Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Giữ vững thế trận, không để COVID-19 lây trong cộng đồng để phát triển kinh tế”

Hương Giang

Thứ hai, 04/01/2021 - 21:41

(Thanh tra) - Chính phủ xác định phương châm hành động trong năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.

Toàn cảnh buổi họp thông tin về Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

Sáng ngày 4/1, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Phương châm 12 chữ trong phát triển kinh tế- xã hội

Năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. “Đây là chủ đề rất quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin.

Theo Bộ trưởng, để vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế thì sự đoàn kết cực kỳ quan trọng.

“Kết quả phát triển kinh tế - xã hội vừa qua là công sức chung của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Chúng ta chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được mà phải cố gắng hơn rất nhiều. Đặc biệt là năm này khi chưa lường trước được các khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, có lẽ các doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng rất nặng nề”, ông Dũng nói và nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.

Bộ trưởng cũng cho hay, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thể chế, rà soát cắt bỏ những rào cản gây khó khăn, mất thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cạnh đó, là tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm vì cứ 1% vốn đầu tư công giải ngân giúp tăng trưởng 0,06% GDP…

“Phương châm của Chính phủ vẫn nhấn mạnh làm sao phát huy sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy niềm tin, khát vọng chính đáng vươn lên xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc

Trả lời báo chí về công cụ đánh giá việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Chủ nhiệm VPCP nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ: Cải cách, cải cách và cải cách. Thể chế, thể chế và thể chế.

Theo ông Dũng, công cụ đánh giá này “không theo dõi bằng sổ sách” mà được xây dựng dựa trên nền tảng rất thông minh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB).

“Trước khi đưa lên dịch vụ công trực tuyến, VPCP cùng các bộ, cơ quan phải rà soát, cấu trúc lại toàn bộ quy trình, làm sao cắt giảm, đơn giản hóa nhất, không còn những thủ tục, giấy phép con gì trong thủ tục nữa”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

“Chỉ số cải cách này hiện đồng bộ tự động hết, chứ không có con người tác động vào. Chỉ số này rất thông minh, minh bạch”, Chủ nhiệm VPCP nói thêm.

Sẽ nghiên cứu, tính toán “gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai”

Theo 2 nghị quyết này, năm 2021, Chính phủ tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Vậy có hay không “gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai”? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho hay, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

“Tình hình COVID-19 rất phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta và còn kéo dài thêm một số năm sau đó”, ông Phương nói và cho rằng, phải theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, từ đó mới đề ra được giải pháp hỗ trợ kinh tế phù hợp.

“Thời điểm nào có gói hỗ trợ kinh tế thứ hai, áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào, tại thời điểm này chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết được. Đến thời điểm chín muồi, chúng tôi hoàn tất nghiên cứu sẽ thông tin đến báo chí”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: Nhật Bắc

Còn lộ trình mở cửa lại nền kinh tế cho các giao thương với thế giới, theo ông Phương cũng “chưa thể nói chính xác ngày nào, giờ nào cho phép” vì phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19.

Thứ trưởng Phương giải thích, dịch COVID-19 còn rất phức tạp, thậm chí xuất hiện chủng mới như ngành Y tế đã thông tin. Thêm nữa, vaccine phòng COVID-19 chỉ mới có thông tin ban đầu và chưa khẳng định tiêm vaccin là bảo đảm an toàn. Đặc biệt là có sự khác biệt về phạm vi, quy mô tiêm vaccine ở các nước.

“Hiện chưa có đủ thông tin để khẳng định có thể mở cửa giao thương lại vận tải hành khách với thế giới”, ông Phương nói và nhắc lại, năm 2020, chúng ta mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, nhưng do tình hình dịch COVID -19 phức tạp vào thời điểm cuối năm nên Thủ tướng quyết định tạm dừng để theo dõi tiếp.

Bộ KH&ĐT đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa lại nền kinh tế cho các giao thương với thế giới phải có những bước đi, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán 2021.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, hiện chúng ta vẫn cho phép mở các chuyến bay để đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao, các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư kinh doanh, vận hành quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng kiểm soát chặt như test PCR âm tính, cách ly… để phòng, chống dịch.

“Chúng ta đảm bảo giữ vững thế trận, không để COVID-19 lây trong cộng đồng để phát triển kinh tế”, Chủ nhiệm VPCP nêu rõ.

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%).

2. GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD

3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%

4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng: Khoảng 45-47%

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Khoảng 4,8%

6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Khoảng 66% (trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%)

7. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: Khoảng 91%

8. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 1 - 1,5 điểm %

9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: Trên 90%

10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Trên 87%

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: Khoảng 91%

12. Tỷ lệ che phủ rừng : Khoảng 42%.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024
Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

(Thanh tra) - Hưởng ứng lời kêu gọi “Mỗi cơ quan, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và với tinh thần tương thân tương ái, Điện lực Bát Xát (thuộc Công ty Điện lực Lào Cai) đã có một nghĩa cử cao đẹp khi nhận nuôi và hỗ trợ em Lý Thanh Chiêu (sinh năm 2015), một trẻ mồ côi cha do hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua.

Theo EVNNPC

21:11 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm