Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chặn 2 kênh YouTube phản động và hơn 2.000 website lừa đảo

Hương Giang

Thứ bảy, 07/10/2023 - 11:47

(Thanh tra) - Cơ quan quản lý đã ngăn chặn 2.245 website lừa đảo; 2 kênh YouTube phản động, gỡ hàng nghìn bài viết trên Facebook và TikTok.

Cơ quan chức năng đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix… phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm. Ảnh minh họa: Hương Giang

Thống kê này được nêu trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Báo cáo do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền ký, gửi Quốc hội.

Xử lý 40.629 cuộc tấn công mạng và các hệ thống thông tin tại Việt Nam

Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tối thiểu 10% kinh phí chi cho công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin của cơ quan.

Bộ này cũng cảnh báo khi bị tấn công mạng, mất an toàn thông tin, các cơ quan sẽ phải đối mặt với việc lộ lọt những thông tin, chính sách quan trọng khi đang trong quá trình xây dựng, ban hành, lợi dụng để đưa các thông tin vi phạm pháp luật, thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả (tấn công thay đổi giao diện, chèn thông tin cá độ, cờ bạc...).

Các đơn vị có thể đối mặt nguy cơ mất quyền kiểm soát, điều hành hệ thống quan trọng hoặc làm gián đoạn hoạt động của hệ thống thông tin.

Tính đến hết tháng 8, cơ quan quản lý ngăn chặn 7.428 web/blog vi phạm, trong đó có 2.245 website lừa đảo; bảo vệ 9,6 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, giai đoạn 2020-2023, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận và cảnh báo, hướng dẫn xử lý 40.629 cuộc tấn công mạng và các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Trong triển khai chiến dịch bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 76 website chuyên phát tán, cài cắm mã độc vào máy tính, điện thoại và thiết bị di động của người dân thông qua các phần mềm bẻ khóa.

Trước những nguy cơ này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh sẽ chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng. Cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia để người dân không bị lừa truy cập vào các website lừa đảo để lấy trộm thông tin cá nhân.

Ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm

Về quản lý các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, cơ quan quản lý đã yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải xác thực người dung, cung cấp thông tin xác thực khi có yêu cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…

Cơ quan này cũng đã đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix… phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm.

Kết quả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, Youtube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm, gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em.

Các nền tảng này cũng đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam…

Riêng từ tháng 1 đến tháng 6, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Nền tảng này cũng gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức và khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ 30 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.

Trong khi đó, Google đã gỡ 4.910 video vi phạm trên Youtube; chặn 2 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (Kênh nóng TV và Chính sự TV).

TikTok cũng đã chặn, gỡ bỏ 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó, có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Nêu khó khăn trong quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều phương mới phát tán nội dung nhanh, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất nhiều thời gian.

“Một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, tìm cách né tránh, lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do Internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng nêu.

Tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện dự thảo nghị định mới để siết chặt quản lý các nền tảng xuyên biên giới; nghiên cứu giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là Tiktok, từ đó chặt quản lý tại Việt Nam.

Nhà mạng vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới

Trong báo cáo, Chính phủ cũng cho biết cụ thể việc xử lý SIM “không chính chủ”; tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đến 30/8/2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã xử lý toàn bộ 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Cụ thể, chuẩn hoá 7,2 triệu thuê bao; khoá 1 chiều 3,172 triệu thuê bao; khoá 2 chiều hơn 4,8 triệu thuê bao, thu hồi hơn 1,8 triệu thuê bao. Trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp sẽ khóa 2 chiều tập thuê bao đang khoá 1 chiều nếu khách hàng không đến chuẩn hóa thông tin theo quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, trong năm 2022, Bộ đã kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông di động, xử phạt gần 3 tỷ đồng với 7 doanh nghiệp và 39 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Đồng thời, chuyển hồ sơ vi phạm của 2 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị cơ quan công an điều tra do vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dẫn đến việc tội phạm chiếm đoạt SIM, lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Năm 2023, Bộ này đã chỉ đạo các sở thông tin và truyền thông, các đơn vị thuộc bộ tổ chức 73 đoàn thanh tra diện rộng về quản lý thông tin thuê bao (từ tháng 4 đến tháng 6/2023) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm của nhà mạng để tình trạng một thuê bao có nhiều SIM sai quy định và các đối tượng đã cố tình đăng ký nhiều SIM (lớn hơn 10, 100, 1.000 SIM).

Tới đây, trên cơ sở kết quả triển khai xử lý SIM “rác”, tập thuê bao sở hữu nhiều SIM của các doanh nghiệp và kết quả thanh, kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét xử lý các trường hợp nhà mạng vi phạm.

Việc xử lý này bao gồm đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới, đặc biệt nếu có các hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao sẽ bị xử lý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm