Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 26/12/2017 - 06:31
(Thanh tra)- Việt Nam là một nước nông nghiệp (NN), nhưng hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã lấy đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được kỳ vọng là “bà đỡ” cho họ. Tuy nhiên trong thực tiễn, kỳ vọng của người nông dân vẫn chưa đạt được.
Ngành Nông nghiệp thường có nguy cơ rủi ro lớn, sản xuất nông nghiệp còn manh mún. Ảnh: TQ
Để BHNN trở thành “bà đỡ” cho người dân, ngoài những nỗ lực từ chính sách, 4 nhà (Nhà nước, nhà DN, nhà bảo hiểm và người nông dân) cần phải chung sức để ngành NN Việt Nam ngày càng trở thành ngành sản xuất hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dù Chính phủ cũng như ngành NN liên tục có chính sách “trải thảm” để mời gọi các DN tăng đầu tư, nhưng đến nay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn quá khiêm tốn. Một trong những lý do hàng đầu là đầu tư vào NN lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất NN chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số DN của cả nước, đa phần có quy mô vốn nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%.
Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển NN Việt Nam cho biết, BHNN là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển nền NN hàng hóa bền vững.
Theo ông Lộc để giúp tất cả nông dân tham gia bảo hiểm đều phải theo quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn, năng suất tăng, chất lượng tăng, giá thành giảm, từ đó giúp tăng thu nhập. Vì có bảo hiểm nên người nông dân tự tin sản xuất theo chỉ đạo, mở rộng quy mô sản xuất nên tăng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng quy mô từ đó sẽ có nhiều sản phẩm hàng hóa hơn. Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, khi gặp thiên tai sẽ được cơ quan bảo hiểm xét để bồi hoàn, có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững.
"Từ ý nghĩa đó, BHNN là cách tốt nhất đưa nông dân đến sản xuất hàng hóa, là giải pháp quan trọng để Nhà nước thúc đẩy đổi mới cơ cấu, phát triển nền NN hàng hóa". - ông Lộc khẳng định.
Sau 3 năm làm thí điểm, đại đa số hộ chăn nuôi, làm lúa đã phấn khởi, tin tưởng. Nhiều tỉnh muốn mở rộng. Bên cạnh đó, cách xác định mức phí, phương pháp bồi thường với lúa, chăn nuôi, thực tế kiểm nghiệm là phù hợp và đi đúng hướng.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao, bảo hiểm thủy sản bị trục lợi nặng; thực hiện tái bảo hiểm còn lúng túng. Trong khi đó, mới có sự tham gia của 2 Tổng Công ty bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh) và Tổng Công ty tái bảo hiểm, thiếu sự tham gia của các công ty lĩnh vực sản xuất NN, có liên kết với nông dân cho nên chưa bộc lộ hết thuận lợi, khó khăn của BHNN.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục mở rộng bảo hiểm với lúa, chăn nuôi (đã thành công). Bên cạnh đó, tiếp tục thí điểm với sản phẩm khác: Tập trung lựa chọn trước nhóm sản phẩm chủ lực (trong đó có tôm, cá Basa); Ngoài Bảo Việt, Bảo Minh cần có thêm các cơ quan bảo hiểm thí điểm cho một số DN khác.
Về đối tượng mua bảo hiểm, nên hướng tập trung vào hộ, trang trại, DN sản xuất hàng hóa (có khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo tham gia).
Về phía Nhà nước, cần hoàn chỉnh thêm chính sách hỗ trợ BHNN. Đối với đối tượng mua BHNN cần hỗ trợ một phần tiền Bảo hiểm (chủ yếu với đối tượng nghèo, hộ thường, chủ trang trại mua lần đầu); Có chính sách hỗ trợ DN bảo hiểm (tái bảo hiểm một phần) khi gặp rủi ro bất khả kháng do dịch bệnh, thiên tai. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong BHNN.
Bà Hoàng Thị Tính - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Bảo hiểm Ngân hàng NN (ABIC) cho biết, ABIC là một DN bảo hiểm gắn bó với NN, với bà con nông dân trong 10 năm qua, nhận thấy đây là một lĩnh vực tiềm năng nhưng rất khó triển khai và rủi ro cho các DN bảo hiểm.
Thực tế cho thấy, năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thí điểm BHNN theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg và đạt được một số kết quả bước đầu như: Vận động được 304.017 hộ nông dân mua bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, cây lúa và vật nuôi (trâu, bò, lợn, gà) với doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng, giải quyết bồi thường 712,9 tỷ đồng cho người mua bảo hiểm (chủ yếu là bồi thường thủy sản 306% doanh thu).
Tuy nhiên sau 3 năm triển khai, mô hình triển khai thí điểm khó nhân rộng ra toàn quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm thủy hải sản, bảo hiểm vật nuôi vì nhiều nguyên nhân bao gồm:
Mức độ tổn thất hàng năm trong lĩnh vực sản xuất NN rất cao (ước tính 1,5%-2% GDP) đòi hỏi DN bảo hiểm phải có mức vốn lớn và có rất đông người tham gia bảo hiểm để đảm bảo không bị lỗ trong kinh doanh.
Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về quy mô và mức độ tổn thất lại không đầy đủ và chi tiết nên không có cơ sở định phí rủi ro phù hợp. Mô hình sản xuất NN trong khu vực nông thôn phổ biến là quy mô nhỏ, manh mún, cách thức nuôi trồng không bài bản và không theo quy trình chuẩn, thiếu các giải pháp phòng vệ và quản lý rủi ro khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra.
Các DN bảo hiểm và nhà tái bảo hiểm chưa có nhiều kinh nghiệm về BHNN ở Việt Nam đặc biệt là khâu đánh giá rủi ro định phí bảo hiểm và giám định tổn thất... Thiếu cơ chế khuyến khích tham gia vào chương trình BHNN của khối ngân hàng, trong khi đây là chủ thể thực hiện các chương trình, chính sách lớn của Chính phủ trong phát triển NN nông thôn.
Bà Tính đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành ban hành khung chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm mục đích huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để thúc đẩy BHNN.
Theo TS Đặng Kim Khôi - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NN Nông thôn (IPSARD), để phát triển BHNN tại Việt Nam trong thời gian tới cần đa dạng hóa các gói bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu cho từng nhóm nông dân, phù hợp với điều kiện sản xuất và điều kiện tự nhiên vùng; Thúc đẩy thị trường thông qua hỗ trợ từ nhà nước; Cải thiện hệ thống chính sách, hình thành khung thể chế và pháp lý cho hệ thống BHNN (hình thành luật); Sự giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện và đưa ra quyết định thay đổi nhanh chóng để cải thiện sản phẩm bảo hiểm; Thiết lập quy trình quản lý thích hợp để giám sát và tối ưu hóa đầu tư công và đầu tư tư nhân của công ty bảo hiểm…
Trần Quý
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt được thành tích đáng tự hào. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 2.995 căn nhà trong tổng số 3.022 căn theo kế hoạch, tương đương 99%.
Bùi Bình
00:00 13/12/2024(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.
Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
20:36 12/12/2024T.Thanh
18:48 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC