Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đà Nẵng giải thích vì sao hàng loạt công chức xin nghỉ việc

Thứ bảy, 26/05/2018 - 10:20

Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng thừa nhận thành phố không đủ điều kiện tốt nhất để các học viên nguồn nhân lực chất lượng có công việc phù hợp.

Nhiều nhân tài ở Đà Nẵng xin nghỉ việc. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên.

Chiều 25/5, UBND Đà Nẵng tổ chức họp báo phản hồi thông tin về việc 40 công chức ở các sở ngành đồng loạt xin nghỉ việc. Theo đó, Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là Đề án 922) được chính quyền TP triển khai từ năm 2004.

Địa phương này dùng ngân sách tuyển chọn các sinh viên giỏi đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Theo hợp đồng, sau khi tốt nghiệp trở về, các học viên phải làm việc cho thành phố ít nhất 7 năm.

Nhiều công chức nghỉ cơ quan Nhà nước ra làm việc khác

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP, nhìn nhận chủ trương này đã đóng góp đáng kể về nguồn cán bộ có trình độ làm việc tại các sở ngành hiện nay.

Đến tháng 5, thành phố đã cử 616 người đi học theo Đề án 922. Đến nay, tổng cộng 460 học viên được bố trí công tác tại các sở, ngành.

"Qua thực tế công tác, đã có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức; 60 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý (16 người giữ chức vụ phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và 44 trưởng, phó phòng)", ông Đồng thông tin.

Tuy nhiên, hiện đề án bắt đầu phát sinh việc nhiều học viên trong diện "thu hút nhân tài" có đơn xin nghỉ việc.

Cụ thể, 93 học viên có đơn và được thành phố đồng ý. Trong số này, 40 người "xin rút" với các lý do đoàn tụ gia đình, giải quyết việc gia đình, muốn thay đổi công việc, do sức khỏe.

47 học viên bị buộc ra khỏi Đề án (23 trường hợp học không đạt yêu cầu; 19 vi phạm quy định; 5 người bị cơ quan sử dụng lao động sa thải hoặc buộc thôi việc).

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho hay khi các học viên có nguyện vọng xin ra khỏi Đề án, cơ quan quản lý đều mời học viên và phụ huynh đến làm việc để tìm cách giải quyết các vướng mắc và động viên họ tiếp tục công tác.

Ông Nguyễn Văn Chiến tại buổi họp báo. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đơn vị cũng thông báo cụ thể đến học viên và phụ huynh tất cả thủ tục, quy định liên quan việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp xin ra khỏi đề án...

Khởi kiện 30 công chức bỏ việc

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố, việc học viên bỏ cơ quan Nhà nước ra ngoài làm việc là một xu thế bởi các quy định về tiền lương chưa hấp dẫn.

Học viên xin ra khỏi Đề án sẽ bị truy thu 50% kinh phí. Với các trường hợp bị buộc ra khỏi thì phải bồi thường hoàn toàn kinh phí đào tạo.

"Chúng tôi đã khởi kiện hơn 30 người ra TAND các cấp để yêu cầu họ bồi thường, hoàn trả lại kinh phí mà Đà Nẵng đã đầu tư", ông Đồng cho hay.

Tại buổi họp báo, ông Chiến thừa nhận dù đã cố gắng nhưng thành phố vẫn không đủ điều kiện tốt nhất để các học viên nguồn nhân lực chất lượng cao được tham gia công việc phù hợp do Đà Nẵng không thể ưu đãi biên chế, tiền lương.

"Trước đây, Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ thêm cho các học viên 1 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên chính sách này trái với quy định hiện hành của Nhà nước nên phải dừng lại", ông Chiến thông tin.

Người đứng đầu Sở Nội Vụ Đà Nẵng cũng nhìn nhận công tác phát triển nguồn nhân lực và công tác đào tạo còn thiếu sự phối hợp, thiếu đồng bộ.

Thời gian tới, để “giữ chân người tài”, thành phố sẽ ưu tiên việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thông qua bồi dưỡng ngắn hạn trong nước hoặc ở nước ngoài.

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ưu tiên đào tạo sau đại học ở nước ngoài phù hợp với công việc của cán bộ, công chức. Về chính sách hỗ trợ, Đà Nẵng sẽ thực hiện 1 lần cho các trường hợp khi đến làm việc tại thành phố", ông Đồng cho biết thêm.

Theo Đoàn Nguyên/Tri Thức Trực Tuyến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm