Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khe Nhồi vượt khó

Song Nguyên

Thứ ba, 23/11/2021 - 11:13

(Thanh tra) - Nằm chênh vênh trên sườn núi Đát Hóp, cách mặt biển trên 1.000m, Khe Nhồi là bản thuần nhất của người Mông và cũng là nơi xa nhất của huyện nghèo Yên Lập (Phú Thọ). Bản Khe Nhồi cũng là nơi tôi từng ngủ lại qua đêm, những đói nghèo đến mức khó có lối thoát ngày ấy cứ đeo đẳng tôi mãi. Nhưng lần quay lại rồi trở về này, trước đổi thay của Khe Nhồi, tôi đã có thêm những hy vọng.

Bằng việc mở ruộng nước, khuyến khích trồng rừng, màu xanh trù phú đã ngày một phủ kín bản nghèo. Ảnh: Song Nguyên

Niềm vui nơi đất khó

Mùa này, dưới thị trấn Yên Lập chưa lạnh lắm, nhưng chỉ cần vào xã Trung Sơn rồi vượt khoảng 20 km nữa để lên Khe Nhồi thôi không khí đã khác hẳn.

Suốt các cữ ngày, sương lạnh và khí núi đã vây hãm. Đêm ngủ, nếu không phải là người Mông ở Khe Nhồi thì không có vài ba cái chăn mà lồng vào để đắp ấm thì khách lạ khó có thể ngủ qua đêm.

Lần vào Khe Nhồi này lại làm tôi nhớ đến con đường mà gần 10 năm trước tôi đã từng qua. 20 cây số dẫn qua các địa danh như Khe Dùng, Khe Đâng, Khe Bóp… rồi núi Tổng Nhất, núi Đèo Bụt để vào với người Mông nơi đây nhầy nhụa bùn, ràn rạt cỏ lau quất.

Chiếc xe u oát, được coi là dã chiến nhất của đường rừng, gần 2 tiếng trời lăn bánh chỉ “ăn” được nửa con đường. Nửa còn lại, bánh xe quay tít. Mặc cho sự vật vã thao tác của anh xế nó vẫn cứ nhất quyết “tìm đường” để quay xuống núi.

Thấy cảnh ấy, chúng tôi còn bị mấy anh Mông vắt vẻo trên mình ngựa chê: "Cái ngựa sắt" Chính phủ thua cái ngựa của mình. Ngựa mình chỉ ăn cỏ, không “ăn xăng” như “ngựa” Chính phủ nhưng chỗ nào cũng trèo được…

Kể cũng nhanh, chỉ bấy lâu, con đường vào Khe Nhồi đã thay đổi. Đêm nay, Khe Nhồi rất vui vì có thêm một hộ gia đình người Mông nữa có nhà mới và thoát được nghèo.

Trong niềm vui không thể nghĩ đến, chủ của ngôi nhà mới này có tên A Phử vui vẻ ra tận đầu dốc đón khách. Vui mừng, Phử bảo, cả đời mình, năm nay mới có ngôi nhà kiên cố như thế này.

“Thế là từ nay và rất nhiều năm nữa, con mình, cháu mình sẽ không phải lo đến cái nhà bị dột nữa. Đêm nằm, có mưa bão ngủ cũng ngon, để dành sức cho ngày mai cái chân, cái tay nó khỏe. Tạnh mưa, lại lên nương xuống ruộng để lo cái ăn cho gia đình”, Phử tíu tít khoe.

Có đến Khe Nhồi, trước sự nghèo khó của người dân, trước những ngôi nhà tạm bợ mới thấy niềm vui của người dân khi được sở hữu một căn nhà mới, lại là nhà kiên cố nữa nó có giá trị biết nhường nào. Và như để mừng cái cơ hội “cả đời mới có một lần này”, A Phử đã “xông xênh” mổ ngay một con “lợn cắp nách”. Trước tiên để lấy thịt cúng trình tổ tiên, sau đó lấy thịt để đãi dân bản và đãi cán bộ đã “đem cái nhà” về cho gia đình mình.

Với men rượu ngà ngà, A Phử trải lòng tâm sự: Mình phải cố gắng đi lên thôi. Đói nghèo thì khổ và xấu hổ lắm. Không những xấu hổ với người trong bản mà còn xấu hổ với cả khách phương xa nữa.

Xuất phát từ ý nghĩ hết sức gần gụi và quý mến này, Phử quyết định xắn tay vào cuộc. “Cái rượu” được uống ít đi để cho cái người khỏe ra cùng với đó là sự minh mẫn của cái đầu. Công việc nhà cửa được cắt cử lại, mọi người trong gia đình cùng nhau lao vào lao động sản xuất.

Ruộng nương được khoanh vùng, quy hoạch lại, mùa nào thức đấy, ngô lúa nối vụ, mùa gối mùa, cái hạt về nhà nhiều hơn. Khi lương thực đủ ăn, tận dụng phụ phẩm thừa, Phử tập trung vào chăn nuôi gà lợn. Cùng với đó, để tận dụng lao động thì trâu bò cũng được mua, được mượn đem về nuôi dẽ. Với các nguồn thu tổng hợp này, từ một gia đình được coi là nghèo khó thì nay gia đình Phử đã vươn lên ở mức khá giả.

Sức sống mới nơi đại ngàn

Trong các xã hiện có của huyện Yên Lập thì bản Khe Nhồi, xã Trung Sơn luôn nổi lên “vị trí số 1” bởi sự nghèo khó của các hộ gia đình người Mông.

Từ việc sống quảng canh, túng đói, bằng việc đầu tư, nay người Mông ở Khe Nhồi đã biết chăn nuôi đại gia súc, tạo nguồn sinh kế tích lũy cho mình. Ảnh: Song Nguyên

Năm 1995, vùng đất âm u Khe Nhồi bắt đầu có dân với một hộ đầu tiên. Ngày ấy, vì nằm ở nơi xa xôi, ít người chú ý đến nên đất đai Khe Nhồi còn mầu mỡ. “Tiếng lành đồn xa” đã được lan truyền, đến tai những người Mông khác. Một đồn hai, hai đồn ba… theo sự lan truyền này nên nhiều hộ người Mông khác đã di cư đến đây.

Tuy đất đai mầu mỡ, nhưng với cách phá rừng làm rẫy không có quy hoạch và không có chủ trương tạo mầu cho đất nên đất đai mầu mỡ của Khe Nhồi cũng nhanh chóng đến lúc bạc bẽo. Quỹ đất và chất lượng đất giảm cũng là lúc cái nghèo cái khó tìm đến với người Mông ở Khe Nhồi. Có năm tỷ lệ nghèo và đứt bữa ở đây đã lên đến 100%. Ngán ngẩm, nhiều hộ gia đình người Mông ở đây đã nghĩ đến kế dời đi nơi khác sinh sống.

Với chủ trương hạn chế sự di cư tự do, tạo điều kiện và giúp dân thoát nghèo ngay tại chỗ, để họ an tâm định canh, định cư, nhiều cán bộ, nhiều đoàn công tác đã được cử lên đây cùng với đó là các nguồn vốn được tạo điều kiện đưa về. Để mở lối sinh nhai cho dân, trước tình trạng đất đai cạn kiệt, sau khi nghiên cứu và khảo sát, chương trình dậy dân làm ruộng nước, trồng rừng đã được đưa ra như trọng tâm chính.

Nước được dẫn nguồn, lựa thế đồi thế núi, các thửa ruộng bậc thang được mở rộng cùng sự cần mẫn của người dân. Ruộng đến đâu, khoa học kỹ thuật được triển khai đến đó cùng giống và phân bón được đầu tư. Đất đồi được ngâm nước, chuyển bùn và làm giầu bằng các nguồn phân chuồng, có bờ ngăn chống sự rửa trôi của mưa gió nên mầu mỡ dần. Năng suất thu được qua các năm đã làm cái bụng của dân ấm dần theo năm tháng.

Đứng trước những thửa ruộng đã được cấy kín giống lúa mới, Lý A Phông vui vẻ cho biết: Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, với việc đưa cán bộ lên, đưa giống và tiền đầu tư về nên chỉ trong 3 năm nay 100% các hộ đứt bữa của Khe Nhồi đã được khắc phục. Hiện bản chỉ tập trung vào việc xóa nghèo nữa thôi.

Ngoài việc biết làm lúa nước, hiện nay người Mông ở Khe Nhồi đang tiến tới các mô hình làm kinh tế “có tầm” hơn. Bên cạnh việc tăng đàn gia súc, gia cầm thì người dân Khe Nhồi còn đang được triển khai mô hình trồng rừng.

Với việc chọn cây quế làm cây chủ lực của rừng thì các loại cây nguyên liệu như bồ đề, bạch đàn, keo cũng đã được đưa về, phủ kín dần các cánh rừng trọc do việc phá rừng trước đây để lại. Nhận thức ra tầm quan trọng và kinh tế của rừng nên người Mông ở Khe Nhồi đã hồ hởi tham gia, trong đó có nhà nhận trồng tới 5ha rừng.

Ngoài việc tận dụng các nguồn vốn giúp dân làm kinh tế, xóa nhà tạm nhà dột để dân an tâm thì trường lớp cũng được ưu tiên đưa về với người Mông ở Khe Nhồi. Bằng số tiền đầu tư từ trái phiếu Chính phủ, vôi vữa cát sỏi đã vượt dốc, vượt núi về với Khe Nhồi.

Để tạo điều kiện học hành cho các em, một trường tiểu học ở khu lẻ gồm 5 phòng học kiên cố cùng một lớp mầm non cũng đã được xây dựng. Lần đầu tiên người dân Khe Nhồi đã chứng kiến tiếng trống trường vang lên ngay tại bản mình cùng với đó là sự rảo bước đến trường của các em.

Mặt trời chếch núi, đưa tôi ra con dốc, ông Đinh Văn Lúa - Bí thư xã nói thêm với tôi: Với những đổi thay người dân bản Khe Nhồi đã vui và đã yên tâm ở lại lắm rồi.

Niềm vui trong tôi càng phấn chấn hơn khi được anh chính thức cho biết: Hiện thôn Nhồi có 9 học sinh người Mông có trình độ văn hóa 12/12, trong đó có 5 người trình độ đại học, 2 người có trình độ cao đẳng, 1 người có trình độ trung cấp. Đây là điều không chỉ người Mông ở Khe Nhồi mà ngay cả cán bộ huyện thôi cũng chưa bao giờ “dám” nghĩ đến ở những năm trước đây khi đói khát còn bủa vây Khe Nhồi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm