Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện buồn của sơn nữ đi “bắt chồng” khi mới 14 tuổi

Thứ ba, 23/06/2020 - 06:36

(Thanh tra)- Nạn tảo hôn trong làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện biên giới tỉnh Gia Lai vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Không thiếu những đứa trẻ mới chỉ 14 tuổi nhưng đã phải gánh vác công việc của người vợ, người mẹ, vì thế, nhiều bi kịch đã xảy ra trong đời sống người dân…

Bà Phing (phải) và Phyang (trái) đang chia sẻ về việc bắt chồng sớm. Ảnh: Khuất Nguyên

Chúng tôi tìm về làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ nơi có hơn 85% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Jrai. Có mặt tại đây mới thấy hết được cuộc sống của người dân còn lắm những khó khăn, vất vả. Cũng chính vì vậy, nên vùng viễn biên Việt - Campuchia này nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn đang diễn ra, mang lại nhiều hệ lụy.

Nhân vật mà chúng tôi tìm gặp là bà Rơ Chăm Phing, trú tại làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Nói về việc lập gia đình, bà Phing cho biết: “Đến giờ mình không có nhớ năm nay bao nhiêu tuổi vì mình không được đi học. Con của mình có 6 đứa, đứa nhỏ nhất năm nay 6 tuổi. Do nhà nghèo cơm ăn còn không đủ nên mấy đứa con cũng không được đến trường. Trong làng của bọn mình, con gái Jrai lớn lên là phải đi bắt chồng, đây là phong tục tồn tại lâu đời của người đồng bào”.

Con gái bà Phing là Phyang năm nay 28 tuổi nhưng đã có tới 2 đời chồng. Chồng đầu Phyang bắt về ở rể là vào năm Phyang gần 14 tuổi nhưng sống với nhau không được bao lâu thì bỏ nhau. Sau đó, Phyang lập gia đình với người chồng thứ 2 và có với nhau 2 con nhưng cuộc sống gia đình cũng rất khó khăn, những bữa cơm phụ thuộc vào mấy đồng tiền làm thuê ít ỏi của chồng.

Khi chúng tôi hỏi về việc lấy chồng sớm thì Phyang nói: “Trong buôn làng bạn bè cùng trang lứa ai cũng bắt chồng sớm nên mình cũng bắt chồng thôi. Không được đi học, không có việc làm thì phải bắt chồng để nó về làm việc giúp mình. Chồng trước mình bắt lúc gần 14 tuổi nhưng sống không hợp nên mình chia tay rồi lấy chồng thứ 2, đến nay mình có hai đứa con. Do không có đất làm rẫy nên chồng mình nó đi làm thuê, còn mình ở nhà nuôi con. Cuộc sống bây giờ cũng rất khó khăn nhưng ở trong làng này ai cũng vậy nên mình thấy bình thường…”.

Cũng giống như hoàn cảnh của Phyang, chị Kpuih Blen (trú tại làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) bắt chồng năm 14 tuổi. Đến nay, Blenđã trải qua 2 đời chồng nhưng đều bỏ nhau. Blen một mình gồng gánh nuôi 3 con nhỏ, ai kêu làm thuê gì cũng làm miễn sao có đủ cơm cho con nhỏ ăn.

Báo cáo số 90/BC-UBND của huyện Đức Cơ. Ảnh: Khuất Nguyên

Gặp chúng tôi, Blen nói trong buồn bã: “14 tuổi bắt chồng, lúc đó mình không suy nghĩ được gì, chỉ biết là thích nhau thì dẫn nó về nhà ở. Chồng đầu của mình nó hay đi uống rượu lắm, cứ mỗi lần như thế nó đều đánh đập mình nên mình bỏ nó dù đã có với nhau 2 đứa con. Còn người chồng thứ hai mình cũng sinh được 1 đứa con nhưng sau đó nó bỏ mình đi lấy vợ khác. Từ đó đến nay một mình mình nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống khổ lắm, lỡ rồi không biết làm sao nữa”.

Để ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chính quyền địa phương đã vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về luật hôn nhân và gia đình, y tế, dân số trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Rơ Mah H’Yơng - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, UBND xã Ia Pnôn đã phát 464 tờ rơi, pa nô, áp phích với 410 lượt người tham gia. Tổ chức phối hợp với những người có uy tín, già làng, thôn trưởng của các làng đến tận từng hộ gia đình để tuyên truyền cho người dân biết. Đồng thời, từ nhiều năm nay, Phòng Dân tộc huyện Đức Cơ đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tổ chức cấp phát tờ rơi, lắp đặt pa nô tại trụ sở UBND xã. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện đề án…”.

Báo cáo số 90/BC-UBND ngày 10/3/2020 cho thấy, từ ngày 01/01/2015 đến 31/12/2019 trên địa bàn huyện Đức Cơ có 555 cặp tảo hôn, trong đó 539 cặp là người dân tộc thiểu số, chiếm 97,12% và 16 cặp là người dân tộc Kinh, chiếm 2,88%. Cũng từ 2015 đến 2019, có 7 cặp hôn nhân cận huyết thống là đồng bào người Jrai và Bahnar chiếm tỉ lệ 0,3%.

Hầu hết, nguyên nhân của nạn tảo hôn trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số tồn tại là vì trình độ dân trí còn thấp, một số người dân chưa ý thức được hệ lụy của việc lấy chồng sớm. Có lẽ cũng chính vì thế mà nạn tảo hôn tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn đang là “bài toán” chưa có lời giải, khi mà trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều, quan điểm về duy trì phong tục lạc hậu vẫn hẳn sâu trong suy nghĩ một số người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây…

Khuất Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm