Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hồng Vân
Thứ bảy, 29/01/2022 - 22:09
(Thanh tra) - Người Phù Lá (còn gọi là Xa Phó) có gần 260 hộ gia đình với gần 940 nhân khẩu, sống xen kẽ với các tộc người Tày, Mường, Dao, Mông và người Kinh ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Những nét đẹp bản sắc, văn hóa truyền thống vẫn được các thế hệ lưu giữ, đặc biệt là tục ăn Tết "Khùi - xì- mờ" hay gọi là Tết mừng năm mới.
Múa Xình - xi - bá, nét đẹp của người Phù Lá
Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trên các sườn núi, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về trên khắp các bản làng, người Phù Lá ở bản Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên tạm gác lại mọi lo toan, nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết "Khùi - xì- mờ" - Tết mừng năm mới. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, các gia đình đã dự trữ củi, chuẩn bị gạo nếp, gà, lợn, sấy khô cá, nấu rượu và vào rừng tìm lá dong để gói bánh chưng. Vào các phiên chợ cuối năm, phụ nữ dân tộc Phù Lá nô nức đi chợ mua sắm quần áo, giày dép mới cho các thành viên trong gia đình, mua bánh mứt, kẹo, hoa quả, trầu cau, vàng hương để dâng cúng tổ tiên và mua hàng hóa, thực phẩm đủ dùng trong 3 ngày Tết.
Một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với người Phù Lá trong Tết "Khùi - xì- mờ" đó là lễ cúng chiều 30 Tết. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, việc vệ sinh nhà cửa, trang hoàng sắp đặt bàn thờ tổ tiên được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương. Trong dịp này, gia đình người Phù Lá thường mổ lợn để làm lễ cúng và phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cho gia đình trong những ngày Tết. Tùy theo điều kiện và nhu cầu của mỗi gia đình mà mổ lợn to hay lợn nhỏ khác nhau để làm lễ cúng. Người Phù Lá xã Châu Quế Thượng không gói bánh chưng vuông như người Kinh, hay bánh chưng dài như các dân tộc khác mà gói bánh chưng gù, gồm 2 loại bánh chưng đen và bánh chưng trắng. Tất cả các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Với người Phù Lá, Tết "Khùi - xì- mờ" không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết. Chính vì vậy bữa cơm chiều 30 chính là thời gian được mọi người trông đợi nhất trong năm, là bữa cơm đầu tiên mà người Phù Lá ăn trong Tết “Khui - xi - mờ” và cũng là bữa cơm đông đủ nhất đối với mỗi gia đình.
Vào thời khắc đầu tiên của năm mới sau giao thừa, tất cả các thành viên trong gia đình người Phù Lá đi ra dòng suối đầu nguồn để rửa mặt, đồng thời hứng đầy ống bương nước đem về nhà. Người Phù Lá quan niệm, đầu năm phải đi lấy nước mới tinh khiết về để trong nhà, thì cả năm mới gia đình mới có thêm sinh lực, khoẻ mạnh, sạch sẽ và thu được nhiều cái mới. Trên đường đi lấy nước về, mỗi người nhặt một viên đá cuội trắng lấy may, rồi đem về đặt vào bồ thóc hay ném vào chuồng lợn, chuồng gà, để cầu mong cả năm lợn, gà to và nặng như đá. Sau đó, gia đình tiến hành làm lễ cân nước, nếu ống bương nước mới lấy về nặng hơn ống bương nước của năm cũ thì cả năm gia đình gặp may mắn, làm ăn phát đạt.
Sáng mồng 1 Tết, gia đình người Phù Lá tiến hành làm lễ cúng tổ tiên. Vị trí cúng là chiếc cửa sổ ma. Cửa ma là nơi thờ tổ tiên của người Xá Phó được làm bằng vách liếp. Theo phong tục của người Xá Phó, cửa ma phải đặt ở gian nhà giữa, thẳng với bếp nấu ăn và nối với bếp nấu ăn bằng dát sàn liền. Nếu cửa ma đặt lệch thì người trong nhà sẽ bị hồn ma của người đã khuất làm cho ốm đau hoặc của cải trong nhà sẽ bị phát tán hết. Trong mâm lễ cúng tổ tiên đầu năm mới, ngoài các món ăn được chế biến từ gà, lợn thì không thể thiếu món cá suối lam với lá vón vén, thịt chuột rừng, thịt chim nấu với hoa chuối rừng. Đây là những món ăn mà thời xa xưa tổ tiên người Phù Lá đã dùng để nuôi sống con người, còn ngày nay người Phù Lá đưa lên mâm cỗ cúng trong ngày đầu năm mới để cầu mong chuột, chim không phá hoại mùa màng.
Sau lễ cúng tổ tiên, người Phù Lá cúng Thổ công, Thổ địa. Lễ vật gồm một con gà trống, gừng đỏ, gạo muối và nước mới lấy trong đêm Giao thừa. Địa điểm tiến hành nghi lễ là khu sàn phụ đối diện với cửa chính ra vào. Chủ nhà đọc lời cúng mời các ma ngoài nhà, ma đói, ma khát về uống rượu và cầu cho các ma trời đừng đến quấy rối mâm cúng tổ tiên của gia đình.
Người Phù Lá có ý thức cố kết cộng đồng cao và rất phóng khoáng. Trong những ngày Tết, khách đến nhà dù lạ hay thân quen, chủ nhà đều nồng nhiệt chào đón, chuẩn bị mâm cơm đầy đặn, cùng nhau chúc rượu và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới bằng những câu hát đối đã được lưu truyền của tộc người Phù Lá. Tết "Khùi - xì- mờ" cũng là dịp để người Phù Lá giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè thông qua điệu múa Xình Xi Bá (hay còn gọi là múa xòe). Mọi người vừa múa xòe quanh bếp lửa, vừa khấn cầu tổ tiên, thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu, trâu bò, lợn gà đầy chuồng.
Mùa Xuân đến, bản làng của người Phù Lá, xã Châu Quế Thượng trở nên sôi động hơn, các bà, các mẹ, các chị diện những bộ váy áo truyền thống hòa mình vào các hoạt động dân gian, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân. Sau 3 ngày Tết, Người Phù Lá ở Châu Quế Thượng tổ chức Tết trồng cây khai Xuân để lấy may. Sau đó các bà, các chị tập trung thổi sáo cúc kẹ (sáo mũi) để cầu mong thần rừng phù hộ cho cây xanh tươi tốt, mùa màng bội thu. Tiếng sáo ngày Xuân thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động, động viên mọi người cùng hướng tới cuộc sống tốt đẹp, thi đua lao động sản xuất trong khí thế của mùa Xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.
Đồng chí Đặng Văn Lả, Bí thư Đảng uỷ xã Châu Quế Thượng cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã Châu Quế Thượng được đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm khang trang. Đặc biệt năm 2021, Nhà nước đã đầu tư dự án công trình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Phù Lá trị giá trên 3,6 tỷ đồng tại thôn Nhầy, để đồng bào Phù Lá nơi đây có thêm điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền cho nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Trong không khí ngập tràn sắc Xuân, những nghi lễ cúng tổ tiên thiêng liêng, những cái nắm tay thật chặt trong điệu Xình Xi Bá rộn rã, mang đậm bản sắc văn hóa của người Phù Lá tạo nên một bức tranh đặc sắc muôn màu, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên vùng đất quế Văn Yên trong dịp Tết đến, Xuân về./.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà