Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 13/12/2014 - 06:40
(Thanh tra)- Theo quy hoạch, giai đoạn từ năm 2009 - 2020, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiến hành chuyển đổi gần 8 nghìn ha rừng khộp tại 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp để trồng cao su, trong đó, đến năm 2015 sẽ trồng thí điểm 1.700ha để đánh giá khả năng thích nghi của loại cây này. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này đã bị phá vỡ và gây ra nhiều hệ lụy.
Hiện nay diện tích trồng cao su đã vượt quá xa so với quy hoạch của tỉnh. Ảnh: Quỳnh Anh
Đổ xô trồng cao su
Theo số liệu thống kê, từ năm 2009 đến nay, huyện Ea Súp đã trồng 3.500ha cao su, trong đó diện tích người dân trồng tự phát lên đến 2.100ha. Điều đáng nói, Ea Súp hiện là địa bàn trồng thí điểm nhằm đánh giá khả năng thích nghi của cao su với tổng diện tích trồng theo quy hoạch đến năm 2015 chỉ khoảng 1.500ha, nhưng diện tích này hiện đã tăng lên gấp nhiều lần.
Năm 2012, gia đình anh Lê Văn Bình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thấy nhà nào cũng đầu tư trồng cao su, anh Bình lập tức dốc toàn bộ vốn mua gần 10ha đất tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) và trồng cao su. Thời điểm này, kinh nghiệm về cây cao su của anh Bình chỉ là con số không, vùng đất anh trồng là vùng trũng không thoát được nước nên sau 2 năm xuống giống, số cây chết chiếm gần một nửa. “Tôi bắt đầu thấy nản vì cây cao su rồi. Gần đây tôi không dám đầu tư cho vườn cây nữa bởi cây không chết vì úng nước thì cũng còi cọc, cho lượng mủ quá ít”, anh Bình cho biết.
Theo ông Nguyễn Bá Bân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ea Súp: Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, cây cao su trên địa bàn Ea Súp chỉ thích hợp phát triển theo hình thức tiểu điền, với diện tích đại điền hiện chưa có một đề tài chính thức nào cho thấy hiệu quả kinh tế cũng như mức độ thích nghi của cây cao su trên địa bàn. Cho nên huyện cũng rất lúng túng trong việc khuyến cáo nhân dân cũng như kêu gọi đầu tư vào cây cao su.
TS Bảo Huy, giảng viên Khoa Nông Lâm nghiệp, Đại học Tây Nguyên phân tích: Đất ở rừng khộp có đặc điểm nắng hạn vào mùa khô và ngập vào mùa mưa, tầng đất mỏng dày khác nhau. Về mặt khí hậu, đây là vùng nắng hạn kéo dài. Nếu đem so những điều này với yêu cầu sinh thái của cây cao su thì thấy xuất hiện nhiều điều kiện không phù hợp để cao su phát triển và cho năng suất tốt.
Trong tổng số 14 dự án được tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, phần lớn chỉ được phép trồng thí điểm mỗi dự án 100 ha. Cùng với việc triển khai dự án thí điểm, địa phương cũng đã khuyến cáo người dân về loại cây này. Tuy vậy, đến nay diện tích cao su của huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn đã xấp xỉ 4.500 ha. Điều đáng nói là phần lớn diện tích cây trồng thích nghi thấp, khả năng sinh trưởng và phát triển kém. Vào thời điểm hiện tại, giá cao su trên thị trường đang ở mức thấp kỉ lục, cơn sốt trồng cao su cũng vì thế mà tạm lắng xuống. Tuy vậy, với gần 4.500 ha cao su đang được trồng trên đất rừng khộp và phần lớn diện tích này đang chết dần chết mòn, niềm hy vọng đổi đời nhờ cây cao su của người nông dân trên vùng đất nắng thì hạn, mưa thì ngập này đang bị lung lay dữ dội.
Do cao su không phát triển, người dân phải chặt bỏ hàng loạt diện tích cao su đã đầu tư số vốn lớn. Ảnh: Quỳnh Anh
Hậu quả từ chương trình chưa được kiểm chứng
Không riêng gì người nông dân mà ngay cả với nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su theo dự án của tỉnh cũng đang ngoắc ngoải chờ chết. Sau 3 năm triển khai thực hiện dự án trồng cao su thí điểm trên diện tích chuyển đổi từ rừng khộp, gần một nửa trong tổng số 100 ha cao su của Công ty TNHH MTV Minh Hằng (xã Ya T Mốt, huyện Ea Súp) đã chết hoặc không còn khả năng phát triển. Ông Nguyễn Đình Chuyển, Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn bởi hầu hết diện tích cao su đều không thích ứng được với vùng đất này. Theo tính toán, để đầu tư được 1ha cao su cần số vốn trên 100 triệu đồng. Với 4.500 ha cao su được trồng trên diện tích chuyển đổi từ rừng khộp không đem lại hiệu quả sẽ tiêu tốn khoản tiền khổng lồ của người dân. Thực tế, tình trạng ồ ạt trồng cao su theo phong trào, bất chấp quy hoạch đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp thực hiện dự án.
TS Nguyễn Văn Thường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Trong tổng số gần 8 nghìn ha rừng khộp được tỉnh Đắk Lắk cho quy hoạch cho trồng cao su đến nay có khoảng trên 1.500 ha được các doanh nghiệp thực hiện dự án trồng cao su. Số còn lại, trên lý thuyết vẫn được khoanh nuôi, bảo vệ chờ chuyển đổi. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều diện tích rừng đang bị xâm hại bằng việc chặt phá, lấn chiếm không thể kiểm soát. Sau 5 năm thực hiện chủ trương chuyển đổi, phần lớn diện tích cao su của các doanh nghiệp và của cả người dân không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải rà soát lại quy hoạch và không nên trồng cao su trên diện tích đã xác định là thích nghi kém và không thích nghi. Nếu có trồng thì nên trồng trên diện tích tương đối thích nghi thôi. Còn thực tế trên địa bàn Ea Súp không có diện tích rất thích nghi cho cây cao su.
Rừng khộp tuy là rừng nghèo nhưng lại là loại rừng quý hiếm, đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Trong một vài trường hợp, muốn phát triển phải chấp nhận đánh đổi, nhưng việc bóc trắng cả một hệ sinh thái đặc biệt để trồng lên đó một loại cây không đem lại hiệu quả là điều nên xem lại.
Quỳnh Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt được thành tích đáng tự hào. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 2.995 căn nhà trong tổng số 3.022 căn theo kế hoạch, tương đương 99%.
Bùi Bình
00:00 13/12/2024(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.
Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
20:36 12/12/2024T.Thanh
18:48 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC