Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi thay ở một miền huyền thoại

Đức Tuyền

Thứ ba, 09/11/2021 - 18:06

(Thanh tra) - Hành trình lần đầu lên miền đất Pha Luông (Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La) của tôi vẫn là những ám ảnh của “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” và “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” như trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ tài hoa Quang Dũng. Nhưng giờ đây, dưới chân núi cao tới gần 2.000m so với mực nước biển này, cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi.

Bản mới Pha Luông. Ảnh: Đức Tuyền

Vào vùng “cồn mây”

Năm 1948, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã được ra đời. Ngay sau những địa danh như Sài Khao, Mường Lát thì Pha Luông đã được nhà thơ nhắc tới. Hơn 70 năm sau, tôi quyết định “dấn thân” vào với Pha Luông từ những câu chuyện đã nghe kể, nghe giới thiệu từ lãnh đạo huyện.

Hấp dẫn và lạ lẫm giữa trước và sau; giữa một Pha Luông của thơ và một Pha Luông của đời thường ở cái bản giáp biên giới Việt - Lào, sau khoảng hơn 3 tiếng khéo léo điều khiển “con ngựa biết ăn xăng” (xe máy), tôi đã tới Pha Luông.

Trời chiều, mây từ bên kia biên giới, tràn qua Pha Luông, bung tỏa, lấn lướt đồi cây. Rừng núi Pha Luông cùng ánh chiều đang bừng thêm sức sống sau một ngày mặt trời miệt mài “rót” nắng xuống miền đất phên giậu này.

Trong 23 bản và tiểu khu hiện có, Pha Luông hiện đã ấm áp những mái nhà cùng sự thuần lành, kín đáo của người dân. Nhà Trưởng bản Pha Luông Sồng A Tủa là một trong những ngôi nhà vững chãi của bản. Bên bếp củi hực lửa, ông Tủa cho biết: Cách đây khoảng 30 năm, Pha Luông ít dân và khốn khó lắm, trước nữa thì không thể tả được. Nhưng nay, do có nhiều chính sách đầu tư, nên bản ngày thu hút và “ấm” dần lên.

Ngược về quá khứ, trước, đất Pha Luông cũng như 23 tiểu khu và bản hiện có của Chiềng Sơn chủ yếu là Thái, Mường, Khơ Mú và Mông định cư. Những năm kháng Pháp, lại thêm loạn phỉ biên giới, Pha Luông cũng chả có người. Sau hòa bình, thấy đất tốt, êm đềm nên người Mông mới tìm về đây định cư.

Mới đầu cũng ít nhà, sau đông lên, đến khoảng năm 1986, Pha Luông có 40 hộ và chính thức được công nhận thành bản. Ngày ấy, đường khó khăn, để Pha Luông vươn lên, dưới sự vận động, mỗi nhà ở đây đã tự nguyện đóng góp 10 triệu đồng để chi phí và góp công mở đường vào bản. Có gần 10km, cứ nhích đá, nhích đất từng ngày, sau nhiều năm, con đường đã hoàn thành.

Ngô - thế mạnh về kinh tế của người dân Chiềng Sơn. Ảnh: Đức Tuyền

Có đường, mọi thứ giao lưu hanh thông, tiếng lành đồn xa, người ta rủ nhau về thêm. Từ một bản có 40 hộ, nay số nhà của Pha Luông đã tăng lên với gần 100 hộ dân. Nhờ đường, xe tải hạng nhẹ đã lăn bánh vào với Pha Luông. Cùng đó là các nông lâm sản, trong đó đáng chú ý nhất là ngô đã ra các trung tâm, phá thế tự cung tự cấp đến vài chục năm trên đất này.

Ngô, nông lâm sản bán được giá, từ nơi mà đói nghèo có lúc lên đến 90%, Pha Luông đã nhanh chóng giảm xuống còn hơn 10%. Cùng với việc giảm nghèo nhanh chóng này mà các em học sinh của miền “heo hút cồn mây” Pha Long đã có cơ hội để cắp sách đến trường.

Cuộc sống mới miền biên giới

Do nằm ở khu vực biên giới nên khó khăn là một thực tế hết sức khách quan của Chiềng Sơn. Địa bàn phân tán, đường sá đi lại khó khăn, xã miền biên nhưng có tới 23 bản và tiểu khu cùng nhiều dân tộc chung sống nên những gì mà ngày nay Chiềng Sơn có được là những thành tích hết sức đáng ghi nhận.

Hiện, Chiềng Sơn có tổng diện tích tự nhiên là 9.147 ha, đất nông nghiệp 7.686,26 ha, đất lâm nghiệp 4.680,03 ha. Tuy nhiên việc lựa chọn cây gì để phát triển kinh tế, đem lại thế mạnh và hướng bứt phá lại hoàn toàn khác. Sau rất nhiều lựa chọn, cây ngô và cây chè - hai thứ cây có thế mạnh, hợp thổ nhưỡng đã được lựa chọn gieo trồng đại trà tại đây.

Cuộc sống mới đã đem lại sự thay đổi cho người dân. Ảnh: Đức Tuyền

Nhờ việc chọn đúng cây thế mạnh cùng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nên từ một xã, 7 năm về trước tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều thì nay Chiềng Sinh đã sáng lên với những hộ gia đình làm kinh tế giỏi. Trong chuyến đi này, qua giới thiệu, chúng tôi đã tìm vào với “vua ngô” có tên Bông Mai. Hiện nay, do việc tận dụng quỹ đất và phát huy tối đa sức lao động, mỗi vụ “vua ngô” này đã gieo đến 1,5 tạ giống với tổng sản lượng thu hoạch 35 - 40 tấn ngô hạt, tương đương với gần 200 triệu đồng.

Ngoài ngô, hiện nay Chiềng Sơn còn là nơi có thế mạnh về trồng rừng. Với 5.000 ha rừng đặc dụng và rừng trồng, lại thêm sự khuyến khích bảo vệ và phát triển nên hằng năm đã đem lại cho người dân nơi đây những thu nhập. Trồng rừng và phát triển chăn nuôi cũng đang là được Chiềng Sơn coi đó là thế mạnh.

Tại tiểu khu 10, gia đình anh Cầm Văn Luận trước đây vốn là hộ gia đình nghèo, nhờ mạnh dạn vay vốn mà hiện nay đã là một điểm sáng về chăn nuôi và trồng trọt với 3 trâu mộng, 1 ha ngô và 100 con gia cầm. Nhờ việc kết hợp làm kinh tế này mà mỗi năm gia đình anh đã có thu đến hàng trăm triệu đồng.

Từ một bản “4 không”, sau hơn 10 năm, Pha Luông đã khởi sắc từng ngày, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/người/năm, có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngoài vợ chồng Bông Mai, Cầm Văn Luận, nếu nói về tấm gương vượt khó thì gia đình Sồng A Xê hay được nhắc đến.

Trước cũng nghèo do thiếu đất canh tác, thiếu ruộng, nhưng sau khi các phương án phát triển kinh tế được triển khai về, tham gia học hỏi nên Sồng A Xê đã tích cực khai hoang ruộng bậc thang để trồng lúa. Nhờ diện tích ruộng khai phá được mà Xê đã có lương thực đủ ăn, tích lũy và tiến đến các mô hình phát triển kinh tế khác như chăn nuôi đại gia súc. Hiện gia đình Sồng A Xê đã có và duy trì đàn trâu bò lên đến 20 con. Hàng năm, từ việc trồng trọt, chăn nuôi này đã đem đến cho gia đình anh một khoản thu nhập tương đương trên 100 triệu đồng.

Lên Chiềng Sơn thời gian này, người ta còn có những ghi nhận về phong trào xây dựng nông thôn mới ở nơi đây. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Sơn, đã huy động các nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chính trị và an ninh trật tự vững mạnh, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã đang nỗ lực phấn đấu với quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, với việc thay đổi cách làm, không thực hiện dàn trải, mà ưu tiên tập trung những tiêu chí nào có khả năng thực hiện trước thì huy động các nguồn lực, sức dân thực hiện trước, ban chỉ đạo xã làm việc với từng bản, rà soát, đánh giá từng tiêu chí cụ thể, cũng như phương án tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã chuyển biến rõ nét.

Nổi bật nhất trong số đó là các nhóm tiêu chí làm đường giao thông liên bản, giao thông nội đồng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã huy động nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp tiền, công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, 95% đường liên bản đã được bê tông hóa.

Sáng, mặt trời le lói, nhanh chóng xua đi những đụn mây vốn được coi là đặc sản của miền đất heo hút một thời Chiềng Sơn. Pha Luông lại bừng thức với một màu xanh của ngô, chè, rừng cùng những hứa hẹn với một đổi thay hơn nữa!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm