Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ ba, 01/02/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Người xưa có câu: “Muốn ăn cơm trắng cá trôi/Thì về Đại Bái đánh nồi với anh”. Câu ca như nhắc nhớ sự no ấm, sung túc mà nghề đúc đồng đem lại. Ngày nay, làng nghề có tuổi đời nghìn năm ở Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh) càng phát triển mạnh mẽ, đi khắp 3 miền đất nước và được nhiều nơi trên thế giới biết đến...
Vừa say mê làm, nghệ nhân Nguyễn Văn Lục vừa chỉ bảo tận tình cho các thợ trẻ bí quyết của mình. Đó cũng chính là cách để ông “giữ lửa” cho nghề truyền thống của cha ông. Ảnh: HH
Những “bàn tay vàng”
Về làng Đại Bái vào những ngày cuối năm, khi ánh nắng hanh hao nhuộm vàng trên đường làng, tôi dừng chân tại trụ sở UBND xã để hỏi thăm nghệ nhân của làng Đại Bái. Cán bộ văn hóa xã nhiệt tình dẫn tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, ở xóm Sôn - người đã từng được vinh danh “bàn tay vàng” đầu tiên trong làng...
Đặt chân tới xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, tiếng gò dát đồng ngân vang. Những người thợ trẻ đang cắm cúi với những chiếc búa nhỏ trên tay. Người nào cũng chăm chút tỉ mỉ cho sản phẩm của mình. Ông Lục bảo: “Đó là lớp thợ trẻ do tôi đào tạo và giao việc luôn cho họ”.
Khoan thai rít điếu thuốc lào thật sâu rồi nhả khói nghi ngút, nghệ nhân kể: Cả nước có nhiều làng sản xuất đồ đồng, nhưng sớm nhất phải kể đến làng Đại Bái, cổ xưa làng có tên Văn Lãng hay còn gọi là làng Bưởi.
Hiện ở làng có nhà thờ tổ nghề là cụ Nguyễn Công Truyền. Sinh ra và lớn lên do học giỏi thành tài, cụ được làm quan lớn trong triều Lý. Khi có dịp đi xứ sang Tàu, cụ đã học được nghề đúc rèn cơ khí, làm đồ nông cụ và gia dụng. Từ quan năm 1018, cụ về làng tổ chức và hướng dẫn dân làng làm nghề lò rèn, chế tác nông cụ cơ khí.
Nhờ những công cụ nông nghiệp được cải tiến, nên người nông dân sản xuất ngày càng nhiều lúa gạo. Cũng từ đây, những chiếc nồi đồng đầu tiên đã xuất hiện, kèm theo còn là chậu, mâm, khay đĩa, cơi trầu, ống nhổ trầu bằng đồng cũng ra đời. Đó là khởi điểm của làng nghề làm đồ đồng gia dụng của Đại Bái. Tính ra cũng đã hơn 1.000 năm.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng nghề gò dát, chế tác đồ đồng vẫn được gìn giữ và phát triển. Ngày nay, Đại Bái được biết đến như một làng nghề truyền thống phát triển nhất nhì xứ Bắc, nhiều người theo và sống được với nghề. Cùng với thời gian, nhiều mặt hàng mới ào ạt "ra lò". Nào đồ thờ, tượng Phật, lư hương, bình lọ; rồi chiêng, chuông, tranh và cả chữ nữa. Đặc biệt, những đồ mỹ nghệ đồng khảm tam khí, ngũ khí trở thành “đặc sản” của nơi đây.
Minh chứng cho sự tươi mới của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Lục chỉ cho tôi xem đôi chóe đồng khảm 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Xung quanh thân bình được khắc bức tứ bình, bốn mùa ý nghĩa dân gian, cùng những chữ Hán, Nôm thư pháp. Trước mắt tôi, những người thợ đang tỉa tót, nắn vuốt những sợi vàng đưa vào nét khảm.
Gần 50 năm trong nghề, theo ông Lục, để đục chạm vào chất liệu đồng đòi hỏi sự khéo léo về hình họa, đường nét mềm mại và uyển chuyển theo khối tròn. Sau đó còn là việc khảm những lá vàng, sợi bạc vào những rãnh đục tạo hình trên bình rất kỳ công. Đây là công việc “tô đắp” lại những đường và hình bằng 5 thứ kim loại màu quý là vàng, bạc, đồng đen, đồng xanh, trên nền đồng đỏ.
Một tác phẩm bằng đồng, với một người thợ bình thường chế tác, xem qua sẽ không khác mấy so với nghệ nhân giỏi. Tuy nhiên, người tinh tường sẽ thấy ngay. Thợ thường làm ra các nét thô vụng, vô hồn. Nghệ nhân giỏi thì ngược lại, tay nghề cao khiến tính mềm mại đi vào chất đồng, họ “thổi” được “hồn” vào sản phẩm.
Theo ông Lục, để hoàn thành một sản phẩm mất rất nhiều thời gian, nếu có độ tinh xảo cao phải mất 10 -12 tháng, còn sản phẩm bình thường cũng phải 1 - 2 tháng. Vì vậy, sản phẩm có giá khá cao, từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Vừa say mê làm, nghệ nhân Nguyễn Văn Lục vừa chỉ bảo tận tình cho các thợ trẻ bí quyết của mình.
Gia đình nghệ nhân có truyền thống 20 đời làm nghề đúc đồng. Năm nay đã ngoài 60, nhưng ông vẫn hàng ngày dạy nghề cho lớp trẻ. Dịch Covid-19 ập tới, sản lượng sản xuất ra chỉ đạt 85% so với năm ngoái, giao thương đi lại khó khăn, khiến nhiều người thợ trẻ gắn bó với ông phải nghỉ việc.
"20 năm thợ thuyền gắn bó với nhau, nhưng Covid đã khiến cơ sở sản xuất của gia đình gặp khó khăn, một số người thợ phải nghỉ, tìm việc khác mưu sinh. Buồn lắm, nhưng không còn cách nào khác" - giọng ông Lục trầm buồn rồi lại phấn chấn trở lại: "Gần nửa thế kỷ gắn bó, không thể thấy khó khăn là chùn bước". Nói rồi nghệ nhân bước ra sân nhà - với đôi bàn tay tài hoa, ông tận tình chỉ dạy "truyền lửa" cho từng người thợ "thổi hồn" vào sản phẩm.
Với sự chỉ dạy tận tình, tâm huyết của ông đã không ít người thợ trở thành những “bàn tay vàng”, có kỹ thuật quan trọng trong nghề, từ đó gây dựng thương hiệu riêng. Vậy là, nghiệp làng theo thời gian vẫn được “cha truyền, con nối”. Đó cũng chính là cách để ông “giữ lửa” cho nghề truyền thống của cha ông.
Vươn ra thế giới
Dời nhà ông Lục, chúng tôi đến xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Đông. Là người con sinh ra và lớn lên ở làng nghề Đại Bái, với mong muốn đưa sản phẩm của làng nghề đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước, anh đã mạnh dạn đưa các sản phẩm tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Nói về nghề, anh Đông chia sẻ: Khi mới 12 tuổi, tôi đã được bố mẹ dạy đúc đồng. Trước đây, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, các công đoạn đều làm thủ công, chủ yếu là sản phẩm gồm đồ gia dụng, phục vụ đời sống sinh hoạt như xoong, nồi, chậu, ấm, chén…
Cùng với sự phát triển của xã hội, những người thợ trong làng đã ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại để làm mới các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Song song với sản xuất đồ gia dụng, người dân Đại Bái còn cho “ra lò” thêm các mặt hàng đồng mỹ nghệ có khảm các loại kim khí.
Bắt nhịp với xu thế thị trường, năm 2013, anh Đông thành lập Cơ sở Đồng Đông Huyền. Cơ sở của gia đình anh vừa là nơi sản xuất vừa là nơi trưng bày và bán sản phẩm. Với mẫu mã phong phú, đa dạng, cơ sở của gia đình anh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với làng nghề.
Nhờ đa dạng mẫu mã, thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay, mỗi năm cơ sở sản xuất của anh Đông đưa ra thị trường hàng nghìn sản phẩm các loại. Đặc biệt, 2 sản phẩm bộ đồ thờ đồng ngũ sự và mặt trống đồng đã làm nên thương hiệu của gia đình, được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2021.
Chia sẻ về "đứa con tinh thần của mình", anh Đông cho biết, một bộ đồ thờ ngũ sự gồm đỉnh đồng, đôi hạc và hai chân nến. Bên cạnh làm theo các bước cổ truyền thì nét độc đáo nhất của bộ đồ thờ ngũ sự là không dừng lại ở việc trau chuốt, trơn nhẵn sản phẩm, mà còn được khảm các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo bằng những miếng kim loại từ vàng, bạc, đồng đỏ, đồng xanh, đồng đen lên bề mặt cho thêm phần sinh động, đẹp mắt và mang tính trang nghiêm.
Cùng với bộ đồ thờ đồng ngũ sự, cơ sở anh Đông còn nổi tiếng với sản phẩm mặt trống đồng. Các chi tiết trên mặt trống được chạm vô cùng tỉ mỉ và sắc nét. Để hoàn thiện sản phẩm, người thợ phải khéo léo trong từng chi tiết, sao cho không để lại vết trên bề mặt, bởi chỉ một lỗi nhỏ sẽ làm hỏng cả sản phẩm…
Bên cạnh duy trì nghề truyền thống của cha ông và sống được với nghề, cơ sở của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng.
Nói về dự định sắp tới của mình, anh Đông chia sẻ, mong muốn có thể từng bước đưa sản phẩm đồng Đại Bái ra thị trường thế giới.
“Ngoài sản phẩm cỡ nhỏ và trung bình, thì người thợ đúc đồng Việt Nam hoàn toàn đủ kỹ năng để thực hiện các tác phẩm lớn tầm cỡ thế giới. Nếu biết chớp thời cơ thì có thể để quảng bá với thế giới về tay nghề đúc đồng của nghệ nhân Việt Nam… Những đất nước có nhiều công trình tôn giáo chính là “cánh cửa” dành cho các nghệ nhân cao tay của làng đúc đồng Đại Bái” - anh Đông chia sẻ.
Dời làng Đại Bái khi chiều đã tắt nắng, nhưng hai bên đường vẫn ánh lên sắc vàng của đồ đồng mỹ nghệ được bà con bày bán san sát. Tiếng gò dát đồng ngân vang, hòa thành một bản nhạc vui tai, bất chợt trong tôi ngân lên câu ca: “Mồng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu. Mùng mười hội Bưởi không đâu vui bằng”... Với những gì “mắt thấy, tai nghe” ở làng nghề Đại Bái, tôi tin mong ước của anh Đông và những nghệ nhân làng nghề Đại Bái sẽ thành hiện thực trong thời gian không xa…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh