Theo dõi Báo Thanh tra trên
Bài và ảnh: Đơn Thương
Thứ bảy, 23/10/2021 - 19:35
(Thanh tra) - Đứng bên bờ vực diệt vong, một cuộc sống hết sức nguyên thủy, không ai có thể ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, người Arem đã hồi sinh, vươn lên và hội nhập!
Bia đánh dấu mốc “hồi sinh” của người Arem khi có sự ra đời của xã Tân Trạch. Ảnh: ĐT
Một thời để nhớ
Biết tôi vào Quảng Bình, Đinh Rầu, già làng của bản Arem, 1 trong 18 người còn sống sót của thuở hoang vu, dùng điện thoại để rủ tôi vào. Nhớ lại nhiều năm về trước, đã vào đây, với “hành lộ nan” đến mức vật vã, tôi ái ngại trước thiện chí của ông.
Như đoán định cấn cá của tôi, ông Rầu vui vẻ: Không phải lo đường sá đi lại nữa đâu! Đảng và Chính phủ vừa lại cho người dân Arem của mình con đường dễ đi hơn rồi. Đường không những qua Arem (Tân Trạch) mà còn thông cả lên Ma Coong (Thượng Trạch) để nối sang nước bạn Lào nữa đấy! Lên đi, lên để xem người Arem phát triển thế nào, để thấy người Arem không phụ lòng quan tâm của Đảng, của Chính phủ đâu nhé!
Tò mò trước những đổi thay của Tân Trạch qua việc khái quát của Già Rầu, tò mò ngay cả với thay đổi đến mức ngạc nhiên của Già Rầu tôi quyết định một lần nữa “xẻ dọc Trường Sơn” để lên với Tân Trạch.
Từ UBND huyện Bố Trạch, con đường 20 còn gọi là đường “Quyết Thắng” để dẫn sang nước bạn Lào thời kháng chiến chống Mỹ “Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn” đã dễ đi.
Đây là con đường huyền diệu nhất, vì nó xuyên qua các địa danh lịch sử như “Hang Tám Cô”, “Miếu Y tá”, Rừng Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… Từ “Hang Tám Cô”, sự thay đổi hiện ra trước mắt đối với tôi đến không ngờ. Thay cho con đường như “đi dưới lòng suối cạn” dạo nào, Đường 20 dẫn lên Tân Trạch, Bố Trạch rồi lên Cửa khẩu Cà Ròong để dẫn sang nước bạn Lào đã được nâng cấp. Thay cho cả nửa ngày trời vật vã để “cán” được 39km vào với người Arem, vào với Tân Trạch dạo nào thì nay tôi chỉ cần vài tiếng đồng hồ.
“Hương rừng thơm đồi vắng”, chúng tôi miên man chạy dưới những tán rừng già đến khó ngỡ tưởng, cùng những chú gà rừng, chú sóc đang le te kiếm ăn bên vệ đường đến mức không thể sợ người. Trạm Kiểm lâm Vườn Quốc gia ở km 39 hiện ra, chúng tôi đã bắt gặp mầu xanh trù phú của Tân Trạch, gặp lại sự thật thà hồn nhiên của người Arem.
Vào với Tân Trạch, vào với người Arem nơi đây, lần nào tôi cũng bị hút hồn về những cái lạ của miền đất này. Tân Trạch có lẽ là xã rộng nhất trong toàn nước ta hiện nay. Với diện tích tự nhiên rộng 354,77 km2, xã Tân Trạch đã rộng hơn và thậm chí rộng gấp 2 đến gấp 3 lần một huyện của các tỉnh đồng bằng.
Người Arem ở Tân Trạch được coi là tộc người phát hiện ra muộn nhất trong đất nước ta. Được phát hiện vào năm 1956, lúc này họ đang đứng bên bờ vực của sự diệt vong, với số lượng chỉ còn 18 người.
Trước đây, người Arem vốn là một tộc người có tên tuổi, địa bàn cư trú tập trung ở hai địa danh với các tên gọi Rục hay Bòn Bòn. Do chiến tranh, để tránh bom rơi, đạn lạc, họ đã bỏ bản, lui vào trong các xó rừng già của dải Trường Sơn náu thân.
Vì cuộc “chạy trốn” này nên điều kiện sinh sống của họ hết sức hạn chế và làm họ suy kiệt dần. Năm 1956, lúc được phát hiện ra, người Arem đã rơi vào tình trạng của một cuộc sống hết sức nguyên thủy như ở hang, mặc quần áo vỏ cây và sử dụng các thứ không qua đun nấu là chủ yếu.
Từ khi được phát hiện, với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, người Arem đã được chú ý rất nhiều.Cuộc “cách mạng” về sự chú ý này phải kể đến đấy là năm 2003. Để người Arem thuận tiện trong cuộc sống, có chỗ giao lưu, dự án tái lập bản Arem hay còn gọi là dựng xã Tân Trạch này đã chọn km 39 trên đường 20. Hơn 42 mái nhà, kết cấu với kích cỡ truyền thống, mái lợp chắc chắn được dựng lên. Sau đó là hành trình cán bộ “ba cùng” để vào rừng gọi và di dân về. Xã Tân Trạch - bản của người Arem bắt đầu có tên từ đó.
Trang sử mới nơi đại ngàn
Đến với Tân Trạch, đến với người Arem bây giờ người ta đã thấy hết đi một đời sống tự cung tự cấp. Quán sá đã được dựng lên, cùng với đó là tiếng cười vui của các học trò Arem vui chân đến lớp.
Nhiều năm về trước, tuy đường sá hết sức khó khăn, nhưng vì người Arem, vì tương lai của họ nên xi măng, sắt, thép đã được các cấp ngành vận chuyển vào đây để xây trường, đón trẻ em Arem đến học. Hiện nay, các lớp học giữa chốn đại ngàn này đang được coi là tốt nhất và đã có hết các bậc tiểu học cho con em của người Arem.
Vì cuộc sống chạy trốn và lệ thuộc vào rừng lâu quá nên việc vận động người Arem về với bản mới là không dễ. Những năm trước, vận động họ về, nhưng về được vài ngày là họ lại chán và lại bỏ về rừng. Để khắc phục tình trạng này, những đảng viên kì cựu, tâm huyết, có kinh nghiệm đã được lựa chọn và xung phong đến với Tân Trạch bằng một cuộc sống không chỉ “3 cùng” mà còn thực hiện “5 cùng” với dân.
Lựa chọn những người uy tín nhất, họ bám chân, thuyết phục bất kể giờ nào trong ngày. “Mưa dầm thấm lâu”, thấy cán bộ tốt, những người già trong bản nể, ở lại. Một người ở, hai người ở… rồi hơn 40 mái nhà của người Arem cũng ấm hơi người và bắt đầu tỏa khói vào mỗi cữ nấu nướng, sinh hoạt trong ngày.
Nói về thành tích phát triển của người Arem ở Tân Trạch không ai không nhắc đến Đinh Chai. Sinh năm 1996, đau đáu với nỗi thống khổ khi không có kiến thức của mình nên Đinh Chai đã cặm cụi vượt khó đi học.
Hết học tại thôn, bản, xã; Đinh Chai còn không quản ngại chân trần vượt đến hơn 30 km đường rừng hoang vắng, gập gềnh để xuống huyện học. Trung học phổ thông hết, Đinh Chai thi đại học.
Đại học xong, nhiều cánh cửa cho mưu sinh, việc làm mở ra nhưng Đinh Chai đã từ bỏ và một mực quay về với Tân Trạch, với núi rừng của người Arem để trả nghĩa cho bản làng.
Bằng sự đóng góp và phấn đấu của mình, hiện nay Đinh Chai đã được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch. Theo Đinh Chai, bằng việc chú ý đầu tư của các cấp ngành và bằng chính nội lực của mình, hiện nay bản Arem ở nơi thượng nguồn phía Tây tỉnh Quảng Bình này đã được Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tin cậy giao bảo vệ 4.000ha rừng, trong đó có rừng cây bách xanh quý hiếm trên 500 năm tuổi. Hàng năm rừng đã đem lại sinh kế cho người dân.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm nhanh. Người Arem ở Tân Trạch đã có nếp sống tiến bộ hơn, quan tâm hơn đến việc học tập của con em, có ý thức chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình.
Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương trao đổi hàng hoá. Dự án thiết lập hệ thống truyền dẫn và mạng truy nhập băng rộng cố định tại Tân Trạch cũng vừa được hoàn thành, đưa internet về với bản làng. Đây được xem là như bước ngoặt lớn của đồng bào Arem tại Tân Trạch.
Kiến thức về, cuộc sống lạc hậu phụ thuộc vào rừng rú đã được loại bỏ dần. Từ việc định cư, biết chủ động trồng trọt và chăn nuôi, thì việc tiếp cận vốn - một trong những dấu ấn quan trọng để đánh giá về hội nhập của người Arem cũng có nhiều cái để ghi nhận.
69 hộ gia đình người Arem đã biết tiếp nhận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng chính sách. Nhiều hộ gia đình từ đó cũng có điều kiện mở rộng sản xuất, trang trải cuộc sống. Điển hình, gia đình anh Đinh Cất, được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và 30 triệu đồng hộ nghèo của ngân hàng chính sách. Hay hộ gia đình ông Đinh Trặp vay khoảng 5 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để chăn nuôi bò, lợn, đến nay đã thoát nghèo, trở thành hộ khá của bản, mua được ti-vi và nhiều đồ dùng gia đình thiết yếu khác...
Từ một cuộc sống tự cung, tự cấp và có thời hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên, hiện nay người Arem ở Tân Trạch đã có một cuộc sống định cư tại bản. Từ 42 mái nhà ban đầu, đến nay, sau hơn chục năm trời đã lên đến gần 100 hộ.
Chia tay Tân Trạch, nhìn những tán cây xanh - một loại gỗ quý hiếm có ở miền rừng này đang vươn ngọn lên để đón nắng, đón gió của miền đất này, tôi thầm mong sự trù phú sẽ đến với người Arem trong một ngày gần nhất!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân