Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đa canh, xen canh - mô hình hiệu quả ở huyện miền núi Quỳ Hợp

Xuân Thống

Thứ bảy, 13/11/2021 - 16:00

(Thanh tra) - Mấy năm trở lại đây, nhiều nông dân ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã ứng dụng thành công các mô hình kinh tế đa canh, xen canh các loại cây trồng, vật nuôi ở trên cùng một diện tích phù hợp với điều kiện đất đai, nhu cầu thị trường. Các mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Chị Trương Thị Vy thu hoạch đậu trong ruộng mía. Ảnh: Xuân Thống

Xuất thân từ nông dân lập nghiệp từ việc việc canh tác cây mía đã giúp gia đình chị Trương Thị Vy (dân tộc Thổ), ở xóm Đại Thành, xã nghèo vùng sâu Văn Lợi thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá. Bằng sự cần cù, chịu khó, đầu năm nay, chị Vy cùng với 5 hộ nông dân ở trong xóm đã tham gia áp dụng mô hình trồng xen canh cây họ đậu trong ruộng mía trồng mới trên diện tích 4ha do Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN) tỉnh Nghệ An đầu tư.

Để tận dụng trên cùng diện tích đã canh tác mía, gia đình chị Vy đã trồng xen canh thêm cây họ đậu gồm cây lạc và cây đậu. Vì vậy, thu nhập gia đình chị cao hơn so với kiểu canh tác truyền thống trước đây.

“Gia đình có 20 sào mía, trước kia mỗi năm thu nhập được 6-7 chục tấn mía, nay trồng xem kẽ lạc với đậu mỗi năm thu nhập thêm vài tạ lạc, vài tạ đậu. Tổng thu nhập trồng xen lạc với đậu thì mùa thu hoạch vừa qua tăng thêm gần 20 triệu đồng” - chị Trương Thị Vy cho hay.

Tại xã vùng sâu Văn Lợi, qua đánh giá tại Hội thảo đầu bờ từ mô hình trồng xen canh cây họ Đậu trong ruộng mía đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Khi thu hoạch, năng suất lạc đạt 1,5 tấn/ha, còn đậu đạt từ 1 đến 1,2 tấn/ha… lợi nhuận nông dân thu về mỗi vụ trồng xem canh cây lạc, cây đậu trong diện tích trồng mía đạt từ 7 triệu đồng đến 9 triệu đồng/ha. Đồng thời, năng suất của cây mía trồng xen cây đậu dự kiến đạt trên 95 tấn/ha, tăng từ 10-20%.

Các hộ dân tham gia đều cho rằng, so với trồng độc canh thì việc xen canh, đa canh cây trồng trên cùng một diện tích đất sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ tận dụng được đất trống, hạn chế cỏ dại, tạo được nhiều nguồn thu. Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, việc trồng xen canh, đa canh các loại cây, vật nuôi không chỉ có tác dụng che nắng, chắn gió, hạn chế được lượng nước tưới, chống khô hạn cho cây trồng chính, cải tạo xới xáo sẽ làm cho đất được tơi xốp, thông thoáng tạo điều kiện cho các loại cây phát triển tốt hơn mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của những gia đình thực hiện các mô hình kinh tế đa canh, xen canh bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/năm. Việc áp dụng mô hình góp phần đưa vùng nguyên liệu mía trồng xen cây họ đậu ở xã Văn Lợi từng bước được tăng độ phì nhiêu của đất, cân bằng hệ sinh thái, góp phần ổn định sản xuất cây mía trên địa bàn.

Sở KHCN Nghệ An đầu tư triển khai mô hình xen canh cây họ đậu trong ruộng mía trồng huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Thống

Ông Vy Biên Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lợi cho biết: Trên địa bàn diện tích mía rất lớn, đứng thứ 2, thứ 3 toàn huyện. Trong những năm gần đây, UBND xã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng cây họ đậu xen mía. Sau 1 năm chờ cây mía cho thu hoạch thì bước đầu cây lạc và cây đậu đã tạo thu nhập vì cây lạc cây đậu khoảng 2,5 đến 3 tháng đã có thu hoạch. Đây là một hướng mới để tăng thu nhập cho người dân trong một đơn vị diện tích mía, bước đầu bà con rất phấn khởi và cho thu nhập rất ổn định. Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc trồng xen canh có thể giúp bà con ổn định thu nhập, bởi khi loại sản phẩm này mất giá thì có loại khác thay thế. Ngoài ra, nông dân còn có thu nhập trải đều trong năm, không sợ thất thu vì trồng một loại cây.

Ông Trịnh Hữu Hiến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện trao đổi thêm: Mô hình đa canh, xen canh vừa tăng thu nhập cho diện tích mía đang trong lúc khởi đầu cũng cải tạo thêm chất đất để sau này cho cây mía tốt hơn. Chúng tôi triển khai mô hình này nhằm khuyến cáo cho bà con làm thế nào đó vừa tiết kiệm đất đầu tiên khi mía còn nhỏ, thứ 2 nữa làm cải tạo đất để cho cây mía vừa có thêm dinh dưỡng vừa có thu nhập cao cho bà con nông dân trên một đơn vị diện tích”.

Với nguồn thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình đa cây mang lại, có thể khẳng định, đây là mô hình rất hiệu quả. Việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã nghèo Văn Lợi nói riêng và các địa phương ở huyện miền núi sẽ mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân vùng dân tộc thiểu số trong chuyển đối cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm