Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Góc nhìn nghiệp vụ

Thứ hai, 18/06/2018 - 06:32

(Thanh tra)- Từ hơn 10 năm nay, báo chí cả nước có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ để sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao (TPCLC). Đặc biệt, đối với một số cơ quan báo chí eo hẹp kinh phí hoạt động và báo chí địa phương, đây là nguồn động viên lớn đối với hội viên - nhà báo.

Một số kinh nghiệm đầu tư sáng tạo TPCLC

Qua thẩm định hằng năm, các thành viên Hội đồng Thẩm định Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có chung nhận xét là nhiều địa phương, nhiều cơ quan báo chí Trung ương đã tích cực đầu tư và đầu tư đúng hướng để hội viên sáng tạo TPCLC: Đầu tư đúng đề tài (đúng việc), đầu tư đúng tác giả, nhóm tác giả (đúng người), đầu tư đúng mức (không cào bằng, chia bình quân cho các tác giả - tác phẩm, mà căn cứ vào tính chất, đặc thù, điều kiện thực hiện từng đề tài, từng tác phẩm để quyết định mức đầu tư cho hợp lí). 

Thứ nhất, đầu tư đúng đề tài (chọn đúng việc).

Trên thực tế, đề tài tác phẩm báo chí và TPCLC được hình thành từ hai nguồn:

Hội viên nhà báo được cơ quan báo chí, cấp hội giao đề tài thực hiện. Đây thường là những đề tài tuyên truyền trong kế hoạch năm, kế hoạch quý, kế hoạch tháng…của cơ quan báo chí. Đầu tư ở cấp độ đề tài này là chắc ăn và thường dễ được thông qua hơn. 

Hội viên tự phát hiện đề tài, báo cáo cơ quan và đăng kí thực hiện TPCLC. Thực hiện loại đề tài này thường phải mất thời gian hơn, vì còn chờ thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên đây là loại đề tài rất cần được đầu tư từ nguồn kinh phí chất lượng cao. 

Kinh nghiệm của một số cấp hội nhà báo Trung ương và địa phương là khuyến khích và đầu tư cao hơn cho loại đề tài tự phát hiện. Chẳng hạn, ở một số Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Hà Nam, Vĩnh Long, Bắc Giang... các Liên Chi hội Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Chi hội Báo Đầu tư… hằng năm, ngay từ đầu năm, Thường trực Hội hoặc Ban Thư ký họp với lãnh đạo các cơ quan báo chí hoặc cơ quan báo chí, chỉ đạo các cấp hội (đối với các tỉnh, thành phố) và cơ quan báo chí tổ chức cho mỗi hội viên đăng kí ít nhất một TPCLC.

Hội viên đăng kí rõ đề tài gì, xây dựng đề cương, kế hoạch thực hiện và nộp sản phẩm báo chí cho cơ quan; nêu rõ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện sáng tạo tác phẩm; đề xuất hỗ trợ (nhất là những đề tài khó, đề tài nhạy cảm, phức tạp, thậm chí nguy hiểm). Trên cơ sở đó, cấp hội chủ động thẩm định, lựa chọn, gợi ý, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên thực hiện đề tài. Việc đầu tư cho đề tài, vì vậy đảm bảo đúng, có hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, đầu tư đúng đề tài (chọn đúng việc để đầu tư) là bước quyết định thành công cơ bản nhất trong quy trình sáng tạo TPCLC.

Thứ hai, đầu tư đúng tác giả, nhóm tác giả (đúng người).

Trong hai nguồn đề tài nêu trên, loại thứ hai (do phóng viên tự phát hiện, đề xuất và tự thực hiện) thường được cơ quan giao cho tác giả/nhóm tác giả trực tiếp thực hiện. Do vậy, mặc nhiên được coi là đầu tư đúng tác giả, nhóm tác giả.

Ở loại thứ nhất (tác giả thực hiện đề tài do cơ quan giao), việc chọn đúng tác giả - nhóm tác giả để giao nhiệm vụ là yếu tố quyết định thành công. Thực tế cho thấy, nhiều khi có đề tài hay nhưng chưa chắc đã có tác phẩm hay, do không chọn được người thực hiện hoặc chọn người chưa phù hợp, chưa đúng tầm hoặc tác giả không có điều kiện thực hiện.

Kinh nghiệm một số cấp hội là phối hợp với các ban biên tập để lựa chọn người mà giao việc. Mỗi người làm báo đều có thế mạnh, sở trường và những điểm yếu nhất định trong nghề nghiệp. Không những căn cứ vào khả năng chuyên môn của hội viên - tác giả, mà còn cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh và xử lý các mối quan hệ khác để xem tác giả - nhóm tác giả đó có thực hiện được đề tài hay không? Việc này được công khai và bàn bạc dân chủ trước tập thể để tránh bị hiểu nhầm là thiên vị cá nhân. Nếu kết hợp được thế mạnh (sở trường) của nhà báo với ưu thế của cơ quan báo chí, đề tài dễ thành công hơn. 

Thứ ba, đầu tư đúng mức (không cào bằng mức đầu tư, không chia bình quân).

Một số hội nhà báo địa phương dành tỉ lệ lớn để hỗ trợ trực tiếp cho tác giả - nhóm tác giả sáng tạo TPCLC (trên 60% như quy định của Trung ương Hội, đặc biệt có những cấp hội dành tới hơn 80% kinh phí hỗ trợ, đầu tư cho tác giả). Đầu tư đúng mức cũng có nghĩa là không cào bằng mức đầu tư, không chia bình quân cho các tác giả - tác phẩm, mà căn cứ vào tính chất, đặc thù, điều kiện thực hiện từng đề tài, từng tác phẩm để quyết định mức đầu tư cho hợp lí. Trên thực tế, chi phí để thực hiện một tác phẩm báo chí ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… thường tốn kém hơn so với thực hiện một tác phẩm tương tự ở đồng bằng, thành phố (chưa kể là vất vả hơn, có khi là rủi ro hoặc nguy hiểm hơn). Càng không thể chia đều kinh phí này cho tất cả các hội viên.

Các quy định của Bộ Tài chính và của Hội Nhà báo Việt Nam đều nêu rõ: Cơ chế hỗ trợ kinh phí là đặt hàng tác phẩm hoặc hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả có TPCLC… đặc biệt chú trọng đến việc trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm báo hiện đại và bồi dưỡng tài năng trẻ trong hoạt động nghiệp vụ báo chí; hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, phổ biến, công bố tác phẩm... Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp hội chưa thực sự quan tâm thực hiện đúng yêu cầu là đặt hàng và có nghiệm thu sản phẩm, thậm chí chỉ thu gom bài vào cuối năm một cách thụ động.

Góc nhìn nghiệp vụ

Về nội dung, nhiều cấp hội lựa chọn đầu tư được những tác phẩm tốt có nội dung phong phú, đề cập sâu những vấn đề nóng hổi tính thời sự của ngành, của địa phương, dưới góc nhìn chuyên sâu. 

Chi hội Báo Nông thôn Ngày nay từng có nhiều loạt bài đề cập trúng, thẳng thắn, trực tiếp và cái nhìn sâu về những vấn đề đang đặt ra đối với nông thôn, nông nghiệp, nông dân Việt Nam như: “Băm nát” kiến trúc làng (loạt bài 6 kì điều tra sâu về việc lộn xộn, tự phát do thiếu quy hoạch xây dựng nông thôn); Chi hội Báo Tuổi trẻ TP HCM với loạt 3 bài: Đường đi của cát Việt ra nước ngoài... Liên Chi hội Báo Nhân dân có những loạt bài được đầu tư công phu: Cuộc đại phẫu những “khối u” nghìn tỉ; Làm giàu trên “lưng” người trồng lúa; Chi hội Báo Tiền phong với loạt bài 5 kỳ: Đặc khu kinh tế; Chi hội Báo Đầu tư với loạt 4 bài: Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt… Đây đều là những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước. 

Nhiều hội nhà báo địa phương có sự đầu tư đúng mức về chuyên môn. Tác phẩm của báo chí địa phương có nội dung sinh động, phong phú tư liệu sống, đề cập trúng và sâu sát những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, với cách nhìn khách quan, có trách nhiệm của người tại chỗ; thể hiện sự thâm nhập sâu và có đầu tư công sức, trí tuệ của người viết, của ban biên tập. 

Về nghiệp vụ thể hiện, hầu hết đáp ứng yêu cầu về thể loại theo đúng loại hình báo chí mà tác phẩm được công bố. Các tác phẩm của nhiều báo, tạp chí (Báo Nông thôn Ngày nay, Báo Nhân dân, Báo Tiền phong, Báo Đầu tư, Tạp chí Cộng sản...) thể hiện được phong cách của từng tờ báo, tạp chí, có sự điều tra, nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đầy đủ chứng cứ, có chính kiến khoa học, đúng thể loại. 

Chẳng hạn, tác phẩm chuyên luận thể hiện đầy đủ luận điểm, luận cứ, luận chứng và các trích dẫn khoa học rõ ràng, chính xác, có căn cứ; nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Còn tính nghiệp vụ của thể loại điều tra lại được thể hiện rõ ở chỗ: Đầu tư công phu cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, điều tra xác minh tài liệu, nhân vật, lập luận chặt chẽ, đi tìm nguyên nhân và câu trả lời “tại sao” cả trong và ngoài sự kiện; có sự tập trung lực lượng, có chủ trương, có thu thập phản hồi ý kiến của đối tượng được điều tra, của cơ quan chức năng, của người dân… Đọc tác phẩm thấy rõ lao động nhà báo, sự dấn thân của phóng viên ở những nơi gian khó nhất, cần sự có mặt của nhà báo đúng như chức năng của tờ báo. Nhiều báo đã đầu tư cho những loạt bài dài hơi theo đuổi một vấn đề.

Đối với các báo địa phương, ưu thế là mảng bài phản ánh, phóng sự - điều tra, do có lợi thế của phóng viên địa phương là sát cơ sở, hiểu và gắn bó với địa phương. Nhiều phóng sự, bút ký giàu tư liệu sinh động, công phu, có giá trị phát hiện. Có những bài báo hay từ rút tít: “Phát triển Đảng ở nông thôn: Loay hoay tìm nguồn” (Báo Hải Phòng), “Làng nghề lao đao trong bế tắc” (TTXVN tại Hưng Yên), “Bản không thuốc lá, rượu, bia” (Báo Quảng Trị)… Thông qua TPCLC, một số báo địa phương “trình làng” một  lực lượng phóng viên viết điều tra, phóng sự, bút ký, ghi chép có kinh nghiệm, trách nhiệm và có chất lượng,…

Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế trong sáng tạo TPCLC.

Về nội dung, tính chiến đấu thể hiện trong phát hiện và đeo bám vấn đề để chống tiêu cực, trong các tác phẩm của một số địa phương chưa cao. Ít vụ việc lớn được tập trung phản ánh nhiều kì, đeo bám vấn đề đến cùng như nhiều báo Trung ương. Dù biết rằng, báo chí địa phương có những khó khăn, tế nhị, nhạy cảm khi chống tiêu cực, nhưng thiếu tính chiến đấu, tính phản biện, là điều đáng tiếc đối với báo chí ngày nay.

Hạn chế lớn nhất là lỗi về thể loại, lỗi văn bản. 

Tác phẩm được ghi là điều tra, nhưng bài viết chỉ là bản liệt kê đơn giản các số liệu, sự việc, thiếu phân tích làm rõ đúng - sai trên cơ sở căn cứ pháp lý, thiếu chính kiến của người viết, không trả lời được câu hỏi cơ bản của bài điều tra là: Tại sao? Ai là người chịu trách nhiệm về sự việc đó? 

Nhiều tác phẩm phỏng vấn được thực hiện quá dễ dãi, đơn giản, người được phỏng vấn chỉ trả lời như trích đọc từ bản báo cáo hoặc chỉ đơn giản là câu hỏi “xin cho biết” và “xin cảm ơn” (lỗi này rất phổ biến). Đây là vấn đề nghiệp vụ đáng được lưu ý trong hội viên nhà báo và các cơ quan báo chí hiện nay. Sự dễ dãi, đơn giản (do quan niệm không đúng về thể loại hoặc do lười biếng) đã góp phần làm cho thể loại phỏng vấn trên báo in ít được công chúng bạn đọc quan tâm.

Nhiều bài chuyên luận, xã luận… viết như khẩu hiệu, như ghép các đoạn trích nghị quyết, không có phát hiện, không có tưu duy mới, tư tưởng mới, chỉ lấy lại tài liệu cũ trong sách hoặc trên báo chí, ghép lại một cách khô khan, khiên cưỡng, giáo điều.

Lỗi hoặc non yếu về biên tập câu, chữ, rút tít bài báo, cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Phổ biến là tình trạng tít bài chung chung, không có thông tin, lắp vào đâu cũng được, vào bài nào, năm nào cũng được, thiếu sáng tạo, thiếu phong cách nhà báo (về vấn đề này, nếu có điều kiện chúng tôi sẽ trở lại kĩ hơn trong một bài viết khác).

Những thiếu hụt về nghiệp vụ báo chí nên được các cấp hội nhà báo lưu tâm nhiều hơn, bằng cách mở các lớp ngắn hạn, bồi dưỡng các kĩ năng làm báo cho hội viên, theo từng nhóm vấn đề nghiệp vụ cụ thể. Chẳng hạn: Kĩ năng khai thác và xử lý thông tin, kĩ năng phỏng vấn, kĩ năng viết điều tra, kĩ năng biên tập, rút tít bài báo… Thiếu kĩ năng sẽ khó sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, dù có đề tài hay, đề tài mới.

TS Trần Bá Dung
Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm