Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 27/10/2022 - 18:10
(Thanh tra) - Câu chuyện công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc; tăng lương cơ sở là vấn đề được các đại biểu quan tâm nêu ý kiến, tranh luận tại phiên thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch, dự toán năm 2023 ngày 27/10.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu)
Thách thức và cơ hội để Chính phủ đánh giá lại hoạt động quản trị
Dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ từ 2020 đến tháng 6/2022 có gần 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong ngành Y tế, ngành Giáo dục, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói, “đây là vấn đề đặt ra trong hoạt động quản trị của Chính phủ”.
Theo ông Tám, nguyên nhân của hiện tượng này là tiền lương, thu nhập, môi trường làm việc. “Thực tế cho thấy, tiền lương và thu nhập khu vực công thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài và thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập, bởi ràng buộc của các quy định pháp lý thường có độ trễ so với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách”, đại biểu nói.
Tuy nhiên, đại điểu Tám cho rằng, nếu coi đây là căn nguyên duy nhất thì chưa hẳn. Bởi có nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc không chỉ vì thu nhập thấp mà còn bởi áp lực của công việc quá lớn.
“Với nhiều người trẻ, họ muốn ưu tiên phát triển bản thân hơn là một chỗ làm ổn định trong khu vực công”, đại biểu phân tích.
Ngoài ra, cả khu vực công và tư đều yêu cầu tri thức, tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo, hiệu quả. Nhưng khu vực công còn yêu cầu trách nhiệm không chỉ trong công việc mà còn với nhân dân.
“Với yêu cầu này, sự hài hòa về thu nhập và thực hiện vai trò là công bộc của dân là hết sức cần thiết”, ông Tám nhấn mạnh và cho rằng, hiện tượng chuyển dịch này “vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá lại hoạt động quản trị của mình”.
Từ phân tích, đại biểu Tám đề nghị Chính phủ nhiều vấn đề. Trong đó, theo ông, cần thực hiện cải cách mạnh mẽ lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc. Hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng, minh bạch.
Đặc biệt ông Tám đề nghị “quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc”.
Đề nghị tăng lương từ 1/1/2023 sau 3 năm “gồng mình” chống dịch
Cùng mối quan tâm, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) nêu phản ánh của cử tri, nhiều cán bộ, công chức, viên chức ngành Y nghỉ việc, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao. “Nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng”, bà nói.
Tương tự, cán bộ ngành Giáo dục cũng chịu áp lực công việc quá lớn khi do dịch phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến.
“Sự quan tâm đến hai lực lượng này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức họ bỏ ra”, bà Xương nói, hiện tiền lương thấp hơn nhiều so với chỉ số lạm phát, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất của cán bộ, công chức, viên chức.
Từ đó, bà Xương kiến nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ với bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục để đủ sức phục vụ nhân dân.
“Cử tri, cán bộ công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt”, bà Xương nói, “đại đa số ý kiến cán bộ, công chức, viên chức đề nghị tăng lương từ 1/1/2023”.
Nữ đại biểu cũng lưu ý cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng “lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng”. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
“Vừa tạm yên đại dịch, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách là điều rất đáng trân trọng”, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu sau đó.
Để niềm vui của người “làm công ăn lương trọn vẹn hơn”, cũng như bù đắp trượt giá thị trường dưới sự eo hẹp của đồng lương bấy lâu nay, ông Thái cho biết, rất nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, ngay từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023.
“Đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi, nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch”, đại biểu Thái nhấn mạnh.
Chuyển dịch nhân sự từ công sang tư là “bình thường”
Dùng quyền tranh luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Bắc Kạn) cho rằng, thu nhập thấp là một nguyên nhân quan trọng, song còn nguyên nhân quan trọng nữa là áp lực công việc và môi trường công tác.
Bà Thủy dẫn chứng, hiện hầu hết các bệnh viện công đều trong tình trạng quá tải. Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Mỗi ngày một bác sỹ có thể khám vài chục thậm chí cả trăm bệnh nhân nên rất áp lực.
“Khi dịch bệnh ập đến thì vất vả nhất là các trạm y tế xã, phường vốn đã ít người, vừa phải đảm trách nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vaccine, trong khi đó lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng”, bà Thủy nêu.
Cạnh đó, là tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám chữa bệnh. Môi trường làm việc có những khi chưa thực sự tạo cơ hội cho nhân viên y tế cống hiến hết mình nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y bác sỹ.
“Vẫn biết rằng dịch chuyển nhân lực là điều bình thường với bất cứ ngành nghề nào, nhưng dịch chuyển nhân lực với một số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế như thời gian vừa qua thì rất cần phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ, chiến lược", bà Thủy nêu quan điểm.
Đại biểu tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ có giải pháp cải thiện môi trường làm việc của ngành Y tế. Đồng thời, có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh nền công nghiệp dược và sản xuất vaccine để chúng ta chủ động nguồn vaccine, không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay.
“Đây cần phải coi là giải pháp căn cơ, chiến lược, vì nếu như chúng ta chậm trễ việc này, khi sự cố dịch bệnh xảy ra thì trước hết sẽ tổn thất về người, sau đó sẽ tốn kém tiền của cho nhập khẩu và cuối cùng có thể sẽ lại xuất hiện thêm một vụ Việt Á”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đại biểu đoàn Đắk Nông) cũng tranh luận về nguyên nhân “giáo viên rời khỏi khu vực công”. Theo ông, cần phải đánh giá bản chất của tình trạng mới có thể đưa ra giải pháp.
Ông Giang tính toán sơ bộ, với 14.427 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong tổng số hơn 1,2 triệu chỉ chiếm 1,2% trong 2,5 năm. Như vậy, mỗi năm rời khỏi khu vực công khoảng 0,5%. Tức 200 giáo viên có 1 người rời khu vực công.
“Vấn đề đặt ra là chúng ta đang khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, tôi cho rằng, việc giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường”, ông Giang nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, vấn đề quan trọng nhất cần đánh giá là, giáo viên khi nghỉ việc khu vực công có tiếp tục làm giáo viên không.
“Nếu họ chuyển sang làm khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, đều phục vụ nhân dân, phục vụ sự tăng trưởng, phát triển của đất nước này”, ông Giang nêu quan điểm và đề nghị cần đánh giá sát thực chất mới có giải pháp phù hợp.
Tăng lương cơ sở xong, cần cân đối để cải cách tiền lương
Đại biểu đoàn Bạc Liêu đề nghị, nếu năm 2023 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan thì sớm triển khai chính sách cải cách tiền lương.
“Cải cách tiền lương đang là vấn đề vô cùng cấp thiết. Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất thì chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực Nhà nước và lương ngoài thị trường”, đại biểu Nguyễn Huy Thái nêu.
Theo đại biểu Thái, tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển sang khu vực tư.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cũng nhấn mạnh, tăng lương cơ sở xong cũng cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương để giúp bộ máy Nhà nước hoạt động có động lực, giảm bớt các “hệ lụy” cán bộ, công chức, viên chức rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương