Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kiểm tra, giám sát và xử lý những tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới

Đức Anh

Thứ hai, 13/03/2023 - 22:25

(Thanh tra)- Theo kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 vừa được tỉnh Nghệ An ban hành, mỗi năm tổ chức từ 1- 2 đợt kiểm tra, mỗi đợt từ 3 -5 đơn vị đối với 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: T.H

Yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được UBND tỉnh Nghệ An đặt ra phải bám sát mục tiêu, nội dung của chương trình MTQG về NTM; bảo đảm khách quan, phản ánh trung thực, đúng thực chất, đầy đủ kết quả đạt được; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý những tồn tại, hạn chế và các vấn đề phát hiện sau kiểm tra, giám sát.

Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, không trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động kiểm tra, giám sát khác thuộc phạm vi, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo thời gian, nội dung theo quy định.

Nội dung kiểm tra, giám sát gồm: Kiểm tra, giám sát việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình MTQG về NTM; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm, hàng năm; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai chương trình.

Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình. Việc huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình, dự án. Năng lực tổ chức thực hiện, việc chấp hành quy định về quản lý chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện của các đơn vị, địa phương…

UBND tỉnh Nghệ An cũng quy định cụ thể trình tự kiểm tra, giám sát chương trình; phương pháp kiểm tra, giám sát; các bước kiểm tra, giám sát...

Về thời gian kiểm tra, giám sát: Ở cấp tỉnh, mỗi năm tổ chức từ 1 đến 2 đợt kiểm tra; mỗi đợt kiểm tra, giám sát thực tế từ 3 - 5 huyện, thành phố, thị xã. Cấp huyện, mỗi năm tổ chức từ 1 đến 2 đợt; mỗi đợt từ 3 - 5 xã. Đối với cấp xã, mỗi năm tổ chức từ 1 đến 2 đợt; mỗi đợt kiểm tra, giám sát thực tế từ 3 - 5 thôn, xóm, bản.

Tổ chức đánh giá hằng năm kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện. Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn. Mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch hằng năm, giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao…

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chương trình ở các địa phương, qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý. Đồng thời xác định mức độ đạt được theo tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể của các địa phương theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới hoặc tiêu chí đánh giá quy định của nhà nước tại một thời điểm nhất định…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm