Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khi người dân quay lưng với hủ tục

Thứ ba, 30/08/2022 - 17:11

(Thanh tra) - Bà Y Tiêng ở làng Đăk Book, xã Đăk Plô không bao giờ quên khi tất cả làng xóm quay lưng với đám táng của chồng bà - một vị già làng được kính trọng nhưng không may vướng phải “cái chết xấu”.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum) tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ hủ tục, chăm lo lao động, sản xuất. Ảnh: ĐT

Cũng may có bộ đội biên phòng đến giúp đỡ để bà hoàn thành đám tang cho chồng. Từ câu chuyện của chính mình, bà Y Tiêng tự nhủ, chính bản thân sẽ thay đổi.

“Từ nay trở đi, trong làng dù ai gặp nạn hay đau ốm chết, mình cũng sẽ đến, hỗ trợ, giúp đỡ họ” - bà Y Tiêng nói.

Đoạn tuyệt với “chết xấu”, “chết tốt”

Kon Tum có tổng dân số hơn 500.000 người, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Na, Xơ Đăng, Ê đê, Jrai… sinh sống. Nhiều hủ tục, phong tục lạc hậu còn lưu truyền đến hiện tại, đã gây ảnh hưởng cho phát triển kinh tế xã hội trong suốt thời gian dài. Chính những đồng bào nơi đây cũng dần ý thức được rằng, những hủ tục đó đã lạc hậu và cần được xóa bỏ.

Đồng bào ở nhiều nơi của tỉnh Kon Tum đều không biết hủ tục “chết tốt”, “chết xấu” có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ thời cha ông, trong làng đã chia ra 2 loại: “Chết tốt” và “chết xấu”. “Chết xấu” là những người chết do rủi ro như: Tai nạn giao thông, tự tử, gặp bom mìn… Nếu “chết tốt”, bà con sẽ đến hỏi thăm, góp tiền cùng gia đình làm mai táng, thì khi “chết xấu”, bà con không dám đến và trở nên xa lánh gia đình gặp nạn.

Cần lưu giữ các lễ hội văn hóa giàu bản sắc và xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu ở Kon Tum. Ảnh: Internet

Câu chuyện của gia đình bà Y Tiêng ở làng Đăk Book, xã Đăk Plô là một ví dụ điển hình. Bà Y Tiêng là vợ của già làng A Tạo. Ông A Tạo mất do lúc đi làm rẫy không may giẫm trúng bom và chết. Dân làng nói ông bị “chết xấu” nên không ai đến. Em gái, em trai của ông cũng dời nhà đi chỗ khác.

Theo hủ tục, người dân trong làng không cho bà mang thi thể của chồng về nhà làm ma chay. Không thể để thi thể chồng ở lại nơi rừng núi hoang vu, bà kiên quyết đưa về nhà.

Bà kể: “Dân làng không cho tôi khiêng thi thể qua nhà rông, không cho khiêng đi theo đường chính và không cho mai táng ở nghĩa trang của làng. Họ bắt gia đình tôi phải chôn ở rừng sâu để ma khỏi về phá dân làng”. Cuối cùng bộ đội biên phòng đã phải đến cùng hỗ trợ gia đình bà Y Tiêng đưa thi thể về, hỗ trợ làm mai táng.

Nhận thấy hủ tục “chết tốt”, “chết xấu” gây mất đoàn kết người dân trong làng, Đồn Biên phòng Đăk Blô tích cực tuyên truyền, vận động. “Lần nào về làng, chúng tôi cũng bắt chuyện, thủ thỉ với dân làng rằng bộ đội biên phòng vô nhà A Tạo nhưng không bị làm sao cả, vẫn khỏe mạnh, bình an… để mọi người đỡ sợ. Qua nhiều lần trò chuyện, dần dần, một vài người cũng tự nhận thức và hiểu ra” - chiến sĩ bộ đội A Huấn cho biết.

Đơn cử, bà Y Tính, em ruột của ông A Tạo. Sau khi được cán bộ Đồn Biên phòng tuyên truyền, vận động, cuối cùng, bà cũng dám qua nhà anh trai của mình. Bà chia sẻ: “Nghe theo dân làng, mình quá sợ hãi nên dời nhà luôn. Bây giờ, bộ đội biên phòng nói, mình nhận ra sai lầm của mình rồi. Mình không sợ nữa, mình sẽ qua nhà anh trai như trước đây”.

Không riêng bà Y Tính, chính sự nhiệt tình, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp bà Y Tiêng nhận ra cần phải bài trừ hủ tục “chết tốt”, “chết xấu” trong làng. Từ câu chuyện của chính mình, bà nói rằng, chính bản thân bà sẽ thay đổi. “Từ nay trở đi, trong làng dù ai gặp nạn hay đau ốm chết, mình cũng sẽ đến, hỗ trợ, giúp đỡ”, bà Y Tiêng khẳng định.

Tục kiêng cữ cái chết xấu được xem là hình thức mê tín dị đoan, trái với các quy định về đời sống văn hóa, không có tính nhân văn, thiếu tinh thần đoàn kết, tương trợ ở thôn làng. Do đó, chính quyền địa phương đã đưa hủ tục này vào điều cấm trong hương ước, quy ước của làng. Việc vận động bà con có mặt, đến chia sẻ đau buồn mất mát bằng tinh thần giúp nhau bằng công cán, một ít tiền có tính tượng trưng là cần thiết.

Ngoài hủ tục “chết tốt”, “chết xấu” hủ tục củi hứa hôn cũng có từ lâu trong đời sống của người dân miền núi Kon Tum. Sự cố gắng đạt được số lượng củi lớn làm mất nhiều thời gian, sự lo nghĩ, tính toán, sức khỏe không những của riêng cô gái và cả người thân. Việc lựa chọn chủng loại gỗ dẻ vốn là gỗ nhóm 2 hiếm gặp. Việc khai thác số lượng lớn, phí phạm tài nguyên cũng như vi phạm luật bảo vệ rừng.

Trước đây, như bà con trong buôn, gia đình chị Nay H’Rác (buôn Dù, xã Ia Mláh) thường tổ chức cúng bái khi trong nhà có người bị ốm đau, bệnh tật.

Chị H’Rác còn nhớ, khi mẹ chị bị bệnh, gia đình đi coi bói và được thầy phán là bị “ma lai, thuốc thư”. Theo lời thầy bói, gia đình đã về mổ 1 con bò, mua 3 ché rượu cúng vái linh đình nhưng người bệnh vẫn không khỏi, thậm chí bệnh còn nặng thêm. Đến khi được nhân viên y tế khám, điều trị, bệnh của mẹ chị H’Rác mới giảm bớt.

“Thầy bói nói mẹ mình bị trúng thuốc độc phải làm lễ cúng mới giải được. Nhà lúc đó nghèo lắm nhưng cũng phải cố gắng để có đủ lễ vật mà cúng cho mẹ khỏi bệnh. Cúng xong thấy bệnh nặng hơn, may được bác sĩ khám rồi cho uống thuốc mới khỏi. Bây giờ trong nhà có ai ốm đau là đưa đi khám ở bệnh viện chứ không cúng nữa” - chị Nay H’Rác nói.

 Thay đổi nhận thức về các hủ tục

Các hủ tục, phong tục lạc hậu này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân mà còn gây tốn kém, lãng phí, mất vệ sinh môi trường. Để kịp thời xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu, Huyện ủy Đăk Glei đã chỉ đạo Đảng ủy xã Đăk Plô xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cả hệ thống chính trị xã vào cuộc.

Bà Y Nghệ, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei cho biết, xã chỉ đạo cho tất cả đảng viên, già làng, thôn trưởng và người có uy tín phát huy vai trò gương mẫu, không được thực hiện các hủ tục, phong tục lạc hậu và tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động người dân, nhất là những người cao tuổi, bởi các hủ tục phần lớn do chính những người cao tuổi này còn giữ và thực hiện.

Đồng thời, Đảng ủy xã Đăk Plô đã phối hợp với Đồn Biên phòng Đăk Blô tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp thôn và đến từng nhà tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phân tích rõ tác hại của các hủ tục, từ đó từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện tại.

Hủ tục, phong tục lạc hậu này là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tốn nhiều chi phí và thời gian cho người dân.

Với quyết tâm hủy bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống kinh tế xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Quyết định 385/QĐ-UBND công bố danh mục 14 hủ tục, phong tục không còn phù hợp cần tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ.

Cụ thể, 06 hủ tục gồm: Kiêng cữ cái chết xấu; cúng ốm đau và khấn cầu thần linh; kiêng kỵ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới, bên trong kho thóc; thuốc thư; hôn nhân cận huyết; tảo hôn.

08 phong tục không còn phù hợp gồm: Nợ miệng; ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội; thả rông gia súc, gia cầm; củi hứa hôn; tưởng nhớ và cho người chết ăn; để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma; sinh đẻ tại nhà; ngủ "đầm" (ngủ rẫy).

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Với sự quyết tâm của các cấp chính quyền cùng sự đồng thuận của đồng bào, chắc chắn thời gian tới những hủ tục lạc hậu này sẽ nhanh chóng được thay đổi bằng những nếp sống văn mình, phù hợp hơn với xã hội hiện đại.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”

(Thanh tra) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

08:00 23/11/2024
Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm