Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay sau 30 năm tái lập tỉnh

Trần Kiên

Thứ ba, 23/11/2021 - 08:14

(Thanh tra) - Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tỉnh Hoà Bình đã ưu tiên bố trí mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cho các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các vùng thuộc diện khó khăn. Kết quả đạt được từ các chương trình, chính sách dành trong công tác dân tộc mang lại hiệu quả rõ rệt, có tác động sâu sắc đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đường sá được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. Ảnh: Đường nông thôn xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi. Nguồn: Internet

Ưu tiên nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng

Sau khi tái lập tỉnh Hoà Bình (1991), công tác dân tộc đã được cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm sâu sát với việc thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều chương trình chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Trung ương, của tỉnh thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số.

Theo ông Đinh Đức Hùng, nguyên Trưởng ban đầu tiên của Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình, năm 2003, khi Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình được thành lập, nhiệm vụ trọng tâm lúc đó tập trung vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, một là chương trình xoá đói giảm nghèo, hai là Chương trình 135. Trong  chương trình xoá đói giảm nghèo tập trung vào giải quyết nhà ở cho dân, giải quyết tình trạng đói triền miên và đầu tư đường sá đi đến trung tâm xã, lớp học và trạm y tế. Ở những vùng đặc biệt khó khăn, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm…

Tỉnh Hoà Bình có diện tích tự nhiên vào khoảng 4.600 km2, dân số trên 83 vạn người, có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống; trong đó hơn 74,3% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hòa Bình một trong những tỉnh có dân số là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước. Vì vậy, ngay trong những năm đầu tái lập tỉnh, công tác dân tộc đã được cấp ủy Đảng đặc biệt quan tâm. Trong quá trình xây dựng và triển khai các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công tác dân tộc luôn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng. 

Qua đó, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn song hành cùng quá trình phát triển tỉnh Hoà Bình. Nhờ Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; cùng với sự vào cuộc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Hoà Bình đã ưu tiên bố trí mọi nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Tính đến hết năm 2020, tỉnh Hoà Bình có 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; 100% xã có điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt 95,2%; 100% số xã có trường mầm non, lớp mẫu giáo, trường tiểu học và trường trung học cơ sở; 100% số xã có trạm y tế; các công trình nhà văn hoá xã, khu thể thao trung tâm xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản được đầu tư xây dựng; trên 90% hộ nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống chợ nông thôn được đầu tư xây dựng kiên cố; mạng lưới hạ tầng viễn thông được phát triển mạnh, rộng khắp.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, sau 30 năm tái lập tỉnh, công tác dân tộc đã nhận được sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm sâu sát tới việc thực hiện đồng bộ các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh đã chỉ đạo tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, củng cố các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo cho nhân dân.

Nhà văn hoá khu dân cư được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân. Ảnh minh hoạ: Công trình nhà văn hóa trung tâm xã Dân Chủ, TP Hòa Bình. Nguồn: Internet

Thực tế từ nhiều năm qua, việc triển khai các chính sách dân tộc theo phương châm hướng về cơ sở, từng hộ dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp tạo đòn bẩy để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, đời sống được cải thiện.

Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tính riêng chương trình 135, tổng kinh phí nhà nước giao và huy động các nguồn lực khác là trên 919 tỷ đồng. Trong đó, tổng nguồn dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn là trên 670 tỷ đồng.

Đối với Chương trình 30a, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hoà Bình được bố trí trên 236 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên 193 tỷ đồng.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2019 đã huy động được gần 12 nghìn tỷ đồng vốn toàn xã hội để đầu tư phát triển KT-XH các xã trên địa bàn, trong đó, vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn vẫn là dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông nông thôn, công trình điện, nước sạch, trường học…

Nhờ tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ này, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng đổi mới.

Bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình cho biết, trong việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu KT-XH cũng như là thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, ngoài huy động nguồn lực từ nhà nước là chủ yếu thì cũng phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nội lực của đồng bào dân tộc trong việc tham gia đóng góp ngày công, tham gia đóng góp sức người sức của trong việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở.

Đời sống đồng bào khởi sắc

Cùng với các chính sách của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: Đề án hỗ trợ 36 thôn bản khó khăn nhất của tỉnh, dự án phát triển KT-XH của 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu nơi đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống…

Mô hình nuôi cá lồng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: internet

Các dự án, chương trình đã bố trí vốn và triển khai nhiều hạng mục góp phần làm thay đổi đời sống bà con tại các địa phương được thụ hưởng.

Giai đoạn 2016-2020, công tác phát triển KT-XH, xoá đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hoá, phát huy được nhiều sáng kiến, đề xuất được các chính sách xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương, từ đó phát triển nhiều ngành nghề, sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao như: Nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Hoà Bình; trồng mía tím; sản phẩm cam theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Cao Phong; mô hình phát triển cây bưởi đỏ, bưởi da xanh tại huyện Tân Lạc; mô hình chăn nuôi lơn thịt ở huyện Đà Bắc…

Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 và lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình, dự án để xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo tính đến hết năm 2020 của tỉnh giảm còn 8,56%, bình quân giảm 3,16%/ năm (tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất các tỉnh miền núi phía Bắc). Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm còn 28,3%, bình quân mỗi năm giảm 3,6%.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục có nhiều tiến bộ. Đến nay, Hoà Bình có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 57 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 43,5% tổng số xã, vượt kế hoạch đề ra.

Về công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng được thực hiện có hiệu quả. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị về toàn dân tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào. Xây dựng các mô hình tự quản về an ninh, tự quản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cam Cao Phong từ lâu đã đặc sản của đất Hoà Bình, đem lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân. Ảnh: Internet

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ; số lượng và cơ cấu cán bộ luôn được tỉnh Hoà Bình quan tâm, nhất là cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình tăng lên cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, cấp tỉnh 2.485/6.936 người, chiếm tỷ lệ 35,8%; cấp huyện 9.430/17.903 người, chiếm tỷ lệ 52,7%; cấp xã 4.732/5.719 người, chiếm tỷ lệ 82,7%. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ngày càng trưởng thành, gắn bó với nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Đinh Công Sứ nhấn mạnh, thời gian tới tỉnh Hoà Bình tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân tộc nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền của các địa phương. Chú trọng tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Đề án Tổng thể phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH bền vững và đảm bảo quốc phòng an ninh./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm