Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 09/12/2013 - 08:00
(Thanh tra) - Trong phiên họp Chính phủ ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an: “Cảnh sát giao thông (CSGT) trời nắng, trời mưa cũng phải có mặt, chính vì thế cần phải có bồi dưỡng xứng đáng cho CSGT thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ hoặc mua thiết bị hỗ trợ cho họ hoạt động. Nếu kinh phí thu về được nộp cho ngân sách thì phải tính cơ chế cấp lại cho Bộ Công an để mua trang thiết bị và chi bồi dưỡng cho CSGT yên tâm làm việc”. Thủ tướng cũng khẳng định không thể để CSGT phải làm việc trong tình trạng như hiện nay được.
Người dân đeo khẩu trang còn điều lệnh CSGT chưa được đeo khẩu trang. Ảnh: NTL
CSGT: Nghề xuyên đêm…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, để hạn chế được 3 tiêu chí tai nạn giao thông như trong thời gian vừa qua là nhờ sự tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT. Song, do lực lượng CSGT còn mỏng, nên anh em phải căng kéo, bám đường và nếu chia bình quân chỉ tính riêng quốc lộ, mỗi CSGT phải đảm đương 70km đường và chia nhau trực 24/24 giờ.
Chia sẻ với ngành Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh: CSGT thường xuyên phải tham gia các chiến dịch an toàn giao thông, theo tôi, nếu cứ làm cao điểm từng đợt thì được, chứ bắt anh em phải làm suốt như thế này thì không ổn.
Giải thích rõ hơn về công việc của CSGT, Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Phạm Quang Huy chia sẻ: "Thông thường ở các địa phương, mỗi ngày CSGT phải làm việc 8 tiếng cho 1 ca trực, chia làm 2 kíp trực, mỗi kíp 4 tiếng, kíp 1 từ 6 - 10 giờ và từ 14 - 18 giờ, kíp 2 từ 10 - 14 giờ và từ 18 - 22 giờ. Thông thường mỗi 1 chốt trực có 2 người, thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ, làm việc vào ban đêm, chưa kể đến khi xảy ra tai nạn giao thông thì CSGT luôn là người đến đầu tiên trong bất cứ điều kiện thời tiết khắc nghiệt nào”.
Với gần 30 năm gắn bó với nghề CSGT, Đại tá Nguyễn Danh Thuy, nguyên Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Hải Dương tâm sự: “Thực trạng hiện nay là các tuyến quốc lộ huyết mạch, điểm đen về giao thông tại các tỉnh và trong nội đô các thành phố lớn, mật độ phương tiện tham gia giao thông luôn quá tải trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng lên từng ngày. Chưa kể đến các tuyến đường chính để vận chuyển hàng hóa từ khu vực các cửa khẩu biên giới, cảng biển đi các tỉnh, thành phố là cung đường để hàng hóa thẩm lậu vào nước ta... CSGT thường xuyên phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện để vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), vừa đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm hoạt động trên tuyến. CSGT ngoài duy trì hoạt động 24/24 giờ ở các điểm chốt chặn còn thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát cơ động để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, trời nắng cũng như trời mưa, đêm hay ngày thì CSGT vẫn phải làm nhiệm vụ, không bao giờ bỏ chốt”
Là người thường xuyên phục vụ lực lượng CSGT trong công tác cứu hộ, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vượng Phát, chủ sở hữu xe cứu hộ 365365 chia sẻ: “Đêm cũng như ngày, khi người vi phạm giao thông nhiều, thiếu phương tiện cứu hộ CSGT thường xuyên phải gọi đơn vị chúng tôi đến hỗ trợ, cứu hộ xe, làm việc đêm khuya, sáng sớm là chuyện bình thường. Với tình hình công việc hiện nay của CSGT, tôi thấy các chiến sĩ rất vất vả, trời nắng cũng như trời mưa đều phải ra đứng đường làm nhiệm vụ, thậm chí mối hiểm nguy luôn rình rập”.
Hiểm nguy luôn rình rập, bệnh tật… ai hay?
Nói về các bệnh mà CSGT hay gặp phải, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình kiêm Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống nhận định: “CSGT là người làm việc ở ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm, bụi khói, dầm mưa dãi nắng nên rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp, thấp khớp do phải đứng ngoài trời nhiều giờ. Các bạn đến Bệnh viện Việt Đức thì mới thấy được nỗi khổ của CSGT, khi tai nạn xảy ra tôi tin chắc họ là người phải có mặt đầu tiên, dù bất cứ thời tiết lúc đó là mưa hay nắng, đêm hay ngày, ở vùng cao, nhiệt độ rét mướt, khó khăn mấy thì CSGT cũng vẫn phải có mặt”.
Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó phòng CSGT, Công an Hà Nội cho hay: “Ở Hà Nội, bệnh các chiến sỹ thường gặp phải là căn bệnh hen suyễn... Bởi lẽ, với mức độ ô nhiễm không khí, khói bụi, xăng xe hiện nay thì không thể tránh khỏi. Phải công nhận là, lực lượng CSGT ở các đô thị lớn đã mắc phải căn bệnh nghề nghiệp, bởi thường xuyên dãi nắng, dầm mưa, tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, tiếng ồn... Họ là những người đang phải làm việc trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng mà không được trang bị các thiết bị bảo hộ. Môi trường không khí ở các đô thị lớn, ô nhiễm đến mức báo động”.
Theo kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Bá Toại, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: Nồng độ bụi tại nơi CSGT làm việc ở TP Hồ Chí Minh vượt ngưỡng cho phép từ 5 - 15%, nồng độ SO2 vượt từ 10 - 30%, đặc biệt, các chất gây ung thư từ không khí như chì, 282-C39 benzene, NO2 vượt ngưỡng nhiều lần. Không khí ở Hà Nội luôn chìm trong bụi và khói xe, bởi tốc độ tăng bình quân các phương tiện giao thông tăng cao theo mỗi năm từ 15 - 20%, góp phần lớn vào việc phát thải độc hại. Theo nghiên cứu của ARIA Technologies - công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng - thì nguồn gây ra ô nhiễm chính là giao thông.
Số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường cho thấy, tại nhiều nút giao thông như Kim Liên - Giải Phóng, Phùng Hưng - Hà Đông, những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn mức cho phép, có lúc lên gấp 7 lần. Các khí ô nhiễm khác như CO, SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng. Nguồn ô nhiễm từ hoạt động giao thông chiếm tới 70% tỉ lệ nguồn gây ô nhiễm ở Hà Nội.
Còn theo Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, CSGT thường mắc các bệnh như viêm khớp, bệnh tai mũi họng, viêm xoang, việm tai, vẹo vách ngăn... CSGT khi làm việc thường xuyên phải chịu đựng căng thẳng, nên cũng mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp. Tuy nhiên, CSGT lại không được dùng các thiết bị bảo hộ. Trong khi người dân không chịu nổi khói bụi, đeo khẩu trang khi tham gia giao thông, còn lực lượng CSGT lại không.
Chắc chắn phải bồi dưỡng xứng đáng cho CSGT
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, tổng số tiền phạt lỗi giao thông thu về trong 11 tháng của năm 2013 đã nộp ngân sách hơn 2.000 tỉ đồng, số tiền xử phạt này hiện nay theo quy định phải nộp hết về cho Bộ Tài chính chứ Bộ Công an không giữ. Tuy nhiên, chế độ cho các CSGT làm nhiệm vụ rất ít ỏi.
Ông Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế để bồi dưỡng cho CSGT làm việc trong ngày nghỉ, ngoài giờ...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu theo hướng số tiền phạt nêu trên để lại địa phương 30%, còn 70% thì đưa lên Trung ương và chi cho lực lượng công an.
Còn nhớ, tháng 4/2012, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh (hiện là Trưởng Ban Nội chính Trung ương) đã nêu ý tưởng và chính quyền TP Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm việc “bồi dưỡng” cho CSGT từ nguồn thu xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách “đặc biệt” này. Theo đó, tùy theo vị trí, mỗi CSGT được nhận thêm số tiền ngoài lương cao nhất là 5 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 1,5 triệu đồng.
Ở khía cạnh luật pháp, Bộ luật Lao động, ban hành ngày 18/6/2012, quy định rõ tại Điều 97 rằng:" Làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày".
Việc chi bồi dưỡng xứng đáng cho CSGT là hết sức cần thiết, bởi họ phải làm việc trong môi trường có tính đặc thù riêng. Không thể so sánh và đưa ra câu hỏi rằng, liệu khi chi bồi dưỡng có giảm được tiêu cực của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng? Hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Việc chống tiêu cực trong lực lượng là trách nhiệm của lãnh đạo ngành. Việc chi bồi dưỡng, nên được hiểu là “trợ giúp” cho nghề nghiệp đặc thù.
Cho đến thời điểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ đạo rõ: “Cần tính quy chế chi bồi dưỡng xứng đáng cho CSGT thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ hoặc mua thiết bị hỗ trợ cho họ hoạt động để CSGT yên tâm làm việc”. Như vậy, người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ, hy vọng tới đây với sự đồng thuận cao của các bộ, ngành và nhân dân, các chiến sỹ CSGT sớm nhận được chế độ thù lao tương xứng với công việc của mình.
Nguyễn Thanh Liêm
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
T.Thanh
13:44 12/12/2024(Thanh tra) - Hà Nội sẽ hạn chế hoặc cấm lưu thông với nhiều phương tiện chạy bằng xăng dầu gây ô nhiễm cao vào vùng phát thải thấp. Thí điểm trước tiên ở 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
Hải Hà
12:08 12/12/2024Trần Lê
10:32 12/12/2024Thu Nga
21:26 11/12/2024Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà