Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Thống
Thứ sáu, 31/12/2021 - 06:36
(Thanh tra)- Kỳ Sơn là một huyện biên giới phía Tây Nghệ An, nơi có núi cao đèo sâu, với “cổng trời” Mường Lống mờ ảo trong sương; nơi khởi nguồn của dòng Lam Giang chia làm hai nhánh Nậm Mộ, Nậm Nơm. Đây là vùng đất phên dậu của xứ Nghệ.
Lãnh đạo tỉnh và huyện Kỳ Sơn kiểm tra công tác quốc phòng - an ninh tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Ảnh: Xuân Thống
Lắng mình qua lời gọi mời đầy da diết của bài ca: “Khúc hát miền biên cương - Ơi, hỡi người em thương hỡi người em quý/Chớ ngại đèo cao/Chớ ngại suối sâu/Xin mời lên đây/Thăm miền biên giới/Thăm huyện Kỳ Sơn/Thăm bản làng em”, chúng tôi vượt qua quãng đường gần 300km để về với Kỳ Sơn - huyện cao nhất, xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Nghệ An. Kỳ Sơn sừng sững giữa miền biên giới với trập trùng mây núi, hùng vĩ, nên thơ và huyền bí, từ đói nghèo đang từng ngày thay da đổi thịt.
Chuyển mình từ những vùng đất khó
Từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi về Mường Lống, điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình, để nghe, thấy và cảm nhận rõ nét hơn cuộc sống của thiên nhiên và con người nơi đây. Mường Lống theo tên gọi của đồng bào nơi đây nghĩa là “miền lạc lối”. Với địa hình tựa như lòng chảo cao nguyên của miền sơn cước, nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng sự kiên trì, bền bỉ của con người đã tạo nên vùng đất trù phú, thanh bình. Xã Mường Lống nằm trong thung lũng có độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển thuộc dãy Trường Sơn, gần biên giới với Lào được ví như một “tiểu Sa Pa” của xứ Nghệ với những vườn đào, vườn mận đẹp như tranh.
Bí thư Đảng ủy xã Lỳ Bá Xồng gặp chúng tôi sau nhiều năm, nay đã khác nhiều. Sau cái bắt tay, dẫn chúng tôi đến các địa danh từng là các điểm nóng về an ninh trật tự, nhất là ma túy tại các bản Xám Xúm, Mường Lống 2, Long Kèo và nạn di cư tự do ở bản Thăm Lực. Bí thư Đảng ủy xã cho biết, những năm gần đây, Mường Lống đã biết phát huy giá trị truyền thống lịch sử, giá trị văn hoá đặc trưng của đồng bào Mông để làm du lịch. Từ đó, Đề án Phát triển du lịch cộng đồng xã Mường Lống giai đoạn 2020 - 2025 đã được ban hành. Hiện, Mường Lống đã hình thành Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng, tập hợp nhiều hộ gia đình liên kết để phát triển kinh tế gắn với du lịch từ những vườn mận, vườn đào mang đặc trưng... Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự quan tâm của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, các chuyên gia đến từ Dự án Qũy Môi trường Toàn cầu đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho các hộ dân đăng ký homestay trong hoạt động phục tráng đào, mận thông qua việc hướng dẫn bà con cách vệ sinh, chăm sóc, làm đẹp các vườn đào, mận để phục vụ du lịch.
Rời Mường Lống, chúng tôi ngược tới Tây Sơn. Đường vào Tây Sơn mùa này hai bên đồi hoa lau nở trắng xóa. Mường Lống được xem là “cổng trời” phía Đông thì ở Tây Sơn là đỉnh của cổng trời thứ 2 phía Nam của huyện Kỳ Sơn. Quả thật, lên đến đây tôi mới thực sự cảm nhận được cái lạnh của những ngày đầu Đông, gió buốt thổi lồng lộng. Hơi sương bay theo gió đọng lại trên người như màn mưa mỏng. Khoảng 11 giờ trưa, thời tiết nơi đây vẫn còn rét buốt.
Nhấp bát nước chè xanh đặc sánh, anh Vừ Rá Tênh ở bản Huồi Giảng cho biết: Ở vùng đất này, ngoài cây samu, pơmu là “đặc sản” thì giống cây hồng, cây táo mèo được xem là cây chủ lực. Táo mèo từ chỗ mọc dại hai bên đường, chừng dăm năm trở lại đây, được sự hỗ trợ và tư vấn của Ban Dân tộc tỉnh, giống táo mèo từ phía Bắc đã được đưa về trồng thử.
Năm 2016, hai anh em Vừ Xái Chù và Vừ Rá Tênh đã mạnh dạn trồng thử trên 600 cây giống nay đã tươi tốt, cho quả và đã trở thành mô hình sản xuất mới của địa phương. Ngoài những loài cây trên, ở Tây Sơn cũng đã xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc, nuôi lợn, gà đen, dê, vịt và các loại hoa màu khác như gừng, mận, dưa chuột, hồng, bo bo kết hợp trồng rừng.
Chia tay Tây Sơn, đến ngã ba Huồi Tụ chúng tôi về xã Na Loi. Với đặc thù là xã biên giới, tiếp giáp với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), Na Loi có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Nữ Chủ tịch UBND xã Pịt Thị Hà chia sẻ: Cuộc sống của bà con đang dần đổi thay không chỉ trong nếp nghĩ mà cả trong cách làm. Bên cạnh duy trì phát triển giống vịt bầu mang thương hiệu bản địa, ở Na Loi với tiềm năng, lợi thế, mấy năm lại đây được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và Sở Khoa học - Công nghệ, sản phẩm lúa tẻ thơm được phục tráng gieo trồng trên đồng đất của xã đã khẳng định được thương hiệu với chất lượng gạo ngon, có mùi thơm đặc trưng. Hiện, xã Na Loi đang triển khai nhiều giải pháp giữ gìn và phát triển thương hiệu gạo này để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh.
Rời Na Loi chúng tôi hành trình xuôi về xã Hữu Kiệm. So với các địa bàn khác trong huyện, xã Hữu Kiệm là địa phương có thuận lợi hơn cả, nhất là về giao thông, hạ tầng cơ sở. Do vậy, bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới đầu tiên của huyện, đối với xã vùng cao quả là một thách thức lớn cho cấp ủy, chính quyền cũng như những cán bộ, lãnh đạo nơi đây. Với sự hỗ trợ của huyện và các nguồn lực khác, bằng phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu khắc phục đến đó”, từ sự bền bỉ và quyết tâm, năm 2020, Hữu Kiệm đã “về đích” thành công, trở thành điểm sáng của huyện và cả vùng Tây Bắc.
Bình yên miền biên viễn
Với đặc thù là huyện miền núi cao, diện tích tự nhiên rộng, địa hình hiểm trở, có 11/20 xã có chung đường biên giới với nước bạn Lào với chiều dài trên 203.000km; quản lý 64 cột mốc giới, có 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và 1 cửa khẩu phụ Ta Đo và gần 30 đường tiểu ngạch… thì việc giữ yên biên giới đối với huyện Kỳ Sơn là hết sức quan trọng.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05/CT-TU của Tỉnh ủy “về tăng cường bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và vùng biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tình hình mới”, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo dõi, nắm tình hình công tác quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới được quan tâm chú trọng, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị chính đáng của nhân dân, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, tồn đọng ở cơ sở; thường xuyên trao đổi nắm bắt thông tin với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào trong bảo vệ đường biên, cột mốt và an ninh biên giới…
Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Thời gian qua, cùng với các cấp, ngành, Công an huyện Kỳ Sơn đã tích cực tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, chú trọng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các mô hình điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số với công tác phòng chống ma túy; hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên tự quản; bản làng nói không với di dịch cư tự do… Nhờ đó, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện đã từng bước được kiểm soát, đẩy lùi.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn cũng đã làm tốt công tác đối ngoại với các huyện giáp biên của nước bạn Lào, hàng năm tổ chức các đoàn làm việc, thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp các ngày lễ, Tết; thực hiện chế độ giao ban, thông báo trao đổi tình hình 2 bên.
Chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Văn Hòe cho biết: Nhìn một cách tổng thể, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa tạo lập được cơ sở nền tảng vững chắc và đà phát triển mạnh để vươn lên, tạo bứt phá phát triển. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các xã biên giới có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, địa hình núi cao, nhiều khe suối sâu, hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng vượt biên trái pháp, di dịch cư tự do, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động… Để giữ yên biên giới cần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các lực lượng, tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương. Đây cũng là một trong những mục tiêu, yêu cầu được đề cao, nhấn mạnh trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05/CT-TU ở Kỳ Sơn trong thời gian tới.
Tạm biệt Kỳ Sơn - vùng đất nghĩa tình miền biên viễn, nơi đó có sự chung sức, đồng lòng của đồng bào 5 dân tộc anh em Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú và Hoa cùng nhau phát triển kinh tế và bảo vệ biên giới. Đồng bào các dân tộc nơi đây đang ngày một chủ động vượt khó vươn lên phát triển sản xuất, từng bước chiến thắng đói nghèo, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nơi “phên dậu” miền Tây xứ Nghệ.
Mô hình làm mộc hộ gia đình ở bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn. Ảnh: Xuân Thống
Những nếp nhà được làm bằng gỗ samu, pơmư ở các bản làng huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Thống
Lễ hội chọi bò, nét văn hóa truyền thống đồng bào Mông Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Thống
Tác giả trong lần ngược “cổng trời” Mường Lống
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại Điện Biên được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.
Trần Trung
17:51 22/11/2024(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền