Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dân khóc ròng khi dự án bò sữa dở dang

Thứ sáu, 04/05/2018 - 06:32

(Thanh tra)- Gần 1 năm sau khi được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận cho Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (có địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá) thực hiện dự án (DA) chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung, được triển khai tại 2 xã Công Bình và Yên Mỹ (huyện Nông Cống), song đến nay DA vẫn dậm chân tại chỗ.

Người dân thôn Ổn Lâm 1 "khóc ròng" bên những đồng mía. Ảnh: VT

Vùng đất được thu hồi để phục vụ DA vốn là “đồng xôi, ruộng mật” của nhiều hộ dân các thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2 và thôn Ná bỗng hoang hóa. Hiện, người dân không mong chờ gì ngoài câu trả lời thoả đáng, có trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan chức năng.

DA đắp chiếu, dân bó gối nhìn đất bỏ hoang

Có mặt tại thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2, hiện hữu trước mắt chúng tôi là đồi đất khô cằn, cỏ dại mọc um tùm. Dẫn chúng tôi đến thửa ruộng vốn là nguồn thu nhập chính của gia đình, ông Lê Đức Lương cho biết: “Nghe tin có DA chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung, người dân chúng tôi rất vui mừng. Vì khi có DA, người dân sẽ có công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, bởi thế dù mảnh đồi của gia đình đang trồng keo, nhưng gia đình chấp nhận chặt keo non, bán rẻ để giao đất cho DA. Tuy nhiên, kể từ khi giao đất đến nay đã hơn 3 tháng, gia đình tôi vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ, đền bù nào. Đất có mà không được sản xuất, để cỏ dại mọc, xót xa lắm. Tôi đã hỏi UBND xã, nhưng xã bảo đang có ý kiến lên huyện”, ông Lương buồn rầu nói.

Cũng giống như gia đình ông Lương, hộ ông Lê Sỹ Thành cũng không biết làm gì khi vùng đồi vốn là “nguồn sống” của gia đình cũng thuộc diện thu hồi, phục vụ DA chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung.

Ông Thành cho biết: “Khi nghe thông báo của UBND huyện Nông Cống, người dân chúng tôi đã nghiêm túc chấp hành, không sản xuất, tính phương án di dời và làm ăn kinh tế ở nơi mới. Tuy nhiên, thời gian giao đất đã lâu, người dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Cứ nghĩ DA lớn được tỉnh chấp thuận, người dân chúng tôi nhanh chóng giao đất để phục vụ DA. Rồi DA về chúng tôi có thêm công ăn việc làm, nhưng không nghĩ DA cứ dậm chân tại chỗ như vậy. Nếu chưa thực hiện DA thì để cho người dân chúng tôi sản xuất, chứ để đất không hoang phí, người dân lại không có thu nhập. Bây giờ vẫn chưa có quyết định cụ thể về việc có được sản xuất nữa hay không. Hoặc có ai đầu tư cho sản xuất, sản xuất xong lại không có nơi tiêu thụ” - ông Thành bức xúc.

Ngoài gia đình ông Lương, ông Thành, còn có 40 hộ dân khác ở các thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2 và thôn Ná thuộc diện ảnh hưởng của DA. Nhiều hộ dân điêu đứng, không có thu nhập trong khi cả trăm hecta đất nông nghiệp bỏ hoang, gây lãng phí. 

Ông Thành lo lắng: “Nghe nói DA ngừng triển khai, nếu đúng như thế thì người dân thật thiệt thòi, từ khi giao đất đến nay, chúng tôi có thể canh tác thêm 1 vụ, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống bằng biện pháp xen canh… Nếu bây giờ bắt đầu canh tác thì cũng muộn thời vụ. Chưa kể, phần lớn diện tích bị thu hồi là đất trồng mía, lâu nay liên kết sản xuất với phía nhà máy mía đường họ hỗ trợ giống, phân bón. Họ đã dừng liên kết từ khi có quyết định thu hồi đất, giờ có sản xuất cũng không có nơi tiêu thụ”.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Dùng - Chủ tịch UBND xã Công Bình cho biết, DA chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung được triển khai tại 2 xã Công Bình và Yên Mỹ, chủ đầu tư là Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tại Quyết định số 1630 ngày 17/5/2017, với tổng ngồn vốn đầu tư là 3.800 tỷ đồng. Ngay sau đó, UBND huyện Nông Cống đã ra Quyết định số 113 ngày 23/1/2018 thu hồi đất, với tổng diện tích thu hồi là 964.854,95m2, bao gồm đất ở, đất vườn ao, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất lâm nghiệp và đất giao thông - thủy lợi…

Tại xã Công Bình, tổng diện tích của xã trong trong DA bị lấy đi gần 100ha, chủ yếu là đất 02 của 3 thôn Ổn Lâm 1 và Ổn Lâm 2 và thôn Ná, có gần 40 hộ dân bị ảnh hưởng từ DA. Hiện các hộ dân đang rất hoang mang không rõ DA có tiếp tục triển khai hay không? Nếu không triển khai thì phải sớm có câu trả lời để người dân tiếp tục canh tác, ổn định sản xuất, đồng thời huyện, tỉnh cũng cần có chỉ đạo phía Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống tiếp tục liên kết sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón cho bà con như trước khi có DA.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, hiện công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thiện, huyện cũng đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhưng chưa được phía công ty giải ngân?

Cụ thể, tại Công văn số 187 ngày 7/2 của UBND huyện Nông Cống gửi Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ, nêu rõ: Do thời vụ sản xuất đã đến, các hộ bị ảnh hưởng của DA đề nghị UBND huyện Nông Cống thông báo kế hoạch trả tiền giải phóng mặt bằng để các hộ có phương án sản xuất. Nếu canh tác chưa kịp thu hoạch, phía công ty tổ chức thực hiện DA thì phần phát sinh đầu tư sản xuất đơn vị có chịu trách nhiệm chi trả phần đền bù? Bên cạnh đó, nếu không canh tác, phía công ty chưa tổ chức thực hiện DA thì mùa vụ sản xuất này phía công ty có chịu trách nhiệm trả tiền đền bù?... 

Ngày 23/3, trong buổi làm việc giữa UBND huyện Nông Cống, Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ và công dân xã Công Bình, đại diện phía công ty là ông Phạm Tuấn Hiệp - Phó Tổng Giám đốc trả lời: “Do kinh phí giải phóng mặt bằng lớn, công ty không đủ khả năng thực hiện việc ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt. Công ty đề nghị UBND tỉnh cho phép công ty được thuê đất đã giải phóng mặt bằng để tiếp tục DA nhưng không được UBND tỉnh chấp thuận. Vì vậy, công ty không tiếp tục thực hiện DA tại vị trí đã được chấp thuận chủ trương là xã Công Bình và Yên Mỹ. Công ty sẽ có văn bản gửi phía Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống tiếp tục đầu tư sản xuất cho nhân dân”.

Trong khi đó, để không ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất của bà con, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống đã có Công văn số 200 chỉ đạo nhân dân tiếp tục sản xuất trên diện tích đất thu hồi.

Song phía Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống đã có văn bản trả lời với nội dung: “Do đây là diện tích nằm trong quy hoạch của UBND tỉnh giao cho phía công ty thực hiện DA; đồng thời thời điểm thu hồi, đền bù và giải phóng mặt bằng không rõ ràng nên Công ty Cổ phần Mía đường Nông Cống chỉ có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thời vụ 2018-2019 và các vụ tiếp theo đối với các hộ trồng mía xã Yên Mỹ và Công Bình. Việc tổ chức sản xuất và đầu tư cho các hộ dân tiếp tục sản xuất là trách nhiệm của phía công ty thực hiện DA chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa".

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn 2796 giải quyết đề nghị của UBND huyện Nông Cống và Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ, với ý kiến: Ngân sách tỉnh hàng năm không đủ chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các DA đầu tư không thuộc ngân sách Nhà nước. Do đó, công ty đề nghị thuê đất đã giải phóng mặt bằng và không ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện DA là không có cơ sở xem xét giải quyết.

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm