Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, xu nịnh vào Quốc hội

Chủ nhật, 31/01/2021 - 06:00

(Thanh tra)- “Đại biểu Quốc hội không những có tâm mà phải có tầm, có khả năng thấu hiểu được tình hình thực tế và những nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân, để từ đó phát biểu, kiến nghị biện pháp giải quyết với Quốc hội”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thuỵ nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thuỵ. Ảnh: TN

Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Cũng trong năm sẽ diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV - sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Quốc hội đã bỏ phiếu thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia và quyết định ngày bầu cử toàn quốc vào chủ nhật 23/5/2021. Trước đó, từ tháng 6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phải thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân

Nhìn lại chặng đường 14 khoá, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Chia sẻ với báo chí những ngày đầu năm 2021, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thuỵ nói, cách đây 75 năm, ngày bầu cử khi đó, đất nước ta còn nghèo đói, nhưng bây giờ là cả “một cơ đồ”, “chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Theo ông Đặng Quân Thuỵ, kết quả đó là sự cố gắng rất lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Quốc hội, đóng vai trò rất quan trọng trong quyết sách những vấn đề lớn của đất nước.

Công tác giám sát của Quốc hội cũng ngày càng đi vào thực chất, chứ không phải chỉ “xuống để ngó nghiêng”. “Mỗi 1 khoá, mỗi 1 kỳ của Quốc hội đều có đổi mới. Công tác lập pháp cải tiến rất nhiều, thảo luận ở Quốc hội cũng chuyển biến. Đại biểu Quốc hội phản ánh được ý kiến của nhân dân thì quyết định xuất sắc và có tầm”, ông Thụy nhận định.

Chính vì mỗi quyết định của Quốc hội mang tính ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và tương lai của đất nước, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao trình độ của đại biểu.

“Đại biểu Quốc hội không những có tâm mà phải có tầm, có khả năng thấu hiểu được tình hình thực tế và những nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân, để từ đó phát biểu, kiến nghị biện pháp giải quyết với Quốc hội”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, theo ông Đặng Quân Thuỵ, quy trình bầu cử phải công khai, minh bạch, rõ ràng.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nhân dân rất sáng suốt trong việc lựa chọn cán bộ. Công tác lựa chọn, bố trí nhân sự phải thực sự công khai, minh bạch, kết hợp giữa yêu cầu với khả năng của người đại biểu, cũng như có ý kiến đóng góp của nhân dân. Có như thế mới bảo đảm chất lượng đại biểu Quốc hội khoá XV”.

Không vì cơ cấu mà hạ tiêu chuẩn

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Đất nước đạt được nhiều thành quả to lớn sau 35 năm đổi mới, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội.

Các quy định mới vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2020) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2019) cũng tạo nên tác động đáng chú ý trong công tác bầu cử.

Một trong những điểm mới là luật quy định rõ đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Ngoài ra, trong khóa tới, số lượng đại biểu Quốc hội giữ nguyên là 500, nhưng tỷ lệ đại biểu chuyên trách tăng lên 40% thay vì 35% so với trước đây. Các quy định này có tác động đến công tác chuẩn bị bầu cử từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhân sự, giới thiệu người ứng cử.

Quốc hội đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận". Ảnh: N.Thắng

Thực tế cho thấy, phương thức hoạt động của Quốc hội cũng có bước chuyển biến mạnh mẽ, từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”. Vì vậy, cần những đại biểu Quốc hội có đủ thời gian, tâm huyết, có kỹ năng. Tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên thì tỉ lệ đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành chính sẽ giảm xuống.

Với bản chất là cơ quan đại diện nên phải giải quyết hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đảm bảo cho hình ảnh đại diện của các dân tộc, giai tầng xã hội, các tôn giáo… là hình ảnh Việt Nam trong Quốc hội. Vì vậy, trong Chỉ thị 45, Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu về chất lượng trong giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Theo đó, những người được giới thiệu phải tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Mục tiêu là giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Quyền quyết định cuối cùng thuộc về cử tri

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, việc xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp. Tuy nhiên, lựa chọn con người cụ thể là việc của cộng đồng, của xã hội.

“Do đó, cần sự tham gia rộng rãi, ý thức trách nhiệm đến hành động thực tế của cả hệ thống chính trị trong việc phát hiện, giới thiệu, hiệp thương nhân sự cụ thể đủ điều kiện, tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Còn quyền quyết định cuối cùng thuộc về cử tri thông qua mỗi lá phiếu bầu cử”, ông Trần Văn Tuý nêu.

Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các khoá gần đây.

Phải nói thêm rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, có một số trường hợp bị Quốc hội bãi nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu với các lý do khác nhau. Đây là một điều đáng tiếc xảy ra trong hoạt động của Quốc hội, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội và niềm tin của nhân dân, cử tri khi đánh giá hình ảnh của đại biểu dân cử.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, trong đó có nguyên nhân chủ quan là có cá nhân đại biểu thiếu sự tu dưỡng đạo đức, bản lĩnh chính trị, thiếu trung thực trong việc kê khai hồ sơ ứng cử. Còn nguyên nhân khách quan là thiếu cơ chế giám sát, chưa kịp thời thẩm tra, rà soát trong công tác cán bộ. Một con người có thể hôm qua họ tốt, có thành tích, được cử tri tín nhiệm nhưng quá trình công tác không giữ mình, phạm sai lầm khuyết điểm.

Nhưng mặt khác cũng thấy được Quốc hội khóa XIV đã rất thẳng thắn, trách nhiệm trong việc xử lý đại biểu có vi phạm, không còn uy tín với cử tri và nhân dân. Số lượng đại biểu Quốc hội tuy có bị giảm nhưng đổi lại chúng ta có những bài học trong công tác lựa chọn nhân sự cho các nhiệm kỳ sau.

Chúng ta hi vọng rằng, cuộc bầu cử sẽ được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân. Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hiến định, luật định. Đặc biệt là những bài học xuyên suốt, cốt lõi, còn nguyên giá trị, mang tính thời đại về: sức mạnh đoàn kết; tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nắm chắc lý luận, bám sát thực tiễn, “biến nguy thành cơ”...

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm