Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khẩn trương khắc phục sau lũ

Thứ năm, 12/11/2020 - 17:53

(Thanh tra) - Trận lũ kép lịch sử trong tháng 10 vừa qua đã làm cho tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại nặng nề về người và của. Sau lũ, bằng mọi nguồn lực, người dân Hà Tĩnh đang khẩn trương khắc phục hậu họa để từng bước ổn định cuộc sống.

Người dân khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ. Ảnh: TQ

Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, lũ lụt đã làm chết 6 người, gây ngập 118 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố, với 52.604 hộ/167.303 người bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh (vùng hạ du hồ chứa Kẻ Gỗ). Ước thiệt hại hơn 5.300 tỷ đồng.

Sau lũ, người dân đã và đang khẩn trương khắc phục để từng bước ổn định sản xuất, chăn nuôi. Ông Hồ Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ, thị xã Kỳ Anh cho biết, xã có hơn 200 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chủ yếu là nuôi tôm, một số ít nuôi cá và cua, đợt mưa lũ vừa qua đã làm thiệt hại hoàn toàn sản lượng thủy sản của bà con, giá trị gần 12 tỷ đồng. “Hiện các hộ đang thống kê, rà soát lại để đề xuất các chính sách hỗ trợ người nuôi khắc phục khó khăn, sớm khôi phục lại sản xuất”, ông Hiển cho biết.

Ở huyện Cẩm Xuyên, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Gia đình anh Nguyễn Tiến Hùng, xã Nam Phúc Thăng, là một trong những hộ nuôi tôm bị thiệt hại lớn trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên cho biết, ngay sau khi nước rút, gia đình đã tu sửa, vệ sinh ao hồ, chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục sản xuất.

Các hộ dân chuẩn bị ao hồ để nuôi trồng vụ mới. Ảnh: TQ

Những vùng không bị ngập lụt tại huyện Cẩm Xuyên, người nuôi trồng thuỷ sản cũng như “ngồi trên đống lửa” vì tôm, cá bị sốc nước, nhiễm bệnh và chết dần. Theo ghi nhận của PV, hiện các hộ đang khẩn trương thu dọn, vệ sinh ao hồ, tìm nguồn giống để tiếp tục nuôi trồng.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh ông Nguyễn Công Hoàng cho biết, lũ lụt đã làm ảnh hưởng 3.788ha, trong đó, nuôi nước mặn và nước lợ 1.52ha (nuôi tôm 971ha; nhuyễn thể (nhóm hàu, vẹm, ngao…), 382ha, đối tượng hải sản khác 168ha); nuôi cá nước ngọt, 2.266ha; nuôi lồng bè có 10.293m3 lồng bè bị hư hỏng.

Sản lượng ước thiệt hại 4.767 tấn, trong đó, sản lượng nuôi ngọt 2. 294 tấn; sản lượng nuôi mặn, lợ 2.968 tấn gồm (tôm 1.154 tấn, nhuyễn thể 1.649 tấn, đối tượng khác 165 tấn). Ước giá trị thiệt hại 350,97 tỷ đồng.

"Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản sau lũ, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để hỗ trợ con giống cho người nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng ổn định và khôi phục sản xuất sau mưa lũ, cụ thể: Giống tôm 380 triệu con, giống nhuyễn thể 230 triệu con, giống cá nước ngọt 25 triệu con, cá mặn lợ và đối tượng khác 1,7 triệu con, giống cá nuôi lồng bè 0,15 triệu con. Ước kinh phí 80,68 tỷ đồng", ông Hoàng cho biết.

Ở những vùng trồng lúa, trồng màu, khi lũ rút bà con cũng đã nhanh chóng sửa chữa hệ thống kênh, mương tưới tiêu, làm đất đổ ải để chuẩn bị cho vụ Đông và vụ Đông Xuân cũng như rau, màu phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Nguyễn Xuân Quý, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà cho biết, ngay sau khi nước rút xã đã tổ chức khôi phục lại những công trình bị ảnh hưởng, hướng dẫn người dân chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ Xuân; tiếp nhận, phân phát các loại giống rau để bà con sản xuất vụ Đông.

Thuộc địa bàn TP Hà Tĩnh, nhưng xã Đồng Môn có đến 80% số hộ bị ngập nước, trong đó có nhiều hộ ngập trên m, thiệt hại khá nặng. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch xã Đồng Môn cho biết, sau lũ, xã đã cho sửa chữa các công trình bị ảnh hưởng, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ Xuân. “Theo quy hoạch, xã sẽ trồng khoảng 10ha rau màu các loại, sau khi nước rút đến nay, bà con đã trồng được 2/10ha rau màu. Hiện bà con đang tranh thủ làm đất, xuống giống cho kịp thời vụ”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Lực lượng đoàn viên thanh niên giúp các hộ bị ảnh hưởng do lũ lụt. Ảnh: TQ

Nhờ chủ động trong triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó từ tỉnh đến các địa phương, đơn vị, cũng như việc chỉ đạo triển khai sớm các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách khắc phục hậu quả mưa, lũ. Đến nay, tình hình đời sống của nhân dân đã cơ bản ổn định, các bệnh viện, trường học đã hoạt động lại bình thường; tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo tập trung nguồn lực để hỗ trợ đời sống dân sinh, khắc phục tạm thời các công trình hạ tầng bị hư hỏng nặng để phục vụ sản xuất và dân sinh.

Nhằm hỗ trợ nguồn lực giúp nhân dân, các địa phương, đơn vị sớm ổn định cuộc sống, tái thiết sau lũ lụt, Hà Tĩnh đã phân bổ 11 tỷ đồng từ nguồn cứu trợ của tỉnh để kịp thời khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.

Hiện nay, tỉnh đang phân bổ 46 tỷ đồng từ nguồn cứu trợ của tỉnh; phân bổ 100 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ và kinh phí do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Để kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do lũ, lụt gây ra, ổn định cuộc sống và triển khai các giải pháp ứng phó với bão, lũ, Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ cho tỉnh các loại giống phục vụ sản xuất vụ Đông và Đông Xuân, giống lúa 2.000 tấn.

Hà Tĩnh cũng kiến nghị Thủ tướng sớm bố trí kinh phí 1.445 tỷ đồng và chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho triển khai thực hiện ngay Dự án Tăng cường khả năng thoát lũ vùng hạ du hồ chứa Kẻ Gỗ.

Hỗ trợ 50 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục, mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng y tế, bệnh viện, trường học bị thiệt hại; 368 tỷ đồng để khôi phục các công trình hạ tầng giao thông bị hư hỏng do lũ, lụt (cầu, đường, giao thông nông thôn).

Hỗ trợ 550 tỷ đồng để khôi phục các công trình hạ tầng thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, khép kín tuyến đê chống lũ cho thành phố Hà Tĩnh chiều dài 3km với kinh phí dự kiến 300 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí để xử lý cấp bách một số công trình đê điều, thủy lợi, hồ đập, phòng chống thiên tại bị hư hỏng nặng do lũ, lụt khoảng 250 tỷ đồng.

Tiếp tục cho triển khai Đề án 1002 nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và kinh phí làm nhà sống chung với lũ cho nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt…

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm