trước khi bắt đầu sản xuất một lá cờ, khâu chọn vải quyết định phần lớn đến chất lượng của lá cờ. Khác với vải may quần áo, chất liệu để may cờ Tổ quốc phải bền, có sức chịu đựng nắng mưa tốt, giúp màu cờ theo thời gian được lâu. Bởi vậy, chất liệu may cờ thường sử dụng 3 loại vải chủ yếu, đó là vải phi mờ, phi bóng và vải nylon với độ bền ngoài trời khoảng 8 - 10 tháng.

“Một lá cờ Tổ quốc phải có kích thước tuân thủ theo tỷ lệ chuẩn 2:3. Tâm ngôi sao vàng 5 cánh phải được nằm chính giữa lá cờ. Bán kính từ tâm ra đỉnh ngôi sao bằng 1/5 chiều dài lá cờ. Cờ Tổ quốc phải được may bằng 2 đường chỉ chắc chắn và đảm bảo độ bền. Ngôi sao phải được may 2 mặt trên 1 nền vải…”, bà Thiết say sưa kể.

Cũng như một số gia đình khác làm nghề ở làng Từ Vân, những ngày cuối năm, gia đình anh Phục đang tất bật sản xuất để kịp gửi những lá cờ đi khắp mọi miền Tổ quốc để chào đón năm mới. Vậy nên, chỉ những người trong gia đình là không đủ, trước những dịp lễ, Tết, gia đình anh phải thuê thêm thợ để hỗ trợ sản xuất.

Trong nhà, mỗi người một công đoạn, người đứng pha vải, cắt vải, người ngồi thêu những ngôi sao, người đóng hàng gửi đi cho khách... tất cả đều như “máy”. Anh Phục cho biết, ở bất kể độ tuổi nào cũng có thể làm được nghề này, miễn sao hiểu được quy trình và cách làm của từng công đoạn.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thiết là một trong số ít người ở làng Từ Vân thêu cờ Tổ quốc đẹp... Ảnh: HH

Cùng với kỹ thuật sản xuất hiện đại, ngày nay, ở làng Từ Vân vẫn còn có những gia đình duy trì việc may và thêu cờ theo cách thủ công. Gia đình chị Lê Thị Nhung là một trong số ít đó. Theo chị Nhung, loại vải mà gia đình chị dùng may cờ được mua từ làng La Khê (Hà Đông, Hà Nội), còn chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Lá cờ khi hoàn thành không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà còn sắc nét, chắc chắn, ngôi sao vàng nổi bật trên nền cờ đỏ.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề may cờ, chị Nhung bày tỏ: Gia đình tôi làm nghề này rồi không muốn làm nghề khác nữa. Nhiều lúc xem chương trình tivi, nhìn những buổi duyệt binh, sự kiện trọng đại của đất nước... thấy lá cờ Tổ quốc được may từ làng Từ Vân được đặt ở những vị trí trang trọng, hay tung bay đầy kiêu hãnh trên bầu trời xanh bao la, chúng tôi tự hào lắm. Đây cũng chính là động lực để gia đình tôi “giữ lửa” nghề truyền thống của cha ông.

“Gia đình tôi có 10 anh, chị, em, trong đó, 3 người làm nghề truyền thống, nhưng giờ chỉ còn duy nhất tôi bám trụ. Bởi nghề may cờ không cho thu nhập cao, mà người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ, do đó, phải ai thực sự đam mê mới gắn bó được với nghề”, chị Nhung tâm sự.

Theo lời kể của chị Nhung, làng Từ Vân hầu như ai cũng biết thêu cờ, nhưng để thêu cờ Tổ quốc đẹp thì cũng chỉ còn ít người, một số cháu gái trẻ khéo tay thêu rất đẹp, nhưng phải có người lớn kèm và chỉ dẫn thì bức thêu mới hoàn hảo được.

Với những người như bà Thiết, chị Nhung hay anh Phục… họ lựa chọn dành cả cuộc đời gắn bó với nghề làm cờ không chỉ là vì vấn đề kinh tế, thu nhập. Với họ, hàng ngày được tự tay thêu những lá cờ Tổ quốc, đó là một niềm tự hào, một công việc quá đỗi thiêng liêng mà không phải ai cũng may mắn có được.

Trong không khí vui tươi của ngày Tết cổ truyền, trên dải đất hình chữ S thân yêu có hàng triệu lá cờ được treo lên. Từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đâu đâu cũng ngập sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc. Vẻ đẹp thiêng liêng ấy, có một phần được “vẽ” lên từ tình yêu, niềm tự hào dân tộc của những người thợ làng Từ Vân…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm