Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững

Thái Hải

Thứ ba, 22/11/2022 - 19:10

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Viện FES, Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và Phát triển bền vững”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, để hiện thực hóa Chiến lược Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thời gian qua Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng, hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều doanh nghiệp, người dân đang mong muốn được tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, do vậy ngoài yếu tố phát triển kinh tế nó còn giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế của nhiều người dân Việt Nam.

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam có thể còn làm giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu than, cùng với giảm sản xuất điện than từ đó giúp bảo vệ môi trường tạo điều kiện phát triển bền vững.

Trong vài thập niên trở lại đây, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Tại Hội nghị COP26 năm 2021 diễn ra tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã khẳng định và cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố Toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.

“Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn”, PGS.TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.

Với 4 nội dung chính: Công bằng khí hậu; chính sách kinh tế xanh mới với mục tiêu loại bỏ năng lượng than đá hoàn toàn vào năm 2040 và thực hoá mục tiêu sống xanh vào năm 2040; chuyển đổi công bằng hướng tới phát triển bền vững; chỉ ra thực trạng về những thuận lợi và khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay, hội thảo chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng của các nước trên thế giới, những bước đi của Việt Nam trong tiến trình hiện thực hoá cam kết phát thải bằng không vào năm 2050, sự phối hợp của các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi này; những kinh nghiệm của các quốc gia, nhất là các nước phát triển trong chuyển đổi năng lượng; những thuận lợi khó khăn của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng hiện nay… để từ hội thảo này và nhiều hội thảo của các bộ, ngành khác nữa sẽ đưa ra được các giải pháp khả thi giúp Việt Nam phát triển năng lượng xanh, xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe phần trình bày của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương với các nội dung như: Chuyển đổi năng lượng tại một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam; Chuyển đổi năng lượng nhìn từ góc độ chính sách của một số quốc gia và Việt Nam; Chuyển đổi năng lượng và các khía cạnh về việc làm, quyền lợi của người lao động.

“Đây thực sự là diễn đàn khoa học quan trọng cho các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý Việt Nam trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau nhìn nhận chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững từ cả góc độ chính sách và thực tiễn cũng như của địa phương cụ thể, đồng thời qua đó bàn luận các giải pháp nhằm hướng tới đảm bảo cơ hội việc làm, quyền lợi của người lao động. Hi vọng rằng, hội thảo đã mang lại những tri thức khoa học hữu ích cho các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý”, PGS.TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm