Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 24/12/2019 - 06:35
(Thanh tra)- Hơn 10 năm nay, Dự án (DA) Mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà rơi vào dạng “treo”, người dân xung quanh đang phải "sống mòn", khốn khổ vì DA này. Đứng trước yêu cầu xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã trong vùng chịu ảnh hưởng từ mỏ sắt cũng đang phải chịu chung số phận.
Bà Nguyễn Thị Tuệ ở khu tái định cư Đỉnh Bàn gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất. Ảnh: HY
Hơn 10 năm, hàng ngàn hộ dân sống trong cảnh 5 không
DA Mỏ sắt Thạch Khê từng được thêu dệt thành một “bức tranh màu nhiệm” tại vùng quê nghèo Hà Tĩnh với “lời hứa” người dân quanh đây sẽ được hưởng lợi lớn. Nhưng 10 năm nay, gần 5.000 hộ dân trong vùng quy hoạch vẫn đang phải sống trong cảnh “dở mếu, dở khóc” bởi DA treo. Việc dừng khai thác chỉ sau vài năm khởi công bóc tầng phủ (2009) khiến cuộc sống của người dân 6 xã, gồm: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc vô cùng khổ sở.
Khó khăn lớn nhất tại khu vực này là nhiều hộ có con xây dựng gia đình, cần được cấp đất để ra ở riêng, nhưng không được cấp. Nhiều gia đình có 3 đến 4 thế hệ sống chung. Rồi, tình trạng tụt mạch nước ngầm do bóc đất tầng phủ khiến hiện tượng sa mạc hóa, thiếu nước sinh hoạt, giếng nhiễm phèn, tình trạng “cát bay, cát nhảy” từ bãi thải xâm lấn ruộng vườn... khiến cuộc sống người dân vốn dĩ khó khăn lại thêm phần cơ cực.
Bà Nguyễn Thị Tuệ (khu tái định cư Đỉnh Bàn) cho biết: Sau khi gia đình tôi chấp hành chủ trương nhường đất cho DA, khi chuyển về khu tái định cư mới thì gặp muôn vàn khó khăn. Gia đình 5 thành viên chỉ được 300m2 đất ở, không đất sản xuất, không có việc làm ổn định, không nước sạch sinh hoạt… khiến cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, chúng tôi phải trở về nơi ở cũ để sản xuất, kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình.
Ông Bùi Quang Đào (52 tuổi), trú tại xóm 9, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà cho biết: “Chúng tôi đang chết dần trên chính mảnh đất cha ông để lại vì phải quay về với cái thời sơ khai, sống cuộc sống 5 không: Không điện, đường, nước, y tế và có lúc cả về cái ăn”.
Có mặt tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này, có thể thấy rõ tình trạng nhà cửa xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đa phần các hộ dân không thể xây mới hay cơi nới, phải sống “dồn” trong một căn nhà chật hẹp.
Nhiều thế hệ sống chen chúc trong ngôi nhà chật hẹp. Ảnh: HY
Ông Nguyễn Phúc Khiển, thôn Vạn Sơn, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà cho biết, hiện gia đình ông có 16 nhân khẩu, sống trong mảnh vườn 1.300m2. Nhiều khi muốn tách khẩu, chia đất cho các con nhưng nằm trong quy hoạch nên không làm gì được, đành xây tạm nhà cho các con trong vườn...
Trao đổi vấn đề này với ông Bùi Quốc Sơn, Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc, ông cho biết: “Thạch Lạc có gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt Thạch Khê. Từ khi DA Mỏ sắt tạm dừng khai thác đã kéo theo rất nhiều hệ lụy. Trong đó, cái đáng lo ngại nhất của xã vẫn là vấn đề nhà ở cho các hộ dân ở thôn Bắc Lạc. Nhiều thế hệ phải sống trong một ngôi nhà nhưng cơ quan chức năng không thể cấp quyền sử dụng đất, chuyển đổi hay tách bìa làm nhà bởi những hộ này đang nằm trong diện di dời, giải tỏa của DA Mỏ sắt Thạch Khê”.
Gánh nặng xây dựng NTM
Đến thời điểm hiện tại, DA Mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa có quyết định dừng hay tiếp tục khai thác, nhưng đứng trước yêu cầu xây dựng NTM ngày 28/12/2018 UBND huyện ban hành nghị quyết 07-NQ/HĐND ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM giai đoan 2019 - 2020 với hi vọng cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm sống khổ bên cạnh DA treo, nay lại chung tay cùng chính quyền xây dựng NTM là điều không mấy dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Lai, thôn 5, xã Thạch Đỉnh chia sẻ: “Suốt hơn 10 năm sống khổ bên DA Mỏ sắt Thạch Khê, nay địa phương lại tiến hành xây dựng NTM, điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt. Hơn chục năm nay rồi, chúng tôi đang phải sống trong cảnh không có nước sạch sinh hoạt, hàng ngày phải đi xin từng can nước về dùng”.
Ông Nguyễn Văn Thống, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Sơn, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà cho biết: “Việc mỏ sắt khai thác hay không khai thác vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ, suốt hơn 10 năm người dân phải sống khổ bên DA treo này để huy động nguồn lực từ dân xây dựng NTM là điều hết sức khó khăn”.
Do ảnh hưởng DA Mỏ sắt Thạch Khê “treo” nên việc xây dựng NTM rất khó khăn. Ảnh: HY
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cũng than phiền do bị vướng quy hoạch “treo” nên đời sống người dân rất khó khăn. Khi xây dựng NTM không được bán đất, xã rất vất vả trong việc tìm nguồn để xây dựng NTM trong khi xã được giao phấn đấu về đích NTM trong tháng 12/2019.
“Địa phương có hơn 3.500 nhân khẩu thuộc hơn 952 hộ thì ¾ trong số đó thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nước giếng khoan bị ô nhiễm không thể sử dụng, để có nước dùng qua ngày phần lớn người dân tự vận động như đi mua về dùng, những hộ gia đình có điều kiện hơn thì mua máy về lọc nước mưa nhưng cũng phải sử dụng hết sức chắt bóp”, ông Hồng nói.
Còn ông Bùi Quốc Sơn, Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc cho hay, địa phương đang xây dựng NTM mới theo kiểu chắp vá, bị động. Hiện nay, xã đã xây dựng được 17 tiêu chí, còn một số tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, y tế là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất.
“Thạch Lạc là một địa phương thuần nông, hơn 10 năm Thạch Lạc nằm trong vùng bị ảnh hưởng của DA Mỏ sắt Thạch Khê nên đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của vùng. Để vận động người dân chung tay vào xây dựng NTM là một vấn đề nan giải”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Sơn, Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Thạch Hà cho biết: "Việc xây dựng NTM mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự quyết tâm và đồng thuận của chính quyền và nhân dân trong vùng quy hoạch, nên đã đạt được nhiều mục tiêu. Hiện có 3 xã đã hoàn thành các tiêu chí là xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn và Thạch Hải. Tuy nhiên, ở các xã khác gặp vô vàn khó khăn, các tiêu chí về môi trường, nước sạch rất khó để hoàn thành. Hiện chưa có quyết định dừng hẳn khai thác mỏ sắt nên xây dựng NTM sẽ có những hạn chế nhất định như: Các công trình điện, đường, trường, trạm…”.
DA Đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được triển khai năm 2008, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư (đến tháng 12/2014, DA được phê duyệt điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư 14.517,2 tỷ đồng).
Mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Hải Yến
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt được thành tích đáng tự hào. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 2.995 căn nhà trong tổng số 3.022 căn theo kế hoạch, tương đương 99%.
Bùi Bình
00:00 13/12/2024(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.
Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
20:36 12/12/2024T.Thanh
18:48 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC