Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gặp những chiến sỹ tiêu binh đầu tiên bên Lăng Bác

Thứ tư, 20/05/2015 - 06:47

(Thanh tra)- Những chiến sỹ tiêu binh đầu tiên năm ấy, bây giờ đã ở cái tuổi ngoài lục tuần. Nhưng khi nhắc lại những ngày đầu ở "đơn vị đặc biệt" và giây phút thiêng liêng đứng canh giấc ngủ cho Bác thì họ vẫn nhớ như in từng kỷ niệm.

Ông Hà Vĩ Bắc cùng vợ xem lại những bức ảnh của ông và đồng đội C.100. Ảnh: Hồng Bài

Từ "đơn vị đặc biệt"...

Đơn vị đặc biệt - C.100 được thành lập tháng 12/1974, gồm 100 chiến sỹ, được tuyển chọn từ Đoàn 144 - Bộ Tổng Tham mưu. 100 chiến sỹ này phần lớn ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Thái, đều là chiến sỹ mới, nhập ngũ năm 1972 và 1974. Họ được tuyển chọn đảm bảo đạt 3 tiêu chuẩn cơ bản, đó là: Phẩm chất tốt; sức khỏe tốt; hình thể đẹp.

Ông Hà Vĩ Bắc, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nguyên là chiến sỹ tiêu binh danh dự (cửa Lăng), năm nay đã 62 tuổi, kể lại: Cuối tháng 12/1974, đơn vị hành quân từ Hà Nội lên tập kết, đóng quân huấn luyện tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Trong thời gian huấn luyện, do điều kiện khó khăn về thực phẩm nên đơn vị vừa huấn luyện vừa tăng gia, trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Bước vào giai đoạn huấn luyện Điều lệnh Đội ngũ, bài một: Vác súng đi đều, đi nghiêm thì anh em thấy "nhẹ tênh". Bước vào tập bài 2: Cầm súng đứng nghiêm là gian khổ, khó khăn nhất. Thời điểm đó đúng vào mùa hè. Nắng, nóng vùng đất trung du thì khỏi phải nói. Cả đơn vị đứng nghiêm giữa sân vận động xã Cổ Tiết. Sáng từ 7 giờ đến 11 giờ. Chiều từ 1 giờ 30 đến 5 giờ. Ngày đầu, thời gian một ca đứng nghiêm là 40 phút. Sau đó tăng dần lên 60 phút, 90 phút, 120 phút, 240 phút và cao nhất là 300 phút. Ông Bắc vỗ ngực, nói: “Lúc đó tôi khỏe lắm, cao 1,78m, nặng 72 kg, vậy mà khi tăng giờ lên 240 phút, 300 phút, bị "đổ" 4 lần, 6 lần rơi súng”.

Ông Nguyễn Xuân Thu, xã Hợp Châu, Kim Bôi, Hòa Bình, Đội Tiêu binh thi hài, năm nay 63 tuổi kể lại: Nắng như đổ lửa, nền sân gạch thì như lòng chảo, chân đi dày cosơgin, vừa cứng, vừa nặng, đi vừa chân còn đỡ, lỏng, chật thì sau buổi tập, chân rộp da, bỏng rát. Tất cả phải chấp hành nghiêm điều lệnh khi đứng nghiêm, bồng súng: Không cựa quậy; ngứa không gãi; mắt nhìn thẳng; tay súng nghiêm; quân dung tươi tỉnh. Khi ca đứng tăng lên 240 phút, 300 phút, nhiều người bị "đổ", nhất là lúc gần trưa, mặt trời đứng bóng, một lúc lại nghe tiếng súng rơi, người đổ. Chỉ một lúc sau, được cấp cứu, hồi sức, hàng ngũ lại chỉnh tề, không ai bỏ tập.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Đội Tiêu binh thi hài, nhập ngũ tháng 8/1974, người dân tộc Mường, quê xã Cự Thắng, Thanh Sơn, Phú Thọ, cho biết: Hết chương trình huấn luyện tổng hợp, đơn vị chuyển sang huấn luyện cơ bản, tập theo mô hình. Mô hình xây trên một quả đồi, sau này mới biết đấy là mô hình Lăng Bác. Lúc đó thì không biết.

Ông được chọn vào Đội 1 (Đội Tiêu binh thi hài), một số vào Đội 2 (Đội Tiêu binh cửa Lăng). Nghi thức tập khắt khe và nghiêm túc hơn. Chỉ huy đội kiểm tra từng động tác, tư thế đứng: Chân chữ V, mắt không chớp, đầu ngay, cổ thẳng, miệng ngậm, cằm thu, ngực nở, bụng thóp, quân dung tươi tỉnh.

Kỷ niệm sâu sắc nhất là buổi tập sáng 30/4/1975, lúc đó hơn 11 giờ, đơn vị đang duyệt đội ngũ cầm súng đứng nghiêm thì nghe tin Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cả hàng quân tung súng reo hò, nắm tay nhau cùng múa, hát vang bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".

Những ngày sau đó, khí thế huấn luyện sôi nổi hẳn lên. Sáng ngày 20/8/1975, "đơn vị đặc biệt - C.100" được lệnh hành quân về Hà Nội.

… Đến giờ phút thiêng liêng bên Bác

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa với giọng cảm động, tự hào kể lại: Về đơn vị Đoàn 275 - Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được biên chế vào Đội Tiêu binh danh dự. Từ tập trên mô hình, nay anh em trong đội được tập trên thực tế theo đúng vị trí trong phòng thi hài Bác, bước đầu còn lúng túng, phần vì lo lắng, căng thẳng, phần vì hồi hộp trước giây phút thiêng liêng được nhìn thấy Bác, được đứng canh giấc ngủ cho Bác.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, người tiêu binh đầu tiên bên thi hài Bác. Ảnh: Hồng Bài

Khoảng 8 giờ tối ngày 28/8/1975, anh em trong Đội đang sinh hoạt, nghe quán triệt nhiệm vụ phục vụ Lễ Khánh thành Lăng Bác và mở cửa Lăng vào sáng hôm sau 29/8, thì anh Thông, Trung đội Trưởng đi họp về, thông báo 4 người là: Tôi (Nguyễn Trọng Nghĩa), Nguyễn Phúc Trị, Hà Văn Tặng và Bùi Thanh Vững sẽ nhận nhiệm vụ là ca tiêu binh thi hài đầu tiên trong Lễ mở cửa Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đầu tiên. Cả 4 anh em ôm nhau sung sướng. Suốt đêm hôm đó không ai chợp mắt được. Rất tự hào. Và, cũng rất lo lắng.

Sáng hôm sau, ngày 29/8/1975, đúng giờ quy định, tổ tiêu binh nghiêm trang bước vào vị trí. “Khi đến bậc thang dẫn xuống phòng thi hài, cả 4 anh em đánh mắt nhìn nhau, sững lại. Trước mắt tôi, Bác Hồ kính yêu nằm thanh thản như đang ngủ. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều nhẹ bước, thật nhẹ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của Bác. Vừa trấn tĩnh lại cảm xúc của mình thì đoàn người bắt đầu vào viếng Bác. Tôi không thể quên được tâm trạng của mình lúc đó" - ông Nghĩa cảm động, rồi kể tiếp: “Dòng người chầm chậm đi quanh thi hài Bác. Có tiếng nấc nhẹ, nghẹn ngào, tiếng thút thít khóc, rồi tiếng khóc nức nở, tiếng gọi đứt quãng, nghẹn ngào: "Bác ơi. Chúng con về thăm Bác đây. Bác ơi. Bác ngủ đi…”. Tôi đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng, không chớp, nhưng không kìm lòng được, hai dòng nước mắt chảy dài trên má, nhỏ từng giọt vào ve áo. Suốt cuộc đời của mình, không bao giờ tôi quên được giây phút thiêng liêng, hạnh phúc, tự hào ấy”.

Ông Nông Văn Thành, dân tộc Tày, quê Thái Nguyên, người cùng "cặp" với Nguyễn Văn Ri, ca tiêu binh đầu tiên trước cửa Lăng lại có cảm xúc riêng. Ông kể: Cả đêm ngày 28, bọn tôi cứ đi ra đi vào trước cửa đơn vị, nhìn về phía cửa Lăng, trong đầu xốn xang, tự hỏi, mình đứng như thế nào cho nghiêm, cho đẹp. Hôm sau, hồi hộp nhất là lúc Đoàn Đại biểu Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đi từ Hội trường Ba Đình vào Lăng. Tôi cảm thấy như tất cả đều nhìn mình. Tự hào lắm, vinh dự lắm. Đây chính là động lực, nguồn sức mạnh lớn để tôi vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sỹ tiêu binh bên Lăng Bác.

Ông Hà Vĩ Bắc là một trong những tiêu binh trước cửa Lăng Bác sáng 29/8/1975, kể lại: Những ngày đầu đứng trước cửa Lăng rất căng thẳng. Bản thân phải luôn giữ nghiêm điều lệnh, trong khi đó, tác động của ngoại cảnh rất lớn, như: Mùa hè mặt trời chiếu thẳng vào mặt, nắng, nóng. Đêm thì muỗi đốt. Muỗi chui vào ống quần, chui vào tay áo đốt khắp người. Muỗi đốt cả trên mặt, trán. Chúng đốt no rơi xuống ngay dưới chân, cả vốc.

Đêm trực ca, ngày luyện tập, ngày nắng cũng như ngày mưa, những chàng trai C.100 ngày nào lăn lộn trên thao trường vùng đất trung du nắng lửa, nay đã là những chiến sỹ tiêu binh. Vinh dự, tự hào hơn, họ lại là những tiêu binh đầu tiên canh giữ giấc ngủ cho Bác Hồ kính yêu.

40 năm qua đã đi, nay tìm gặp lại lớp tiêu binh đầu tiên bên Lăng Bác thật khó. Ông Nghĩa tâm sự: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, phần lớn anh em phục viên trở về quê hương, một số ít chuyển ngành, nay cũng đã nghỉ chế độ, tuổi cao, sức yếu. Một số người không còn nữa. Ngay như bản thân ông cũng không biết "C.100 - đơn vị đặc biệt" năm nào ở xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, Phú Thọ, quân số còn bao nhiêu. Dù rằng họ ở cương vị nào trong xã hội, nhưng tất cả đều vinh dự, tự hào là người chiến sỹ tiêu binh đầu tiên bên Lăng Bác.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm