Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh: Mang Xuân về với bản Rào Tre

Thứ ba, 31/01/2017 - 06:43

(Thanh tra)- Chiều cuối năm, sương mù từ đỉnh núi như những trái bóng bện bằng bông khổng lồ lao dần xuống những con đường dốc ngoằn ngoèo. Sương đồi phủ kín đặc lối đi và bay táp thẳng vào mặt, lạnh buốt…

BĐBP Hà Tĩnh cùng đồng bào dân tộc Chứt chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Hải Yến

Trong cái lạnh se lòng của những ngày cuối Đông nơi miền sơn cước, chúng tôi hành trình về thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh, đóng tại xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Nơi đây, những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Đặc biệt hơn, các chiến sỹ vừa là người giúp đỡ bà con dân tộc Chứt tại bản Rào Tre hòa nhập với cộng đồng, vừa là “ông tơ, bà nguyệt” se duyên cho trai gái dân tộc Chứt với người địa phương khác, tránh được hôn nhân cận huyết đang dần làm suy thoái nòi giống.

Trong không khí đầm ấm của những ngày cận Tết, anh em Đồn Biên phòng Bản Giàng tiếp đón chúng tôi bên những ly chè xanh nông trường nóng hổi. Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng nói: “Mùa Xuân ở đây anh em chẳng thiếu thứ gì, chỉ thèm bữa cơm gia đình sum vầy chiều 30 Tết, nhớ mùi nhang dâng lên ông bà tổ tiên, Tết đến Xuân sang nỗi nhớ nhà lại ùa về”.

Ngày cuối năm ở miền núi lạnh buốt giá, dù đã trang bị nhiều đồ ấm mà cái rét vẫn len vào đến tận xương. Đã thế, đường lên đến Đồn Biên phòng Bản Giàng phải trải qua những con dốc cao, những đoạn đường ngoằn ngoèo, những khúc cua nguy hiểm, sương mù bao phủ kín cả ngọn đồi, kín cả con đường gấp khúc, cảm giác như chỉ cần sơ sểnh một tí là có thể lao xuống vực thẳm.

Cô bạn đồng nghiệp mới vào nghề lần đầu đi đường núi, say xe nằm bệt một góc, tưởng chừng như bỏ cuộc nhưng đã tỉnh hẳn bởi anh lái xe vui tính thông báo, trên Đồn Biên phòng có bờ cỏ lau ngợp lối, có giàn hoa lan kết thành những chuỗi ngọc như bàn tay thiếu nữ trắng muốt, tinh khôi đang chờ đợi.

Đồn Biên phòng Bản Giàng có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tuyến biên giới dài 17,8 km với 6 cột mốc thuộc huyện Hương Khê, và 3 xã biên phòng (Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh), giáp 2 tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào). Địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, chúng tôi mới thấm cái vất vả của các anh, để có cảnh đẹp hôm nay, là bao sự vất vả, hi sinh của các chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc.

“Ông tơ” mang quân hàm xanh se duyên cho các cặp đôi người Chứt lấy người dân tộc khác, tránh hôn nhân cận huyết. Ảnh: Hải Yến

Cảm giác có người vào đơn vị trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán với những người chiến sĩ miền biên cương là một món quà không có gì lớn bằng, với tình cảm giản dị nhưng chân thành khiến khách dù đường xa hiểm trở cũng cảm thấy ấm lòng.

Trung tá Võ Anh Tuấn, chính trị viên của Đồn tâm sự: “Nhiều đồng chí nhiều năm không được đón Tết cùng gia đình, đã mấy mùa Xuân đón Tết tại đơn vị và bà con dân tộc Chứt, lấy niềm vui của bà con dân bản, sự bình yên dịp trước và trong Tết của bà con là niềm vui của mình”.  
Trong năm qua, Đồn Biên phòng Bản Giàng đã làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, bình yên vùng biên: Bắt và xử lý 17 vụ/29 đối tượng. Vận động giao nộp súng tự chế (súng cồn bắn hơi) 2 khẩu/2 người nộp; vận động đưa đi cai nghiện tập trung 1 đối tượng nghiện ma túy. Công tác kiểm soát hành chính, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua lại biên giới được thực hiện...

Từ khi cắm bản đến nay, nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Bản Giàng là quản lý bảo vệ biên giới, đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới, bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt bản Rào Tre, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị.

Đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy Trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: Vào năm 1991, trong lúc tuần tra biên giới, BĐBP Hà Tĩnh phát hiện khoảng 20 người Chứt sống trong hang động ở trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt - Lào nên đã đưa về giúp họ xây nhà, lập bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Tộc người này được gọi chung là họ Hồ, tới nay đã có 41 hộ gia đình với 140 nhân khẩu. “Thanh niên ở bản nếu muốn lấy vợ, lấy chồng thì phải sang Quảng Bình, vì ở đó có người Chứt sinh sống. Nhưng do đường sá xa xôi, giao thông hiểm trở, các trai làng ở Quảng Bình ngăn cấm, đánh đập không cho sang tán gái trong bản nên thanh niên bên này không dám sang nữa. Thêm vào đó, sự chênh lệch về văn hóa giữa người Chứt và người dân trong khu vực khiến trai gái bản chỉ quanh quẩn trong làng, và khi tách biệt với thế giới bên ngoài, họ lại lấy người ở trong bản, từ đó tạo nên những cặp hôn nhân cận huyết”.

Để tránh nguy cơ suy thoái nòi giống cho tộc người Chứt, BĐBP Hà Tĩnh mà trực tiếp là Đồn Biên phòng Bản Giàng đã cùng chính quyền xã Hương Liên phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cắm bản tuyên truyền, tập cho đồng bào nơi đây sản xuất, học văn hóa.

Hiện nay, trên đỉnh Giăng Màn, những lời ru ngọt ngào đã được cất lên, là từ kết quả tình yêu của những cô gái dân tộc Chứt lấy trai dân tộc Kinh và giữa người Chứt ở Hà Tĩnh lấy người Chứt ở Quảng Bình, những “trái ngọt” đầu mùa nay đã đơm hoa kết trái.

Chị Hồ Thanh Mai bên đứa con vừa tròn 1 tuổi - tình yêu của cô gái người Chứt và chàng trai người Kinh nay đã đơm hoa kết trái. Ảnh: Hải Yến

Bế đứa con vừa tròn 1 tuổi kháu khỉnh, bụ bẫm trên tay, chị Hồ Thanh Mai - người con gái dân tộc Chứt (SN 1992, trú tại bản Rào Tre, xã Hương Liên) vui vẻ kể lại chuyện tình giữa cô gái dân tộc và chàng trai người Kinh Lê Xuân Công (SN 1992, ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê):  “Để có được như ngày hôm nay, vợ chồng em luôn biết ơn các chú BĐBP đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Bây giờ gia đình em được hỗ trợ làm nhà ở, được các chú bộ đội dạy làm nương rẫy, được đi học chữ nên cái đói, cái rét nay đã lùi xa”.

Rời bản làng, chia tay anh chú bộ đội khi trời bắt đầu nhá nhem tối, chúng tôi lại trở về với phố thị ồn ào, hối hả. Dọc con đường, những cành đào đang khoe sắc thắm báo hiệu một mùa Xuân nữa lại về với bản Rào Tre và Đồn Biên phòng Bản Giàng.

Hải Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm