Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thừa Thiên Huế: 3 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển vươn mình

N. Phó - L. Bằng

Thứ tư, 06/11/2024 - 07:00

(Thanh tra) - Vận dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huy động đóng góp trong cộng đồng và nỗ lực tự vươn lên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 3 xã thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

Bộ mặt nông thôn mới của xã Phú Diên đã khởi sắc. Ảnh: P.B

Theo Quyết định số 576/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký về việc công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thì Thừa Thiên Huế có 3 xã thuộc diện trên gồm xã Phú Diên, huyện Phú Vang; xã Điền Hương, Phong Chương thuộc huyện Phong Điền.

Không còn là xã đặc biệt khó khăn

Những năm gần đây, đời sống người dân xã Phú Diên đã khá giả hơn, bộ mặt nông thôn mới khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,73%, hộ cận nghèo 3,78%, hộ nghèo đa chiều 3,39%.

Đặc biệt, Phú Diên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2023.

Hạ tầng giao thông, khu neo đậu tàu thuyền Phú Diên được xây dựng kiên cố. Ảnh: P.B

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Diên Phạm Tăng Đoàn, để đạt được kết quả trên, địa phương đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành; cùng với sự đồng tình, hưởng ứng tham gia của Nhân dân trong toàn xã. Đặc biệt là thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2021 – 2023, xã đã được Chương trình này hỗ trợ hơn 1,48 tỷ đồng để xây dựng các mô hình, dự án (DA) sinh kế, phát triển sản xuất cho 91 hộ dân và chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ cho 52 hộ với kinh phí 865 triệu đồng.

Hiện, xã đã và đang triển khai các mô hình giảm nghèo hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có hiệu quả như mô hình nuôi bò, nuôi gà lai kiến thả vườn, hỗ trợ ngư cụ khai thác thủy sản. Các mô hình trên đã mang lại hiệu quả cao, giúp cho người nghèo, hộ nghèo ổn định công việc, phát triển kinh tế hộ gia đình và thoát nghèo bền vững.

“Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, địa phương tiếp tục khai thác các tiềm năng, thế mạnh, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng. Phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề để tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn nhằm giúp người dân có nghề nghiệp để dễ tìm kiếm việc”, ông Phạm Tăng Đoàn nói.

Nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang. Ảnh: P.B

Tương tự tại xã Điền Hương, nhờ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân, đến nay, đường trục liên xã, thôn được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 100%. Xã đầu tư xây dựng 7 trạm bơm điện, hệ thống kênh mương thủy lợi, đê bao nội đồng... Nhờ đó, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động trên địa bàn xã đạt 90%.

Điền Hương đã hỗ trợ cho hơn 100 hộ xây dựng, sửa chữa lại nhà ở. Đến đầu năm 2024, xã còn 47 hộ nghèo, giảm 22 hộ so với năm 2021. Ngày 25/7/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận xã Điền Hương đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí.

Mục tiêu đưa 4 xã còn lại thoát đặc biệt khó khăn

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế cho biết, để 3 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn là nhờ quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kết quả thực hiện các DA, tiểu DA thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, các xã này được bố trí gần 95,8 tỷ đồng và đã triển khai xây dựng 26 công trình giao thông nông thôn và nội đồng; kênh mương thủy lợi, trường học, chợ, nhà văn hóa…

Chính quyền xã Điền Hương hỗ trợ bò cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh: P.B

“Việc triển khai các DA hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp cho các xã này tạo chuyển biến tích cực về các mặt đời sống kinh tế - xã hội; cơ sở hạ tầng ngày càng nâng cao khả năng phục vụ dân sinh, sản xuất, phát triển kinh tế, giúp cho bộ mặt nông thôn của huyện, xã thay đổi, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện”, ông Phúc khẳng định.

Trong thời gian tới, để giúp 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển còn lại của tỉnh thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vào cuối năm 2025, theo ông Phúc cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.

Đó là, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, DA, chính sách giảm nghèo gắn với lồng ghép các chương trình, DA khác triển khai trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên thực hiện các DA hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo...

“Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các DA liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Phúc nói thêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm