Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bình Dương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới

Chu Tuấn

Thứ bảy, 02/10/2021 - 10:42

(Thanh tra) - Tối ngày 1/10, thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký văn bản chỉ đạo việc thực hiện kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Dương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: CT

Từng bước nới lỏng giãn cách tương ứng với diễn biến dịch bệnh

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Thực hiện bao vây thu hẹp, kiểm soát chặt “vùng đỏ”, mở rộng, bảo vệ “vùng xanh”, kiểm soát và ngăn chặn nguồn lây, chuỗi lây nhiễm mới để đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố để nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi cung ứng lao động.

Triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở “mức cao hơn”, “sớm hơn” và không được “chậm hơn” khi xử lý tình huống hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp.

Kể từ ngày 1/10, tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trong đó thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội phải thận trọng, từng bước với nguyên tắc từ phạm vi nội bộ khu phố (ấp), đến liên khu phố (ấp), đến phường (xã), đến liên phường (xã), đến huyện, đến liên huyện (thị xã, thành phố); kịp thời xử lý các ổ dịch có thể bùng phát.

Doanh nghiệp mô hình "3 xanh"  được chủ động trong việc tự mua kit test, tự tổ chức xét nghiệm bằng Test nhanh kháng nguyên, tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông. Ảnh: X.T

Doanh nghiệp mô hình “3 xanh” được tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện cùng các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động y tế, cụ thể như sau: Về công tác xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của ngành Y tế để chủ động phát hiện và bóc tách F0 tại các khu vực nguy cơ cao (cấp 3 - vùng cam), rất cao (cấp 4 - vùng đỏ) và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Thực hiện xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người (chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học, nhà máy, xí nghiệp,…) để kiểm soát và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm mới, đặc biệt phải bảo vệ được chuỗi “sản xuất xanh” (nhà máy xanh, nơi ở xanh và cung đường xanh), cụ thể:

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp đăng ký thực hiện mô hình “3 xanh” trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp: Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tự mua kittest, tự tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên, tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật đối với kết quả xét nghiệm của từng người lao động trong doanh nghiệp mình; khi phát hiện F0 thì xử lý theo hướng dẫn của ngành Y tế; đồng thời báo cáo, gửi kết quả đến Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh hoặc Sở Công thương (cụm công nghiệp) hoặc trung tâm y tế tuyến huyện hoặc trạm y tế lưu động, cụ thể như sau: Trước khi cho vào nhà máy sản xuất và trong quá trình hoạt động, sản xuất phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc với tần suất, đối tượng thực hiện theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn của ngành Y tế; ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động.

Bình Dương triển khai từng bước phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, chắc chắn theo phương châm “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.  Ảnh: CT

Đối với các doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”: Trước khi cho công nhân, người lao động ngừng thực hiện phương án sản xuất này để trở về nơi cư trú thì phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc, với tần suất, đối tượng thực hiện theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Đối với cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể phải cam kết thực hiện đúng, đủ các yêu cầu, điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch và trong việc tự thực hiện (hoặc thuê dịch vụ) xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên theo hướng dẫn của ngành Y tế; ưu tiên tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động.

UBND cấp xã phân công, chỉ đạo tổ COVID cộng đồng hoặc trạm y tế lưu động tham gia theo dõi, giám sát và cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm cho nhóm đối tượng này.

Đối với nơi cư trú, chỗ trọ của người lao động tùy theo mức độ nguy cơ, tình hình diễn biến dịch, chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc hàng tuần, với tần suất, đối tượng theo quy định của ngành Y tế cho người lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục mở rộng mạng lưới trạm y tế lưu động. Trong ảnh là Trạm Y tế lưu động số 2 - Cụm Công nghiệp Phú Chánh, thị xã Tân Uyên. Ảnh: BTG Bình Dương

Mở rộng mạng lưới trạm y tế lưu động

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện cùng các đơn vị, địa phương triển khai, ban hành hướng dẫn công tác phát hiện và xử lý khi có F0 trong cộng đồng, quy định điều trị F0 tại nhà (kể cả nhà trọ) và trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Tiếp tục mở rộng mạng lưới trạm y tế lưu động kết hợp trạm y tế truyền thống tại các địa phương, trong đó: Trạm y tế lưu động kết hợp trạm y tế truyền thống để phối hợp thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường và hỗ trợ điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; tư vấn khám, chữa bệnh; tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển các trường hợp bệnh cấp cứu vào các cơ sở y tế cho người dân trên địa bàn dân cư và công nhân, người lao động của các doanh nghiệp sản xuất bên ngoài khu, cụm công nghiệp.

Tại các khu, cụm công nghiệp phải bố trí các trạm y tế lưu động, tùy theo số lượng công nhân và số lượng doanh nghiệp để bố trí các trạm y tế phù hợp, tối thiểu mỗi khu, cụm công nghiệp có 1 trạm y tế lưu động. Trang bị đầy đủ phương tiện, vật tư, thuốc, đặc biệt là bình oxy y tế để trạm y tế lưu động triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả và kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng được yêu cầu tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng. Bố trí đủ số giường hồi sức tích cực theo tiêu chí của Bộ Y tế; nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh.

Nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các cơ sở y tế (công lập và ngoài công lập) đáp ứng đủ điều kiện thành lập; có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường…

Người lao động khi đáp ứng đủ điều kiện lưu thông và có xác nhận xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành Y tế thì được phép lưu thông đến làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo mô hình 3 xanh trên phạm vi toàn tỉnh. Ảnh: CT

Một số quy định người dân cần thực hiện

Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Vì vậy mỗi người dân cần: Thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người); quét mã QR tại các địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm, phương tiện công cộng, nhà máy...); xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông (hoặc chứng nhận điện tử) khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm soát hoặc tại các địa điểm đến nêu trên.

Đối với người lao động khi đáp ứng đủ điều kiện lưu thông và có xác nhận xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành Y tế thì được phép lưu thông đến làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo mô hình 3 xanh (gọi tắt là doanh nghiệp xanh) trên phạm vi toàn tỉnh. Doanh nghiệp xanh giới thiệu người lao động của mình với chính quyền địa phương nơi họ cư trú để được xác nhận nhằm phục vụ cho việc lưu thông (thủ tục, giấy xác nhận theo hướng dẫn của cơ quan chức năng).

Riêng người lao động ở 3/9 địa phương (Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên), khi được tiêm 1 mũi sau thời gian 14 ngày thì được đến làm việc tại doanh nghiệp xanh trong 3 địa phương này; khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh thì được lưu thông đến làm việc tại các doanh nghiệp xanh ở 6/9 địa phương còn lại; người lao động ở 6 địa phương còn lại được đến làm việc tại doanh nghiệp xanh thuộc 3 địa phương (Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên) phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh theo quy định…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm