Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chưa phát triển điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tại sao?

Minh Anh

Thứ sáu, 04/08/2023 - 23:18

(Thanh tra)- Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh:Internet

Dự thảo nêu quy định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Đây được coi là chính sách nhằm thúc đẩy từng bước thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Vì sao chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà công sở, nhà ở?

Khi dự thảo được công bố, trên một số diễn đàn mạng xã hội, có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương cần mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi như mái nhà khu công nghiệp, bệnh viện, trường học...

Trao đổi với báo chí về nội dung này, một cán bộ của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, thông tin: Mục tiêu, quy mô của ĐMTMN đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Không có chuyện phát sinh giấy phép… con

Bộ Công Thương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để xây dựng cơ chế cho đối tượng là nhà dân, cơ quan công sở. Trong dự thảo cơ chế, Bộ Công Thương không yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải xin giấy phép hoạt động, do đó không phát sinh giấy phép con như nhiều người lo ngại.

Bên cạnh đó, Nhà nước không cấm việc các doanh nghiệp lắp đặt ĐMTMN để tự sử dụng, tham gia vào quá trình giảm phát thải carbon. Việc phát triển cũng cần được quản lý, giám sát để bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống điện quốc gia và các vấn đề chung của xã hội. 

Cụ thể: “Cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, điện mặt trời 12.836 MW (8,5%, không bao gồm ĐMTMN hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW”. Như vậy, quy hoạch cấp quốc gia đã xác định nguồn điện mặt trời tự sản tự tiêu phát triển thêm đến năm 2030 so với quy mô hiện nay khoảng 2.600 MW. Việc đặt ra quy mô này nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng là bảo đảm cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, bảo đảm vấn đề an ninh hệ thống điện, vận hành an toàn và điều độ của hệ thống điện quốc gia.

Đối với dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 107/BC-BCT ngày 26/7/2023, đối tượng đã đề xuất áp dụng là nhà dân và cơ quan công sở.

Về hai đối tượng này, thứ nhất, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Văn bản số 4286/VPCP ngày 10/6/2023 của Văn phòng Chính phủ), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 12/6/2023 và Văn bản 4552/VPCP-CN ngày 20/6/2023 của Văn phòng Chính phủ), yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN cho các đối tượng áp dụng là nhà dân và cơ quan công sở.

Thứ hai, lắp đặt ĐMTMN để tự sản tự tiêu, tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Đối với các đối tượng khác như ĐMTMN trên mái trụ sở doanh nghiệp, nhà xưởng, bệnh viện, trường học... Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích để áp dụng cho các đối tượng vừa nêu”, vị này nói.

Không cấm, chỉ chưa ưu tiên phát triển

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay, cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối và đặc biệt là đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn. Trừ những hệ thống điện mặt trời độc lập (mini grid), có trang bị lưu điện và không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không bị giới hạn phát triển.

Việc phát triển ĐMTMN nói riêng, điện mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung tại Việt Nam đều được khuyến khích nhưng cần phải tuân thủ theo quy hoạch và tuỳ vào tình hình thực tế từng giai đoạn để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo các yếu tố môi trường, xã hội và quan trọng hơn là vì lợi ích chung của đất nước

Trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn điện chạy nền và nhất là nguồn điện linh hoạt thì sẽ tạo điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời (bao gồm cả ĐMTMN là nguồn điện có tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết).

Bên cạnh đó, mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1 MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành; chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày. Đó là chưa kể các yếu tố môi trường, chất thải từ tấm quang điện…

Trên thực tế, các nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời farm, điện gió) quy mô được đầu tư bài bản thành hệ thống hiện nay vẫn đang gặp khó khăn trong việc huy động vì sản lượng không lớn phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, độ ổn định, an toàn của hệ thống truyền tải, chất lượng điện.

Mặt khác, các nhà máy, các khu công nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao như điện tử… cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục. Chắc chắn họ không thể dùng ĐMTMN để sản xuất (trừ các doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưu trữ hiện đại, được biết hệ thống lưu trữ quy mô lớn chưa có).

Việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMTMN đã được nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm từ thực hiện Quy hoạch VII, Quy hoạch VII điều chỉnh và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió giai đoạn vừa qua. Sự phát triển nóng của ĐMTMN nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đã để lại một số tồn tại, trong đó có việc lợi dụng chính sách để bán điện với giá cao, trong thời gian dài mà nhiều người đang đổ lỗi cho cơ quan quản lý.

Do đó, việc mở rộng đối tượng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn, hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này.

“Có thể khẳng định, việc phát triển ĐMTMN nói riêng, điện mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung tại Việt Nam đều được khuyến khích nhưng cần phải tuân thủ theo quy hoạch và tuỳ vào tình hình thực tế từng giai đoạn để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo các yếu tố môi trường, xã hội và quan trọng hơn là vì lợi ích chung của đất nước”, vị này cho hay.

Trước câu hỏi các dự án ĐMTMN các công trình như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn… không phát điện lên lưới, không gây áp lực lên hệ thống truyền tải. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không mua lại thì tại sao lại cấm cản? Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay quan điểm này có cả sai và đúng.

Cụ thể, sai là Nhà nước không cấm nhưng cần phải kiểm soát để bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống điện quốc gia. Do ĐMTMN nếu có liên kết với lưới điện quốc gia (đấu nối sau công tơ) thì sẽ gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia vì khi ban ngày có nắng thì nguồn điện mặt trời được sản xuất ra sẽ cấp cho phụ tải. Nhưng khi không có nắng thì lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện cho nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng lớn nhất ở đây là hoạt động của ĐMTMN phụ thuộc vào thời tiết, nắng mây mưa thất thường, dẫn đến sự tăng giảm việc tiêu thụ điện cũng thất thường, sự thất thường này làm cho hệ thống điện khó điều độ, khó bảo đảm vận hành an toàn và có thể gây sự cố lưới điện.

Theo đánh giá của các chuyên gia và kinh nghiệm các nước phát triển, tỉ lệ công suất nguồn điện mặt trời chiếm khoản 15% đến 20% công suất nguồn của hệ thống điện thì công tác điều độ, vận hành lưới điện được an toàn. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Việt Nam hiện đang khoảng 20%. Bên cạnh đó, tỉ lệ này cũng được Chính phủ đặt ra tại Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đến năm 2030 nguồn điện mặt trời chiếm khoảng 14%.

Ý đúng ở đây là ĐMTMN sẽ không gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia nếu nguồn này độc lập, không có sự liên kết với lưới điện, nghĩa là phụ tại và nguồn phát điện độc lập với lưới điện, hoạt động không phụ thuộc vào sự có hay không có điện trên lưới điện quốc gia.

“Trong trường hợp này Nhà nước không cấm và cũng không cần phải kiểm soát”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm