Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

100% trẻ em DTTS được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi

Thanh Lương

Thứ sáu, 26/11/2021 - 22:13

(Thanh tra) - Chương trình 135 đã góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi cơ bản hệ thống hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của tỉnh, góp phần nhất định vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho sự phát triển của vùng đồng bào các DTTS&MN…

Thiếu nữ Hrê biểu diễn các điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc tại Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng tỉnh.Ảnh: https://bvhttdl.gov.vn/ https://bvhttdl.gov.vn

Báo cáo Đánh giá kết thúc Dự án 2 - Chương trình 135 (2018 - 2020) ký ngày 17/11/2021 của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết điều này.

Theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn ĐBKK vào diện đầu tư của Chương trình 135, tỉnh Quảng Ngãi có 50 xã ĐBKK, xã an toàn khu và 47 thôn ĐBKK thuộc vào diện đầu tư của Chương trình 135.

Tổng dân số của các xã, thôn ĐBKK thực hiện Chương trình 135 năm 2017 là 145.828 người, trong đó 127.439 người là DTTS, chiếm 90,16%. Cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo vùng DTTS&MN của tỉnh là 22.697 hộ, chiếm tỷ lệ 36,97% và tổng số hộ cận nghèo là 8.518 hộ, chiếm tỷ lệ 13,87%; trong đó tổng số hộ nghèo DTTS là 20.899 hộ (chiếm tỷ lệ 53,41% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 91,25% tổng số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN).

Kết quả thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN giảm từ 46,76% (năm 2016) xuống còn 22,01% (năm 2020); bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN giảm 4,95%.

100% xã có trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đạt mục tiêu của Chương trình.

100% xã ĐBKK có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân, đạt mục tiêu của chương trình.

Tỷ lệ hộ gia đình ở xã, thôn ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 75,07%, đạt mục tiêu của chương trình.

100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia; xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng, đạt tỷ lệ 100%.

100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động, đạt 100% so với kế hoạch năm 2020 (100%).

100% hộ dân thuộc địa bàn xã, thôn ĐBKK được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác.

Kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN tiếp tục tăng trưởng, năm 2020, tổng giá trị sản xuất là 6.880,81 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,22%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2020, tỷ trọng lâm, nông, ngư nghiệp chiếm 33,47%, công nghiệp - xây dựng 42,56%, dịch vụ 23,97%.

Đến nay, các huyện miền núi đã có quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn huyện; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã thông suốt 04 mùa; các tuyến đường đến các huyện miền núi cơ bản đã được đầu tư, hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Những con số biết nói

Tổng kế hoạch vốn để thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2018 - 2020 là 189.000 triệu đồng, thực hiện cho 334 công trình.

Tổng kế hoạch vốn để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong giai đoạn 2018 - 2020 là 47.693 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 45.449 triệu đồng, vốn huy động khác là 2.244 triệu đồng. Năm 2018, hỗ trợ phát triển sản xuất là 13.565 triệu đồng thực hiện 83 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 1.754 hộ; năm 2019, hỗ trợ phát triển sản xuất là 17.649 triệu đồng thực hiện 51 dự án và 9 mô hình cho 876 hộ; năm 2020, hỗ trợ phát triển sản xuất 16.479 triệu đồng thực hiện 54 dự án và 12 mô hình cho 1.223 hộ.

Tổng giải ngân giai đoạn 2018-2020 là 41.136 triệu đồng.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2018 - 2020 là 245.304 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 234.060 triệu đồng, vốn huy động khác là 2.244 triệu đồng.

Về giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, 18,31% (13/71) trường mầm non, 33,33% (17/51) trường tiểu học, 30,43% (21/69) trường trung học cơ sở và 55,55% (05/09) trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. 100% trẻ em người DTTS được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; tỷ lệ học sinh tiểu học ra lớp đạt 100% và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm từ 34,3% (năm 2016) xuống còn 25,5.

Đến nay, trên địa bàn miền núi có 01 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện (huyện Trà Bồng), có 32/60 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, đạt 53,3%; có 254/266 nhà sinh hoạt văn hóa thôn, đạt 95,5%.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được ổn định; đã duy trì chặt chẽ chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có số lượng ổn định, chất lượng ngày càng tăng.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, cùng với các chương trình, dự án, chính sách khác được thực hiện trong thời gian qua, Chương trình 135 đã góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi cơ bản hệ thống hạ tầng vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh, góp phần nhất định vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho sự phát triển của vùng đồng bào các DTTS&MN, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS của tỉnh tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN giảm từ 46,76% (năm 2016) xuống còn 22,01% (năm 2020).

Chương trình 135 trong những năm qua đã giúp năng lực sản xuất của người dân ở vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên, đặc biệt là đồng bào DTTS. Ở nhiều vùng, đồng bào DTTS đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt với các loại cây, con giống mới, có năng suất, chất lượng cao, phần nào đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu lâu nay.

Chương trình 135 đã góp phần tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng chăn nuôi, hướng sản xuất gắn với thị trường. Chương trình đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng ĐBKK, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc về các quyền và nghĩa vụ của mình trong các chương trình, chính sách, tạo cơ sở để nhân dân tham gia ngày càng rộng hơn, sâu hơn vào việc xây dựng kế hoạch cũng như thực hiện, giám sát các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn của mình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm