Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Bảo bối” ở Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa

Thứ ba, 24/01/2017 - 06:30

(Thanh tra)- Là Phật tử của hệ phái Nam Tông, chủ trương tu để giải thoát cho bản thân, không tu cho người khác nhưng gần 40 năm nay nhà sư Tuệ Tâm lại nhập thế, hành thiện chữa bệnh cứu người. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa của nhà sư trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy cho nhiều bệnh nhân ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là những người nghèo.

"Trong cuộc đời tu hành, mỗi người có một hạnh nguyện riêng. Có người thì đi thuyết giảng, có người viết kinh sách. Riêng bản thân tôi, tôi có phát nguyện trước đức Phật, sẽ cống hiến cuộc đời của mình để giúp đỡ cho những người bệnh tật ốm đau” - nhà sư Tuệ Tâm nói.

Con đường hành thiện lắm gian nan

Năm 1974, sư Tuệ Tâm có duyên theo học một lớp châm cứu do Thượng tọa Tâm Ấn hướng dẫn và học với những vị lương y danh tiếng.

Sư Tuệ Tâm tu tại chùa Huyền Không (Lăng Cô) lúc mới 16 tuổi. Mỗi ngày ở chùa một mình, vắng lặng trong câu kính, tiếng mõ đều đều, cảm nhận  sự mong manh của  kiếp người và rồi tiếp nối truyền thống gia đình về Đông y, sư đã trở thành một danh y tâm đức.

Từ những buổi đầu vừa học vừa thực hành bắt mạch, kê đơn sư đã chữa khỏi bệnh miễn phí cho hàng chục rồi tiến dần nhiều hơn những con bệnh nghèo khó. Tiếng lành đồn xa! Nhân dân quanh vùng đến chữa bệnh ngày càng đông. Khi đã vững vàng hơn trong nghề thày thuốc, sư vừa châm cứu, bốc thuốc, vừa nhận thêm học trò để truyền nghề, để có thêm các đệ tử cùng mình chữa bệnh.

Do nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân ngày càng tăng,  lại được sự động viên, ủng hộ của sư huynh Giới Đức, năm 1982, ông cùng 6 học trò rời Huyền Không ở vùng bán sơn địa Hương Hồ của huyện Hương Trà, về chùa Diệu Đế bên bờ sông Đông Ba lập Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế. Chỉ với 2.500 đồng,  sư huynh hỗ trợ - tương đương 1 lượng vàng lúc đó và hơn hai chục thúng lúa, sư Tuệ Tâm bắt đầu với công việc lương y phúc  đức của mình.

Thời điểm đó Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo miễn phí 100%. Ngay sau 3 tháng thành lập, phòng khám của sư có nguy cơ đóng cửa vì  không đủ sức để duy trì. Từng có lúc thầy trò sư Tuệ Tâm phải lo ăn từng bữa. Cũng đã có lúc tưởng lâm vào bế tắc, vì “cái tâm mình tốt nhưng mình chưa biết cách làm từ thiện”. Vậy nhưng, sư chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ tâm huyết hành thiện cứu đời của mình, dẫu đành tạm thời đóng cửa phòng khám.

Làm sao để vừa cứu giúp đồng bào, vừa đảm bảo được kinh tế để duy trì hoạt động của Tuệ Tĩnh đường? Cứ day dứt. Cứ trăn trở. Và cứ tìm hỏi… Rồi một hòm công đức được mở ra. Người đến bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh tùy tâm cúng dường. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, năm 2005, Tuệ Tĩnh đường chuyển qua chùa Liên Hoa  tại số 3 đường Lê Quý Đôn và đổi tên thành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa cho đến bây giờ.

Địa chỉ tin cậy của người nghèo

Đến Huế, nhắc tới Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa chẳng ai còn thấy xa lạ. Vừa là lương y chính, vừa đảm đương vai trò Giám đốc Trung tâm Kế thừa ứng dụng Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, hình ảnh sư Tuệ Tâm bắt mạch, khám bệnh cho bệnh nhân đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây.

Rất nhiều bệnh nhân từ nơi xa xôi: Hà Nội, Hà Tĩnh hay từ Kon Tum, Đắk Lắc cũng tìm đến nơi cửa thiền mong được cứu sống. Đối với người nghèo, sư Tuệ Tâm dường như đã trở thành “thần y”. Họ đến đây vừa được tận tình thăm khám, vừa được nghe những lời ân cần khuyên răn của sư Tuệ Tâm. Có gia đình nghèo, cả nhà đều nương nhờ nơi cửa Phật này để qua cơn bệnh tật.

Hiện tại Trung tâm có gần 40 nhân viên y tế. Trung bình mỗi ngày khám chữa cho 250 người. Người bệnh đến sẽ được khám và châm cứu hoàn toàn toàn miễn phí 10 ngày đầu tiên. Với tiêu chí “thu đủ bù chi”, Trung tâm luôn có chính sách hỗ trợ đáng kể cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Những người có chứng nhận hộ nghèo sẽ được cấp thuốc miễn phí, các gia đình ít khó khăn hơn sẽ được giảm 20 - 50% tiền thuốc. Số bệnh nhân có điều kiện kinh tế sẽ thu phí để duy trì hoạt động cho Trung tâm. Hoạt động của Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa chủ yếu chữa trị các bệnh đặc thù như hen, suyễn,cột sống, khớp, châm cứu, suy nhược thần kinh, thần kinh tọa, đại tràng, di chứng tai biến…

“Sư Tuệ Tâm có phẩm hạnh tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Hoạt động hành thiện cứu người của nhà sư giúp đỡ không ít người dân có hoàn cảnh còn khó khăn”, ông Nguyễn Tài Tuệ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định với PV Báo Thanh tra như vậy.

“Hãy làm những việc lợi người”

“Chữa bệnh nên đặt chữ “nhân” lên đầu chữ đừng đặt chữ “lợi” lên đầu. Khi đặt chữ “lợi” lên đầu rồi là không có đạo đức. Có hai nghề, nghề thầy giáo và thầy thuốc mà đặt chữ “lợi” lên thì sẽ hư sự hết. Hai nghề cao cả, bổn phận là phục vụ, vô vụ lợi, nếu tính toán, là thua rồi, không trọn vẹn được”.

Với tâm niệm tốt đẹp, không màng chút danh lợi, thế nên khi có ai đó nhắc đến những bằng khen của Bộ Y tế, các hội khoa học, Hội Đông y dành cho cá nhân ông, sư Tuệ Tâm chỉ cười hiền hậu.

Đi tu không có nghĩa quay lưng lại với đời. Thượng tọa đã gắn bó với nghề y gần 40 năm, đã nhập thế giúp đời, giành lại sự sống cho bao kiếp người nghèo khổ. Dù còn nhiều trăn trở với nghiệp hành thiện, với đời, với người nhưng sư Tuệ Tâm luôn nhắc nhở mình và các nhân viên của trung tâm phải dốc lòng vì người bệnh.

Một ngày bắt đầu với sư là 4 giờ tụng kinh, ngồi thiền. Rồi tiếp nối lên phòng khám bắt mạch kê đơn. Bệnh nhân thì nhiều mà ai cũng muốn chờ sư. Tuần 3, 4 chiều muộn,  sư còn  dạy về nghề thuốc, giảng về kinh Phật cho các Phật tử. Và rồi kết thúc một ngày nơi chính điện, sư lại cùng các đệ và những Phật tử ngồi tụng kinh, thiền định. Thày thuốc cũng ốm. Sư Tuệ Tâm cũng bệnh, cũng mỗi ngày uống thuốc chữa bệnh của mình. Một ngày của nhà chùa là một ngày lao động không mệt mỏi giúp đời.

Sư Tuệ Tâm mới được những bằng khen về thày thuốc Đông y cao quý. Cũng là một ghi nhận của Nhà nước với vị lương y. Tuy nhiên, điều sư và các lương y ở Tuệ Tĩnh đường trăn trở quan tâm là đưa phòng khám lên thành một viện Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa để có thể giúp hơn được nhiều người bệnh.

Hoàng Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”

Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”

(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), ngày 12/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức lễ ra mắt trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”.

Thái Hải

20:36 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm