Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kỳ 2: Chuyện về người xây ba ngôi chùa vang danh bốn biển

Dương Thanh Tùng

Thứ sáu, 29/10/2021 - 18:41

(Thanh tra)- Về ngôi chùa Linh Ứng Bãi Bụt, thầy Nguyện kể rằng: Hơn 30 năm về trước, nơi này còn hoang vu lắm. Khoác túi vải lặn lội đến Bãi Bụt, gặp ngư dân cùng thuyền bè tả tơi sau trận bão lớn, thầy hứa với họ là sẽ khôi phục Bãi Bụt thành nơi chở che gió bão, giữ yên lành cho dân.

Thầy Thích Thiện Nguyện và bức ảnh hào quang tỏa rạng trên đỉnh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở chùa Linh Ứng Bãi Bụt. Ảnh: Dương Thanh Tùng

Theo thầy Nguyện, Bụt là hiện thân của Đức Phật. Bãi Bụt là bãi biển nơi Phật hiển linh cứu độ chúng sanh tai qua nạn khỏi… Cũng lúc này, 2 câu thơ gắn với ngôi linh tự ở núi Sơn Trà trông xuống Bãi Bụt ra đời: “Linh Ứng sở cầu như ý nguyện/Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh”.

Ở mỗi vùng đất, người dân luôn ghi công lớn cho người mở đường, xây cầu qua sông và dựng chùa cho dân có nơi thờ tự. Cao tăng Thích Thiện Nguyện đã khởi tâm tôn tạo, xây mới 3 ngôi chùa bề thế được ví như “cõi Phật dưới trần gian” ở 3 ngọn danh sơn bao bọc vùng Cửa Hàn là Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, Linh Ứng Bà Nà và Linh Ứng Bãi Bụt ở Sơn Trà.

“Nhân duyên” hay là sự gắn kết “đời - đạo”, đã khiến vị lãnh đạo Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và cao tăng Thích Thiện Nguyện “song hành” trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển của thành phố này kể từ khi chia tách khỏi Quảng Nam vào năm 1997.

Chuyện rằng, năm 1999, khi khoác cà sa, đeo túi vải lên Bà Nà xin đất dựng chùa, thầy Nguyện được Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh chỉ cho khu đất trên đỉnh núi Chúa quay về hướng Tây - Bắc, trong khi thầy Nguyện quyết “xin” bằng được khu đất thấp hơn, quay về hướng Đông - Nam. Mỗi người đều có chủ ý của mình, không ai chịu ai. Qua một đêm, ông Thanh đề nghị rút thăm: Tây - Bắc hoặc Đông - Nam, nếu Thầy Nguyện rút thăm được nơi nào thì sẽ xây chùa ở nơi ấy. Thầy Nguyện chắp tay niệm Phật và đã rút được tờ giấy thăm có ghi chữ Đông - Nam.  Chỗ rút thăm xin đất sau này được thầy Nguyện khắc tạc vào đá lưu giữ chút kỷ niệm với đất trời.

Chùa Linh Ứng Bãi Bụt được coi là công trình mang đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 21. Ảnh: Dương Thanh Tùng

Đã có được miếng đất “sở cầu như ý nguyện” nhưng thầy Nguyện lại nghe ông Nguyễn Bá Thanh hỏi: “Chừ trong túi thầy có bao nhiêu”.

Câu hỏi của Chủ tịch thành phố Đà Nẵng hoàn toàn có lý vì không thể xây chùa lớn, đúc tượng Phật cao trên đỉnh Bà Nà mà trong túi chỉ có vài trăm triệu đồng.

Nhớ lại chuyện xưa, thầy Nguyện kể, đúng là lúc ấy trong túi chỉ có đúng 200 triệu đồng nên đành nói dối là có 2 tỷ đồng. Người tu hành không được nói dối nhưng theo thầy Nguyện, việc nói dối này gọi là “phương tiện huyền xảo từ bi lợi tế giả” (nói dối vì chúng sinh).

Thầy Nguyện quê gốc ở xã Hòa Quý, huyện Hòa Vang (bây giờ là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Mồng một tháng Giêng năm 1955, ra chơi núi Ngũ Hành, thấy non nước hữu tình, biển rộng mênh mông, sóng vỗ gầm gào cậu bé tóc để chỏm thốt lên rằng: “Cảnh đẹp quá hử! Ước chi mình được ở nơi đây. Nhân duyên với cửa Phật đưa cậu thiếu niên ở vùng quê chỉ toàn cát trắng trở lại núi Ngũ Hành, khởi nghiệp chân tu vào ngày rằm tháng 7 năm 1962. Bấy giờ trên hòn Thủy Sơn chỉ có 2 nơi thờ Phật trống trải là Tam Thai và Linh Ứng. Do phải hứng chịu bom đạn vào những năm 1968, 1972 nên 2 ngôi chùa trên hòn Thủy Sơn gần như sụp đổ. Năm 1992,  thầy Nguyện đã đứng ra gánh vác việc xây lại chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.

Có một thực tế là ba ngôi chùa (Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, Linh Ứng Bà Nà, Linh Ứng Bãi Bụt ở Sơn Trà) do thầy Nguyện khởi tâm xây dựng giờ đã vang danh bốn biển. Chỉ riêng chùa LLinh Ứng Bãi Bụt, mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách, nhất là kiều bào nước ngoài về thăm quê đến bái Phật. Những năm gần đây,  khách ở các quốc gia châu Á có đông đảo người dân theo đạo Phật như Nhật Bản, Trung Quốc cũng nườm nượp tìm đến chiêm bái tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cùng các vị La Hán được tạo tác thành những tác phẩm nghệ thuật sinh động ở sân chùa Linh Ứng Bãi Bụt và bức tượng Đức Phật Thích Ca cao 27 mét, an tọa ở lưng chừng núi Bà Nà.

Một lý do khác khiến khách thập phương năng lui tới “tam linh trấn tự” còn bởi chuông mõ ở đây trong trẻo đến nao lòng. Mọi nề nếp ở cả 3 ngôi chùa luôn tạo cho khách thập phương cảm giác thảnh thơi, thư thái. Cửa thiền rộng mở, hương thơm ngào ngạt quyện cùng mây khói, cây lạ, hoa tươi, biển trời man mác, còn là nơi khách  mặc sức để lòng mình phiêu diêu thoát tục.

Tượng các vị La Hán ở sân chùa Linh Ứng Bãi Bụt. Ảnh: Dương Thanh Tùng

Cao tăng Thích Thiện Nguyện nói với tôi, để hoàn thiện chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, Linh Ứng Bà Nà thầy phải mất đôi chục năm nữa. Trước khi thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 19 tháng 9 năm 2016 (nhằm ngày 19/8 năm Bính Thân) tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt, vị cao tăng đã tròn tâm nguyện khi ngắm nhìn tòa bảo tháp cao 67 mét hoàn thành.

Nhấp chén trà thơm bên hồ sen thơm ngát, vị cao tăng có công xây ba ngôi chùa vang danh bốn biển nói rằng, đang có ý định xây bức tượng Thích Ca nhập niết bàn cao 108 thước sau lưng ngôi chính diện chùa Linh Ứng Bãi Bụt. Tâm nguyện lớn nhất của vị cao tăng là sẽ khởi tâm xây thêm ngôi chùa mới ở danh thắng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan Hải Vân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm