Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xem thường kiến nghị của dân đến bao giờ?

Thứ ba, 10/05/2011 - 05:37

(Thanh tra)- Uất ức vì cái chết của anh trai, từ tháng 4/2010, ông Xa Văn Cành, xóm Đắt, xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đại diện gia đình đã viết nhiều đơn đề nghị gửi Ban Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Đà Bắc… đề nghị làm rõ cái chết của ông Xa Minh Lược, 53 tuổi, cựu chiến binh. Hơn 1 năm nay, gia đình ông Cành vẫn không nhận được hồi âm của Sở Y tế Hòa Bình.

PV làm việc với ông Bùi Duy Đường

Khi “mẹ hiền” coi thường y đức

Không chỉ người nhà mà tất cả những người có mặt, được chứng kiến quá trình tiếp nhận, cứu chữa bệnh nhân Xa Minh Lược của y sỹ Bùi Duy Đường, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV) Mường Chiềng đêm 7/4/2010 đều bất bình với thái độ thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của ông này.

Ông Xa Văn Cành bức xúc: Hôm 7/4/2010, khoảng hơn 17 giờ, anh Lược kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Tôi và cháu Môn, con trai anh Lược và 2 em là Nhàn, Póm dùng xe máy đưa anh Lược đến PKĐKKV Mường Chiềng (cách nhà ông Lược hơn 2 cây số - PV) để khám. Đưa anh Lược vào giường nằm, ông Đường hỏi anh Lược: “Anh bị đau ở đâu?”. Anh Lược trả lời: “Tôi bị nhức đầu”. Ông Đường hỏi: “Anh có uống rượu không?”. Anh Lược nói: “Có uống nhưng không nhiều”. Không đo huyết áp, không khám, ông Đường chỉ cặp nhiệt độ cho anh Lược. Khoảng 5 phút sau, ông Đường xem nhiệt độ rồi nói: “Không sốt”.

Ông Lược kêu buồn nôn, ông Đường bảo gia đình ông Cành sang quầy thuốc tư của dược sỹ Nhung (nhân viên phòng khám) mua 2 viên thuốc chống nôn. Uống 2 viên thuốc vào, ông Lược nôn ra ngay. Thấy vậy, ông Đường lại bảo ông Cành mua 2 ống thuốc chống nôn, 1 bơm kim tiêm cũng tại quầy thuốc chị Nhung để tiêm bắp và mua 1 lọ dịch truyền. Tiêm bắp, truyền dịch khoảng 4 - 5 phút thì ông Lược bứt rứt khó chịu, vùng vằng, đập chân, đập tay dãy dụa. Ông Đường bảo anh em ông Cành phải giữ chân, tay ông Lược để truyền dịch được suôn sẻ. Sau đó, ông Đường bỏ đi.

Đến 8 giờ tối (sau khi truyền dịch 15 - 20 phút) thì dịch truyền bị tắc, nơi cắm ven truyền bị phồng, ông Lược khó thở, chân tay không cử động được, gia đình ông Cành đi tìm ông Đường thì được bảo: “Phải vuốt và bóp cánh tay cắm kim truyền dịch để cho dịch chảy đều và liên tục”. “Anh em tôi làm theo sự chỉ dẫn còn ông lại bỏ đi. Càng về khuya, bệnh tình anh Lược càng nặng hơn. Khoảng 1 giờ sáng ngày 8/4 thì chân, tay trái anh Lược bị liệt. Chúng tôi gọi, hỏi không thấy anh Lược trả lời, bọt mép chảy ra nhiều, chân tay lạnh. Anh em tôi cuống cuồng đi tìm ông Đường thì ông này đang ngủ ở nhà riêng. Đến nơi, thấy anh Lược nguy kịch, ông Đường rút dây truyền rồi đo huyết áp, một lúc sau nói: Huyết áp rất cao gia đình nên chuyển bệnh nhân lên BV huyện Đà Bắc”, ông Cành cho biết.

Lúc này, đã hơn 2 giờ sáng, anh em ông Cành đi tìm thuê xe ô tô vì từ PKĐKKV Mường Chiềng về đến BV huyện xa hơn 70 km đường núi. Về đến BV Đà Bắc, ông Lược được chuyển lên tỉnh Hòa Bình và sau đó là BV Quân Y 103. Tại BV Quân Y 103, ông Lược được mổ để lấy máu cục trong hộp sọ ra, nhưng do lượng máu chảy quá nhiều, thời gian quá lâu nên 3 ngày sau khi phẫu thuật (12/4/2010), ông Lược đã chết.

Sau khi ông Lược mất được 4 ngày, ông Đường đến nhà gặp Xa Văn Tha, con trai ông Lược nói rằng: “Gia đình và các cháu thông cảm cho bác vì trình độ chuyên môn của bác có hạn”. Ông Đành (em trai ông Đường) là giáo viên Trường Tiểu học Giáp Đắt cũng đến nhà yêu cầu gia đình ông Lược viết giấy cam kết không khiếu nại, tố cáo gì liên quan đến ông Đường!
Theo ông Xa Văn Xếp, người xóm Đắt 3, cùng phòng bệnh với ông Xa Minh Lược, nếu ông Đường thường xuyên theo dõi, kiểm tra bệnh cho ông Lược thì chắc không đến mức nặng như thế mới đưa đi BV trên. “Ông Đường vô tâm với bệnh nhân quá”, ông Xếp nói.

PV gặp gỡ gia đình bệnh nhân Xa Minh Lược


Phòng khám 3 yếu kém
           
PKĐKKV Mường Chiềng được thành lập nhằm phục vụ khám chữa bệnh cho gần 15.000 dân thuộc 7 xã vùng cao huyện Đà Bắc và hàng trăm giáo viên, học sinh trường THPT, trường THCS dân tộc nội trú liên xã. Nhiệm vụ nặng nề, nhưng thực chất đây là một cơ sở y tế trong diện 3 yếu kém.

Thứ nhất yếu kém về số lượng thầy thuốc. Theo ông Đường, hiện tại PKĐKKV chỉ có 3 người gồm 1 y sỹ, 1 dược sỹ và 1 nữ hộ sinh. Thứ hai, trình độ chuyên môn của các thầy thuốc cũng có vấn đề. Trưởng phòng khám Bùi Duy Đường năm nay đã gần 60 tuổi, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hòa Bình từ năm 1974. Ra trường đi bộ đội đến năm 1982 phục viên về quê (xã Mường Chiềng, Đà Bắc) làm xã đội rồi chủ nhiệm HTX nông nghiệp. Năm 1992, ông Đường ra làm việc ở PKĐKKV Mường Chiềng, một thời gian sau được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng. Gần 20 năm qua, ông Đường chỉ được đi tập huấn 1 lần về phòng, chống sốt rét. Yếu kém thứ 3 là thiết bị khám chữa bệnh hầu như không có. Ông Bùi Duy Đường cho biết: Tất cả công việc từ tiếp nhận bệnh nhân đến khám, tiêm… đều do một mình ông làm. Số lượng người đến khám bệnh rất đông, 4 tháng đầu năm 2011 đã có 1.430 lượt người đến khám, điều trị tại phòng khám. Trong khi đó, lượng thuốc chữa bệnh của PKĐKKV lại không đủ, nhất là thuốc cấp cho bệnh nhân hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Về trường hợp bệnh nhân Xa Minh Lược, ông Đường cho biết: Hôm ấy là chủ nhật lại mất điện nên không có người trực và có một ca đẻ nên ông không làm hết được.

+ Vì sao gia đình bệnh nhân phải đi mua thuốc trong khi ông Lược được hưởng chế độ bảo hiểm y tế?

- Thì có ai trực đâu mà cấp thuốc.

+ Ai giữ thuốc của phòng khám?

- Dược sỹ Nhung.

+ Sao dược sỹ Nhung không cấp thuốc cho bệnh nhân mà bán thuốc ở quầy thuốc nhà mình?

- Thì cứ mua thuốc ngoài rồi sau này tôi sẽ thanh toán, có sao đâu.

+ Bệnh nhân không bệnh án, không đơn thuốc, sau này căn cứ vào đâu để ông thanh toán tiền thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân?

- Cứ mua rồi tính sau.

+ Có bao nhiêu bệnh nhân nghèo có sổ bảo hiểm y tế đến khám, chữa bệnh tại PKĐKKV Mường Chiềng phải tự mua thuốc ngoài như bệnh nhân Xa Minh Lược? Tại sao em trai ông và ông lại yêu cầu gia đình ông Lược viết giấy cam kết không tố cáo ông?

Ông Đường im lặng không trả lời!

Ông Xa Văn Cành nói với PV: “Gia đình làm đơn kiến nghị mong Sở Y tế Hòa Bình, BV Đa khoa Đà Bắc làm rõ trách nhiệm, thái độ của ông Bùi Duy Đường đối với cái chết của anh trai tôi là Xa Minh Lược. Nhưng Sở Y tế Hòa Bình, BV Đà Bắc không trả lời”.

Cả nước nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng đã và đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa bác sỹ về tuyến xã nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Không hiểu vì sao phục vụ khám chữa bệnh cho hơn chục nghìn dân như PKĐKKV Mường Chiềng, Đà Bắc lại không có bác sỹ, không có y tá? Và, trong những năm qua đã có bao nhiêu gia đình bệnh nhân phải chịu đựng nỗi đau như gia đình ông Xa Văn Cành? Câu trả lời xin dành cho lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

                                                                          Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

(Thanh tra) - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn giả mạo thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn. Trong đó có trường hợp lấy cả người đã chết để đứng tư cách pháp nhân thành lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn.

Văn Thanh

21:28 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm