Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam: Đang trở thành điểm đến của nạn rửa tiền

Thứ bảy, 29/10/2011 - 21:57

(Thanh tra) - Theo ước tính của các chuyên gia, hàng năm số tiền được rửa trên phạm vi toàn cầu lên đến nhiều trăm tỷ USD.

Ảnh minh họa

Rửa tiền không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính hàng đầu thế giới mà ngay cả các quốc gia đang trong quá trình hội nhập vào hệ thống tài chính quốc tế cũng không tránh khỏi. Đặc biệt, khi các thị trường mới nổi mở cửa nền kinh tế và lĩnh vực tài chính thì họ dễ dàng trở thành mục tiêu của các hoạt động rửa tiền. Nói cách khác, rửa tiền là hành động gây vẩn đục nền kinh tế.

Rửa tiền có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia. Bằng những thủ đoạn tinh vi, các băng đảng tội phạm tìm cách hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ phạm tội của mình - những đồng tiền bất chính - thành có "nguồn gốc sạch sẽ". Những hoạt động này đã gây ra không ít ảnh hưởng tiêu cực cho lĩnh vực tài chính nói riêng, nền kinh tế vĩ mô nói chung. (Rửa tiền làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Rửa tiền ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của các chính sách kinh tế. Hoạt động rửa tiền làm xói mòn niềm tin vào các thị trường tài chính).

Nguồn gốc tiền bẩn

- Từ buôn lậu ma túy, vũ khí, mại dâm và các loại hàng hoá bị cấm mua bán như rượu, thuốc lá...

- Từ tiền tham nhũng, nhận hối lộ của các nhà lãnh đạo quốc gia, các quan chức địa phương

- Tiền có do tham nhũng, nhận hối lộ, tham ô của các viên chức nhà nước hoặc do lợi dụng chức vụ, địa vị trong bộ máy nhà nước mà có như: Lợi dụng việc biết trước các thông tin về chủ trương, chính sách, qui hoạch… để trục lợi

- Tiền có được do mua bán nội gián trên thị trường chứng khoán, mua bán lòng vòng

- Tiền của các tổ chức tội phạm có được do làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh bạc

- Tiền có được do hoạt động chuyển giá giữa các công ty thuộc cùng một tập đoàn hoặc công ty mẹ - con hoặc tiền có được do trốn thuế…

Chưa kể, rửa tiền còn được coi là có những mối liên hệ nhất định liên quan đến vấn đề tài trợ khủng bố. Trong đó, tội phạm khủng bố sử dụng các phương tiện/hình thức rửa tiền khác nhau để luân chuyển luồng tài chính tài trợ cho hoạt động khủng bố. Các cá nhân, tổ chức tài trợ cho khủng bố cũng tìm cách sử dụng nhiều hình thức khác nhau để che giấu hành vi của chúng, tạo khoảng cách xa nhất từ chúng cho đến đích là tội phạm trực tiếp tiến hành hoạt động khủng bố.

Tại Việt Nam, Ngân hàng (NH) Thế giới từng đưa ra cảnh báo rằng nước ta đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các NH còn kém phát triển; mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn. Quan trọng nhất đối với Việt Nam là, những hậu quả kinh tế bất lợi có thể xảy ra nếu không kiểm soát được các nguồn tiền.

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập, được đánh giá là có “tính chất mở” hàng đầu thế giới. Điều này cũng khiến các luồng tiền ra/vào thuận lợi hơn vì những khe hở về luật pháp là điều kiện để tội phạm rửa tiền vào Việt Nam. Trong đó, hoạt động NH chịu áp lực ngày càng gia tăng của các tội phạm liên quan đến hoạt động NH vì ngoài việc phải đối phó với các khoản tiền bất hợp pháp trong nước còn phải đối phó với nguy cơ các tổ chức tội phạm quốc tế. Bởi lẽ, các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam, với hệ thống NH và tài chính chưa thực sự phát triển và tỷ trọng sử dụng tiền mặt cao, thường là địa chỉ được chọn cho các hoạt động rửa tiền.

Sớm nhận diện được thực tế này, hoạt động phòng, chống rửa tiền (PCRT) đã được đề cập chính thức lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự năm 1999 với tội danh "tội rửa tiền" và “tội hợp pháp hoá tiền do phạm tội mà có” tại Điều 250 và Điều 251.

Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 12/5/2009 của Chính phủ về ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 cũng đã nhấn mạnh việc “hoàn thiện pháp luật về tài chính, NH, về thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động; nghiên cứu hoàn thiện quy định về thuế tài sản và việc bắt buộc đăng ký bất động sản; thực hiện việc đăng ký thuế thu nhập cá nhân và thanh toán qua tài khoản; xây dựng Luật CRT”.

Tại Đề án phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg, ngày 24/5/2006 của Thủ tướng xác định: Hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý, áp dụng đầy đủ hơn các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về an toàn kinh doanh tiền tệ - NH. Xây dựng môi trường pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động NH minh bạch và công bằng nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, NH. Các chính sách và quy định pháp luật về tiền tệ, hoạt động NH góp phần tạo môi trường lành mạnh và động lực cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh.

Cũng để góp phần hoàn thiện dần hệ thống pháp luật về PCRT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1451/QĐ-TTg, ngày 12/8/2010 về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về CRT và chống tài trợ khủng bố và Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 sửa đổi Quyết định số 1451/QĐ-TTg. Kế hoạch này nêu ra các hành động cần thiết nhằm khắc phục thiếu hụt trong cơ chế PCRT của Việt Nam mà Chính phủ đã cam kết với Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về CRT (FATF)...

Trong văn bản pháp lý cao nhất qui định các hoạt động NH là Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 (Luật số 47/2010/QH12 ngày 29/6/2010) cũng đã có qui định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với việc rửa tiền. Cụ thể: Không được che giấu, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp. Xây dựng quy định nội bộ về PCRT, tài trợ khủng bố. Thực hiện các biện pháp PCRT, tài trợ khủng bố. Hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố. (Điều 11 - Trách nhiệm PCRT, tài trợ khủng bố).

Được biết, tháng 5/2007, Việt Nam đã gia nhập thành viên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về CRT (APG) và cam kết thực hiện 40+9 khuyến nghị của FATF. Đầu năm 2010, NH Nhà nước Việt Nam và NH Negara của Malaysia đã ký biên bản ghi nhớ về việc trao đổi thông tin liên quan đến PCRT. Việt Nam cũng đã phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức khóa tập huấn về PCRT...

Các chuyên gia về NH nhận định, việc xây dựng và ban hành Luật PCRT là phù hợp với định hướng nhằm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật NH đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.

Điều 14 - Các biện pháp chống rửa tiền

1. Mỗi quốc gia thành viên sẽ:
(a) Trong phạm vi thẩm quyền của mình, thiết lập một cơ chế giám sát và điều tiết toàn diện trong nước đối với các NH, các định chế tài chính phi NH, kể cả các cá nhân hay pháp nhân cung cấp dịch vụ chính thức hoặc không chính thức về chuyển tiền hoặc vật có giá trị, và khi thích hợp, cả những cơ quan khác đặc biệt dễ liên quan đến rửa tiền, nhằm ngăn chặn, phát hiện mọi hình thức rửa tiền; cơ chế điều tiết và giám sát này phải nhấn mạnh đến các yêu cầu về xác định khách hàng và cả người sở hữu hưởng lợi khi thích hợp, lưu giữ hồ sơ và báo cáo về các giao dịch đáng ngờ.

(b) Trên cơ sở không trái với Điều 46 của Công ước này, bảo đảm rằng các cơ quan hành chính, giám sát, thực thi pháp luật và các cơ quan khác chuyên về CRT (bao gồm cả các cơ quan tư pháp nếu phù hợp với pháp luật quốc gia) có khả năng hợp tác và trao đổi thông tin ở cấp quốc gia và quốc tế trong phạm vi điều kiện mà pháp luật quốc gia quy định và, nhằm mục đích này, xem xét thành lập một đơn vị tình báo tài chính để hoạt động như một trung tâm quốc gia để thu thập, phân tích và phổ biến thông tin về hoạt động rửa tiền tiềm tàng.

2. Các quốc gia thành viên sẽ xem xét thực hiện các biện pháp khả thi nhằm phát hiện, kiểm soát việc di chuyển tiền mặt và các công cụ có giá trị chuyển đổi qua biên giới nước mình, nhưng cũng tuân thủ biện pháp an ninh nhằm bảo đảm sử dụng thông tin đúng đắn và không gây trở ngại dưới bất kỳ hình thức nào tới việc di chuyển các dòng vốn hợp pháp. Những biện pháp như vậy có thể bao gồm biện pháp yêu cầu các cá nhân và tổ chức kinh doanh báo cáo về việc chuyển qua biên giới những lượng tiền mặt lớn và các công cụ có giá trị chuyển đổi khác.

3. Các quốc gia thành viên xem xét thực hiện các biện pháp phù hợp và khả thi yêu cầu các định chế tài chính, kể cả bên chuyển tiền:

(a) Điền vào đơn chuyển tiền qua đường điện tử và các loại thư tín liên quan thông tin chính xác và có ý nghĩa về người gửi tiền.

(b) Duy trì thông tin đó xuyên suốt quá trình chi trả.

(c) Tăng cường giám sát việc chuyển các khoản tiền không có thông tin đầy đủ về người gửi tiền.

4. Khi thiết lập một cơ chế quản lý và giám sát trong nước theo quy định của Điều này và trên cơ sở không trái các điều khoản khác của Công ước này, các quốc gia thành viên được khuyến nghị sử dụng các sáng kiến CRT có liên quan của các tổ chức khu vực, liên khu vực và đa phương như là định hướng giải quyết vấn đề.

5. Các quốc gia thành viên sẽ nỗ lực phát triển và thúc đẩy hợp tác song phương, tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu  giữa các cơ quan tư pháp, thực thi pháp luật và giám sát tài chính nhằm đấu tranh CRT.

(Nguồn: Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng)


Ngân An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

(Thanh tra) - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn giả mạo thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn. Trong đó có trường hợp lấy cả người đã chết để đứng tư cách pháp nhân thành lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn.

Văn Thanh

21:28 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm